Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Gỡ khó từ sự đoàn kết, linh hoạt
Xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ sự đoàn kết nỗ lực, linh hoạt vận dụng nhiều giải pháp, không ít trường học ở huyện Phú Lộc đã vượt khó để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Cái khó ló… giải pháp
Nhìn Trường mầm non Xuân Lộc bây giờ, ít ai biết được 3 năm trước, cảnh quan ngôi trường ở xã miền núi của huyện Phú Lộc còn khá thô sơ. Giữa ngổn ngang cái khó, tập thể giáo viên với sự hỗ trợ của chính quyền và người dân địa phương đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan ngôi trường.
Cô giáo Trần Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Lộc kể, nhà trường có 2 cơ sở, trong đó có 1 cơ sở có 100% là người đồng bào Bru-Vân Kiều. Là xã miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa gần như không thể. Năm 2020, với sự quan tâm, động viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chính quyền địa phương, cô Khuyên vận động giáo viên đoàn kết nỗ lực, chung tay để cải tạo ngôi trường. Từ việc trồng cây xanh, không gian phòng học đến toàn bộ cảnh quan ngôi trường, khu vui chơi, các giáo viên cùng với các lực lượng hỗ trợ đã nỗ lực góp công để làm đẹp ngôi trường. Cô Khuyên xúc động chia sẻ: “Có sự ủng hộ của huyện, ngành giáo dục, sự đồng lòng, góp sức của giáo viên, lãnh đạo trường thống nhất vận dụng linh hoạt các nguồn để cải tạo trường. Đến đầu tháng 4/2024 đã cơ bản đáp ứng được tất cả các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia để đón đoàn đánh giá về thẩm định”.
Mầm non có lẽ là bậc học gặp nhiều khó khăn nhất trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc, cái khó đó đến từ đặc thù các trường mầm non toàn bộ là giáo viên nữ, trong khi việc xây dựng môi trường học cho trẻ có nhiều mảng, nhiều yêu cầu hơn. Tuy nhiên, sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực vượt khó sẽ đem lại được kết quả tốt.
Thực tế, trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huyện Phú Lộc có bất lợi về xuất phát điểm thấp, tỷ lệ các trường đạt điều kiện theo chuẩn trước đây thấp. Song, theo lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, đến nay, nhiều trường lại có bước tiến nhanh, chắc, đáp ứng theo quy định mới, yêu cầu cao hơn là Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện cho biết, đến tháng 3/2024, toàn huyện có 37/64 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 57,81%, trong đó có 10/23 trường mầm non (tỷ lệ 43,48%), 14/20 trường tiểu học (tỷ lệ 70%), 10/17 trường THCS, TH&THCS (tỷ lệ 58,82%), 3/4 trường THPT, tỷ lệ 75%. “Đến đầu tháng 4/2024, có 10 trường đã nộp hồ sơ đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đang chờ đoàn đánh giá ngoài để công nhận. Nếu tỉnh đánh giá ngoài công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các trường đã nộp hồ sơ thì toàn huyện có 47/64 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 73,44%. Còn nếu đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định cũ của Bộ GD&ĐT thì đến nay khả năng huyện có đến 56/64 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 87,5%”, đại diện Phòng GD&ĐT huyện chia sẻ.
Kết quả trên chưa phải quá nổi trội, nhưng nếu so với mức xuất phát điểm thấp, đó đã là một sự nỗ lực rất lớn. “Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU của Huyện ủy về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025, HĐND, UBND huyện đã ban hành nghị quyết, đề án liên quan, đặc biệt là xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, bổ sung các nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ và linh hoạt các giải pháp, tạo sự đồng thuận, đoàn kết của tập thể các trường đã nỗ lực vượt khó để xây dựng trường đạt chuẩn”, bà Hương chia sẻ.
Giải quyết những hạn chế
Có nhiều chuyển biến tích cực, song, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại huyện Phú Lộc vẫn còn nhiều trăn trở. Chất lượng giáo dục đại trà tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều giữa các trường, các địa phương. Một số trường chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa đủ diện tích theo quy định do vướng quy hoạch, như: Trường TH Bình An, TH Lộc Tiến, MN Lộc Tiến; một số trường còn vướng mắc chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số trường còn thiếu giáo viên giảng dạy nhưng không có nguồn để tuyển dụng…
Nguyên nhân của vấn đề trên ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động thì còn do một số trường, nhất là cấp trung học, cơ sở chất lượng giáo dục đại trà chưa cao do chưa có các giải pháp quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và một số học sinh chưa có ý thức học tập, chưa có sự quan tâm của gia đình. Cơ sở vật chất theo quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT yêu cầu cao nên một số trường chưa đáp ứng được…
Đối mặt khó khăn không hẳn khiến ngành giáo dục và các trường chùn bước. Ngược lại, trên chính những kinh nghiệm đã làm được ở các trường, yêu cầu đặt ra là các trường phải vận dụng nhiều giải pháp để vừa gỡ khó, vừa đạt được mục tiêu. Trong đó, đến hết năm 2024, phấn đấu có 51/64 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,13%.
Bên cạnh việc huy động, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục huyện Phú Lộc định hướng sẽ quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn, giảm thiểu điểm trường lẻ; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư thêm cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cơ sở giáo dục.