Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Yếu tố then chốt nguồn nhân lực

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá, cạnh tranh, ưu đãi; nhất là các ưu đãi về thuế quan cùng các thủ tục hành chính đơn giản…

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Trung tâm tài chính quốc tế đang được xúc tiến thành lập tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng Trung tâm tài chính quốc tế.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Trung tâm tài chính quốc tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập đặt tại TP Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ.

Trung tâm tài chính quốc tế được xây dựng trên cơ sở thống nhất về hoạt động, quản lý, giám sát; có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của từng thành phố; đảm bảo sự công bằng, tương hỗ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu, gắn với động lực tăng trưởng kinh tế.

Nghị quyết quy định các chính sách đặc thù phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, tập trung vào ngoại hối, hoạt động ngân hàng, ưu đãi thuế, phát triển thị trường vốn, tài chính, đất đai, lao động, việc làm…, cũng như chính sách thử nghiệm có kiểm soát dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ (fintech) và đổi mới sáng tạo, phát triển các loại thị trường, sàn giao dịch hàng hóa.

Hiện, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã tập trung chuẩn bị công việc để xây dựng, phát triển và vận hành trung tâm tài chính như: bố trí nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, đội ngũ quản lý; đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng để xây dựng và phát triển; xúc tiến đầu tư, tiếp xúc các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng...

Theo Chính phủ, trung tâm tài chính là vấn đề mới, khó và chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Thực tế triển khai sẽ có những vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, bên cạnh việc xây dựng cơ chế và chính sách cho trung tâm tài chính, việc chuẩn bị nguồn lực về hạ tầng, nhân lực của 2 thành phố là yếu tố then chốt đem lại thành công của trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), chỉ khi có đội ngũ nhân sự chuyên môn cao và tư duy quốc tế, Trung tâm tài chính mới có thể vận hành một cách hiệu quả và bền vững. “Muốn thành công, con người phải đi trước một bước. Không chỉ cần những nhân sự giỏi trong lĩnh vực tài chính hay công nghệ mà còn cần những người có tầm nhìn quốc tế, tư duy sáng tạo và khả năng chấp nhận rủi ro để đổi mới”, ông Ngân nhấn mạnh.

Trên thực tế tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nguồn lực hiện có vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này. Số lượng lao động có kỹ năng chuyên sâu về các lĩnh vực như: công nghệ tài chính, công nghệ chuỗi khối hay quản trị tài chính quốc tế còn hạn chế, khiến thành phố khó có thể cạnh tranh với các Trung tâm tài chính hàng đầu như: Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc).

Còn theo bà Trần Minh Hường, Giám đốc Nhân sự Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng cho rằng, nguồn nhân lực là một trong những “nút thắt” lớn nhất trong quá trình xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam. “Một Trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi những sản phẩm và hoạt động tài chính phức tạp hơn rất nhiều so với ngân hàng thương mại truyền thống. Do đó, nhân sự cần có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn trong các lĩnh vực như ngân hàng đầu tư, thị trường vốn, giao dịch phái sinh, quản trị rủi ro, tài chính quốc tế. Đây là những kỹ năng mà thị trường lao động hiện tại tại Việt Nam còn thiếu hụt nghiêm trọng”, bà Hường nhìn nhận.

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, ngoài vị trí địa lý, hệ thống hạ tầng hay chính sách ưu đãi... đã đến lúc cần có một chiến lược bài bản, dài hơi và đồng bộ trong việc phát triển nguồn nhân lực tài chính quốc tế. Nguồn nhân lực này không chỉ dừng lại ở mức để theo kịp, mà phải vươn lên cạnh tranh với các Trung tâm tài chính hàng đầu trong khu vực và thế giới.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng, trụ cột về nhân sự đã và đang được Thành phố chú trọng. TP. Hồ Chí Minh có hệ thống ngân hàng thương mại phát triển rất sớm, từ năm 1987 cho đến nay. Tiếp đến là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cũng đã ra đời từ năm 2000, với 25 năm kinh nghiệm; cùng với đó, các Trường Đại học đang tập trung đào tạo rất nhiều sinh viên trong lĩnh vực này. Như vậy, Việt Nam đang có nguồn nhân lực dồi dào về lĩnh vực tài chính. Đây là một thuận lợi cho việc ra đời Trung tâm tài chính quốc tế.

Còn ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh đề xuất một chiến lược phát triển toàn diện nguồn nhân lực tài chính quốc tế; trong đó, nhấn mạnh đến các giải pháp xây dựng chính sách nhập cư cởi mở để thu hút nhân sự tài chính chất lượng cao từ các nước. Nghĩa là, cần một hệ sinh thái hấp dẫn với các chính sách đãi ngộ rõ ràng, môi trường sống hiện đại...

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nhân lực cho Trung tâm tài chính không chỉ cần có chuyên môn tài chính sâu rộng mà còn phải được đào tạo bài bản với các chứng chỉ quốc tế như: tài chính toàn cầu, kiểm toán viên toàn cầu, quản trị rủi ro tài chính toàn cầu... Bên cạnh đó, các kỹ năng công nghệ (fintech, AI, blockchain, big data, an ninh mạng), khả năng ngoại ngữ, giao tiếp đa văn hóa và tư duy toàn cầu cũng là những yêu cầu bắt buộc.

“Việc phát triển một thế hệ nhân sự toàn cầu, có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế, sẽ là nhân tố quyết định đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành một Trung tâm tài chính thực thụ trong tương lai gần”, Giám đốc Nhân sự Trần Minh Hường cho hay.

Về phía địa phương, mới đây, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và liên danh Terne Holdings và The One Destination đã được ký kết nhằm tập trung vào các lĩnh vực hợp tác chính như: phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Đà Nẵng gắn với tài chính xanh, công nghệ tài chính và tài chính thương mại; phối hợp và hỗ trợ các cán bộ của thành phố Đà Nẵng đến học tập kinh nghiệm, thực tập tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới.

Cùng với những chính sách đặc thù áp dụng trong Trung tâm tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, Chính phủ cũng đã nhận thức được các rủi ro về thành lập các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch nêu trên cũng tiềm ẩn một số rủi ro bị lợi dụng để hợp thức hóa dòng tiền bất hợp pháp thông qua mua bán các sản phẩm trên; rủi ro bị đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng tài sản... Theo đó, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ; thiết chế giám sát chặt chẽ, minh bạch, có hệ thống, theo chuẩn mực quốc tế để kiểm soát các giao dịch trên sàn. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định cụ thể để đưa vào Nghị định hướng dẫn.

GS. TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kỳ vọng các quy định sớm được triển khai, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới. “Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam được xây dựng sau, nên phải áp dụng một hệ thống các quy định pháp luật thông thoáng và phải mang tính quốc tế. Phải thực sự vượt trội thì thể chế cho Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam mới ngang bằng thể chế quốc tế của các trung tâm như: Dubai hoặc Astana”, ông Cường cho hay.

Thúy Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-yeu-to-then-chot-nguon-nhan-luc-20250704140404550.htm