Xây dựng trung tâm tài chính từ ưu thế vượt trội

Chính phủ đã thông qua đề xuất của Bộ Tài chính về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm thiết lập Trung tâm tài chính tại Việt Nam vào năm 2035.

Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển thị trường tài chính và nâng cao vị thế kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, để có thể trở thành điểm đến của các luồng vốn, các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng các chính sách phù hợp, hạ tầng đủ mạnh để thu hút dòng vốn cũng như để dòng vốn này lưu thông dễ dàng.

Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính với lộ trình rõ ràng trong 10 năm tới. Các chuyên gia cho rằng, bước đi quan trọng trong lộ trình này chính là một nền tảng chính sách và thông điệp nhất quán, rõ ràng, minh bạch.

Ông Tyler Mceihaney, Giám đốc Quốc gia Tập đoàn Apex, Dubai cho biết: "Giống như tại Dubai để xây dựng trung tâm tài chính, 10-15 năm trước Dubai đã hợp tác với các công ty fintech, nghiên cứu blockchain, crypto và các xu hướng tương lai. Trong quá trình này, tính nhất quán là điều quan trọng nhất. Các nhà đầu tư, các quỹ tài sản quốc gia đang tìm kiếm sự đảm bảo. Họ muốn chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không thay đổi trong chính sách và cả thông điệp để đảm bảo có một triển vọng đầu tư dài hạn và tăng trưởng".

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Chuyên gia Kinh tế nhận định: "Các nhà đầu mong đợi đó là một thể chế rất thông thoáng, một thế chế minh bạch. Trong đó bao gồm luôn việc bảo vệ cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thể chế này, cũng đặt ra vấn đề về trọng tài quốc tế, quản lý rủi ro hay chính sách quản lý ngoại hối đối với người cư trú hay người không cư trú".

Khi xây dựng trung tâm tài chính, Việt Nam có những lợi thế sẵn có có như vị trí chiến lược ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải. Múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn trên toàn cầu sẽ thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này. Tuy nhiên, trung tâm tài chính Việt Nam cần tạo sự khác biệt với các trung tâm tài chính quốc tế khác dựa trên những thế mạnh hiện nay.

Ông Trường Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Roland Berger Việt Nam cho biết: "Tại Việt Nam đã có hơn 200-300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Đây là một thuận lợi rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM phát triển thị trường tài chính quốc tế. Vấn đề là làm thế nào để tạo dựng một hệ sinh thái fintech để họ phát triển tốt nhất. Thì Việt Nam có thể hỗ trợ về phát triển AI, phát triển data".

"Cần có những chính sách ưu đãi để thu hút dòng vốn quốc tế vào những sản phẩm tài chính mà Việt Nam muốn ưu tiên phát triển ở tầm khu vực cũng như quốc tế. Ví dụ như giao thương quốc tế, hay thu hút FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. Bên cạnh đó, tài chính xanh, ngân hàng số và fintech cũng cần được chú trọng…Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có ưu thế vượt trội, với nguồn nhân lực chất lượng cao…", ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành và thành viên hợp danh Boston Consulting Group chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, đây là “thời điểm vàng” để Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Một cơ chế chính sách vượt trội để vận hành và những sự khác biệt trong xây dựng sản phẩm tài chính sẽ tạo ra những lợi thế để trung tâm tài chính Việt Nam dù đi sau nhưng hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Hồng Liên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-tu-uu-the-vuot-troi-318205.htm