Xây dựng trường nghề đạt chuẩn kiểm định chất lượng
Đối với các trường nghề, việc đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không chỉ khẳng định chất lượng, uy tín của trường, mà còn là cơ hội để nhà trường phát triển, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp (DN).

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh: Hải Yến
Việc thực hiện quy trình kiểm định chất lượng cũng giúp các trường không ngừng cải tiến, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực.
Phát huy lợi thế liên kết, hợp tác với doanh nghiệp
Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi vừa tổ chức Lễ Công bố và trao quyết định công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN.
Đến dự và chung vui với nhà trường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, kiểm định chất lượng GDNN không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn mang lại những lợi ích lâu dài về mặt phát triển bền vững cho cả học viên và cơ sở giáo dục.
Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra 7 ý nghĩa quan trọng của việc kiểm định chất lượng GDNN là: cải thiện chất lượng đào tạo; đảm bảo tiêu chuẩn nghề nghiệp; tăng cường uy tín của cơ sở giáo dục; hỗ trợ cải tiến liên tục trong quá trình hoạt động đào tạo; xây dựng niềm tin cho học viên và phụ huynh; đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý; khả năng hợp tác, liên kết đào tạo trong và ngoài nước.
“Đạt chứng nhận kiểm định chất lượng không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm lớn lao đối với nhà trường. Đây là dấu mốc quan trọng nhưng cũng là động lực để trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập” - ông Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh.
Hiện có 4 tổ chức trên cả nước được Bộ LĐTBXH cấp phép thực hiện công tác kiểm định chất lượng GDNN gồm: Công ty CP Kiểm định và tư vấn giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH Sài Gòn Academy (cùng có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), Viện Đào tạo và phát triển nhân lực, Trung tâm Hỗ trợ tư vấn đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cộng đồng (cùng có trụ sở tại Hà Nội).
Trước đó, nhiều trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã đạt chứng nhận kiểm định này với số điểm khá cao (đều trên 90 điểm) như: Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi…
Tháng 11-2024, Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đã tổ chức Lễ Công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDNN.
Để đạt chuẩn kiểm định, hàng năm, các trường đều thực hiện tự đánh giá và báo cáo về chất lượng cơ sở GDNN. Từ đó nhận ra những điểm mạnh để phát huy, điểm tồn tại để xây dựng chính sách, mục tiêu chất lượng và đề ra phương án củng cố, khắc phục.
Phó giám đốc Công ty Kiểm định và tư vấn giáo dục Việt Nam (đơn vị đánh giá ngoài nhiều trường cao đẳng nghề của Đồng Nai), tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, lợi thế chung của các trường nghề ở Đồng Nai là đóng trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhiều DN. Do vậy, các trường có nhiều thuận lợi trong việc liên kết, hợp tác với DN trong hoạt động đào tạo, đưa sinh viên đi thực tập, kiến tập. Trên thực tế, qua hoạt động kiểm định tại Đồng Nai, trung tâm nhận thấy các trường nghề đã làm khá tốt hoạt động này. Nhờ đó, sinh viên khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động mà DN không cần nhiều thời gian để đào tạo lại.
Thông tư mới về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi sẽ là trường nghề cuối cùng của Đồng Nai được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN theo Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 8-6-2017 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN.

Nữ sinh khối kỹ thuật, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, trong giờ thực hành. Ảnh: Hải Yến
Ngày 31-12-2024, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN (gọi tắt là Thông tư 14). Thông tư 14 chính thức có hiệu lực từ ngày 15-2-2025, thay thế cho Thông tư 15/2017/TT-BLĐTBXH.
Thông tư 14 nêu rõ, cách tiếp cận bảo đảm chất lượng để quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN theo hướng đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN, DN và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN.
Thông tư 14 cập nhật các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng liên quan đến việc đánh giá hình thức, phương pháp đào tạo từ xa, trực tuyến… Thông tư này bổ sung các tiêu chuẩn liên quan để đánh giá mức độ đạt “chuẩn đầu ra” của chương trình đào tạo. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là cơ sở để xây dựng chương trình, thiết kế nội dung, tổ chức các hoạt động đào tạo sao cho kết quả đào tạo như cam kết về chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo đó.
Theo quy định, có 8 tiêu chí kiểm định chất lượng trường trung cấp, trường cao đẳng gồm: sứ mạng, mục tiêu, tổ chức và quản lý; hoạt động đào tạo; nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; chương trình đào tạo, giáo trình; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; người học và hoạt động hỗ trợ người học; giám sát, đánh giá chất lượng. So với quy định cũ, Thông tư 14 đã giảm một tiêu chí (tiêu chí quản lý tài chính).