Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng năng lượng mặt trời

Sau 4 tháng thực hiện, ngày 24/3, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương kết hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu 'Xây dựng tương lai công bằng ở Việt Nam bằng năng lượng mặt trời'. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của điện mặt trời tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng - cho biết, đây là nghiên cứu đánh giá hiện trạng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, đề xuất các biện pháp phát triển một cách công bằng và hiệu quả, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo bền vững. Nghiên cứu được khảo sát tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Bạc Liêu. Đây là những tỉnh có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời và trên thực tế cũng đã có sự phát triển sản xuất năng lượng mặt trời mạnh mẽ.

Nghiên cứu được thực hiện tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Bạc Liêu

Nghiên cứu được thực hiện tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Bạc Liêu

Tiến sỹ Lê Hoàng Anh - Viện Năng lượng - thay mặt cho nhóm thực hiện trình bày về kết quả của nghiên cứu cho biết, sau khi giá điện hỗ trợ (FiT 1) đối với việc lắp đặt điện mặt trời trên các tòa nhà từ năm 2017, ngành điện mặt trời đã phát triển nhanh chóng. Trong cơ cấu ngành điện năm 2020, công suất của điện mặt trời đã tăng 16,6 gigawat và chiếm 24% công suất của toàn hệ thống điện.

Nghiên cứu này chỉ ra, các nhà máy điện mặt trời tại các tỉnh được khảo sát đã mang lại nhiều lợi ích xã hội. Trung bình, một nhà máy điện với công suất 50 MW tạo ra 20 việc làm mới, trong đó, có khoảng 2 - 3 nhân viên là nữ, 2 - 5 lao động là người dân tộc thiểu số. Các chủ đầu tư dự án điện mặt trời cũng ưu tiên tuyển dụng các lao động bị ảnh hưởng do xây dựng nhà máy điện. Theo tính toán, năm 2030, sẽ có 7.500 người làm việc tại các nhà máy điện mặt trời. Năm 2045, con số này có thể lên tới 22.000 người.

Tiến sỹ Lê Hoàng Anh thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả

Tiến sỹ Lê Hoàng Anh thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả

Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy - Cố vấn cấp cao của Oxfam Việt Nam - chỉ ra, mặc dù lợi ích của việc chuyển đổi năng lượng bền vững đã được thừa nhận nhưng bên cạnh đó, vẫn có một vài mặt hạn chế về khía cạnh môi trường và xã hội, khiến quá trình chuyển đổi diễn ra không bền vững.

Việc các nhà máy sản xuất điện mặt trời được xây dựng ồ ạt đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân tại các tỉnh này. “Khu vực xung quanh nhà máy điện mặt trời, bên ngoài hàng rào nhà máy có hiện tượng lũ lụt cục bộ. Do tấm pin mặt trời đặt nghiêng góc so với mặt đất, phía dưới được phát quang bụi rậm nên khi mưa lớn, đặc biệt trong năm 2020 khi Ninh Thuận có những trận mưa lớn bất thường, đã xuất hiện hiện tượng xói lở xung quanh nhà máy, ảnh hưởng đến việc làm muối và nuôi tôm của người dân, phá hủy môi trường xung quanh” - bà Lê Hoàng Anh chỉ rõ.

Mặt khác, việc phát triển không đồng đều và không có quy hoạch cụ thể khiến giá đất thu hồi có sự chênh lệch theo thời gian và giữa các chủ đầu tư. Điều này dẫn đến các tranh chấp giữa người dân địa phương và chính quyền cùng chủ đầu tư dự án.

Nghiên cứu cũng chỉ ra một vài tác động tiêu cực khác của điện mặt trời như việc xử lý các tấm pin sau khi hết vòng đời sử dụng; biến đổi khí hậu quy mô nhỏ tại nơi lắp đặt pin mặt trời,...

Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm thực hiện nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất, khi lập kế hoạch phát triển điện mặt trời, cần phải tích hợp với các kế hoạch phát triển khác, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất, giảm thiểu tối đa diện tích đất chiếm dụng của nhà máy điện, giảm thiếu các thay đổi sinh kế của người dân xung quanh.

Thứ hai, cần công bố thông tin về sử dụng đất. Nhóm nghiên cứu của Viện Năng lượng khuyến nghị không được sử dụng đất trồng rừng và giảm thiểu tối đa chiếm dụng đất nông nghiệp; quá trình đấu thầu phải thực hiện công khai, minh bạch; thực hiện các tham vấn và công bố thông tin đầy đủ.

Thứ ba, các chủ đầu tư cần phải hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế và thích nghi với cuộc sống mới.

Thứ tư, nhà sản xuất cũng cần có trách nhiệm xử lý chất thải cuối vòng đời dự án và đồng bộ quản lý chất thải từ trung ương tới địa phương.

Thứ năm, để huy động được 128 tỷ USD phát triển năng lượng, trong đó có 23,8 tỷ USD dành cho năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021 - 2030 theo Quy hoạch điện VIII, cần phải khuyến khích khối kinh tế tư nhân và nguồn vốn của nước ngoài. Nguồn vốn của nhà nước nên đầu tư vào quản lý, lưới truyền tải,...

Thứ 6, đối với giá điện, cần có một cơ chế đấu thầu cạnh tranh, được đánh giá lại thường niên và có thể có chênh lệch theo từng vùng.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-tuong-lai-cong-bang-o-viet-nam-bang-nang-luong-mat-troi-154082.html