Xây dựng ứng dụng 'Việc làm quốc gia' ứng phó với dịch COVID-19
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ nghiên cứu xây dựng ứng dụng về việc làm quốc gia, người dùng sử dụng như một sàn giao dịch việc làm điện tử; cung cấp thông tin về bảo hiểm thất nghiệp, chi phí học nghề, địa chỉ học nghề…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng các cuộc họp trực tiếp, chuyển sang làm việc trực tuyến (online), góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH tiến hành họp trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ với các đơn vị trực thuộc.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu để đưa sàn giao dịch việc làm hiện có thành ứng dụng “Việc làm quốc gia” để giúp người lao động bị thất nghiệp, tạm dừng việc trước tác động của dịch COVID-19 có thể tìm việc từ xa.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai những phần việc theo gói đề xuất đã được Bộ trình Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất áp dụng từ tháng 3 đến tháng 12/2020; về chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 12/2020...
“Đối với những vấn đề liên quan đến bảo hiểm, đặc biệt là việc giãn, tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, rồi bảo hiểm thất nghiệp cũng như miễn giảm bảo hiểm thất nghiệp, rồi việc mở rộng phạm vi để hỗ trợ cho người lao động từ bảo hiểm thất nghiệp cũng như bảo hiểm xã hội..., tôi đề nghị Vụ Bảo hiểm tiếp tục cùng với Cục Việc làm tính toán chi tiết từng phương án để cụ thể hóa và đưa ra những con số có tính khả thi” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải đổi mới sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ việc quản lý của ngành. Bộ sẽ nghiên cứu đưa sàn giao dịch việc làm hiện có thành ứng dụng “Việc làm quốc gia” để mọi người lao động ở nhà cũng có thể tìm được việc làm phù hợp trước tác động của dịch COVID-19. Trước mắt, ứng dụng sẽ để góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong điều kiện tránh tụ tập đến các trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ; đồng thời tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động trong lúc đang bị giãn việc, ngừng việc... do dịch bệnh COVID-19.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với những đối tượng bảo trợ, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ có thể hỗ trợ đắc lực cho nhóm đối tượng người khuyết tật, cần phải sử dụng những công nghệ tiên tiến để hỗ trợ tốt cho nhóm đối tượng này. Bộ trưởng đã “đặt hàng” Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu về triển khai vấn đề này.