Xây dựng vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp 'sếu đầu đàn' nhằm hoàn thành kế hoạch 5 năm
GS.TS Ngô Thắng Lợi - Chuyên gia kinh tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, kế hoạch 5 năm cho phát triển kinh tế (2021 - 2025) đã gần đi hết chặng đường, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, một trong những yếu tố quan trọng là xây dựng vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp 'sếu đầu đàn', để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển.
Động lực tăng trưởng từ quy hoạch tổng thể quốc gia
+ Thưa ông, hơi khác với mọi năm, nếu như các dự báo kinh tế đều đề cập đến các triển vọng nhiều hơn thì trong các báo cáo dự báo kinh tế cho năm 2024 của các tổ chức, Bộ, ngành lại “nhận diện” khá sớm và khá rõ những khó khăn thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm nay. Thưa ông, trước những khó khăn được “nhận diện sớm” đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đặt ra trong năm nay liệu có bị ảnh hưởng?
- Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 được Quốc hội đặt ra là từ 6 đến 6,5% đòi hỏi cần phải có sự đột phá. Theo tôi, trong năm nay, sự đột phá đó có thể đến từ những động lực tăng trưởng mới. Một trong những động lực đó chính là chúng ta đã cơ bản hoàn thành quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển vùng và quy hoạch phát triển các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, quy hoạch các ngành, các lĩnh vực lớn cũng cơ bản hoàn thành và đã bước đầu đi vào hoạt động.
Theo tôi, đây là cơ sở để chúng ta vực dậy được những thứ mà trước đây chúng ta chưa thực hiện được do còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, do tâm lý còn dè dặt, chờ đợi chính sách. Nên, khi quy hoạch đã xong, cơ chế sẽ ban hành, chúng ta hoàn toàn có thể có cơ sở để thực hiện, phát huy nguồn lực nội tại để có thể đạt mục tiêu đề ra.
Có thể thấy, một quan điểm rất rõ ràng đã được xác định ngay từ đầu, trong giai đoạn đến năm 2030, hai trong số nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch Tổng thể quốc gia chính là tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng.
Ưu tiên đầu tư cho một số vùng có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học - công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có.
Các khu vực này sẽ phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu kích thích những vùng khác cùng phát triển, để đến giai đoạn sau năm 2030, sẽ dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
Ở phạm vi địa phương, mỗi quy hoạch tỉnh, thành được phê duyệt như một ngọn đuốc soi tỏ để các địa phương sẽ biết cách để tận dụng tiềm năng, lợi thế và có giải pháp để biến kế hoạch trên giấy thành hiện thực. Đây chính là nhiệm vụ sống còn, để không bỏ lỡ cơ hội phát triển, khi mà một thời kỳ phát triển mới đang được mở ra.
Theo thống kê, tính đến nay có gần 60 quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc các quy hoạch được phê duyệt cùng hoạt động xúc tiến đầu tư được diễn ra sôi động là bước khởi đầu cho dòng đầu tư lớn trong nước và nước ngoài vào các địa phương.
Đơn cử như Khánh Hòa đã thu hút được 116.500 tỷ đồng trong Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023, Quảng Bình thu hút được hơn 112.000 tỷ đồng. Đi cùng với thể chế, chính sách mở đường, cần có sự quyết tâm của từng vùng, từng địa phương, từng cán bộ, đây sẽ là “chìa khóa” tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Động lực từ thị trường nội địa
+ Thực tế, một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam chính là xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu cũng cho thấy có sự sụt giảm ở những nhóm ngành quan trọng. Năm 2024, động lực tăng trưởng này có thể phục hồi và đóng góp ra sao, thưa ông?
- Đối với thị trường thế giới, năm nay dẫu được dự báo có nhiều thách thức, nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có những bạn hàng thường xuyên và chúng ta vẫn duy trì mối quan hệ bạn hàng truyền thống ấy. Trong đó, đặc biệt là chúng ta duy trì các chuỗi giá trị, các chuỗi sản xuất để sao cho vẫn duy trì được xuất khẩu, duy trì được tăng trưởng.
Trong những năm gần đây, chúng ta thấy chính những doanh nghiệp lớn FDI, khi họ gặp khó khăn và chịu tác động tiêu cực thì đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương trong nước.
Tôi lấy ví dụ như Samsung, khi họ gặp khó khăn trong những năm qua thì đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của một số tỉnh liên quan như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Do đó, chúng ta vẫn cần phải duy trì được các bạn hàng quốc tế.
Nhưng theo tôi, đó cũng chưa phải là tất cả. Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần lui về củng cố và giữ chặt thị trường nội địa, lấy đó làm chỗ dựa. Thị trường trong nước có rất nhiều tiềm năng, nhất là đối với những ngành, những lĩnh vực có tiềm năng cao như nông nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đây đều có thể bù đắp vào những lĩnh vực khác bị thua thiệt ở nơi “sân khách”.
Thị trường nội địa bao gồm thương mại, dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn vào tăng trưởng GDP, nếu tăng được 10% là con số rất lớn. Hơn nữa, quy mô thị trường 100 triệu dân của Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự báo năm 2024, thương mại, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế, do đó cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa để từ đó lan tỏa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần xây dựng chính sách để kịp thời có giải pháp khắc phục, nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung trước những khó khăn, thách thức trong năm 2024.
+ Có thể nói, năm 2024 là một năm quan trọng khi mà kế hoạch 5 năm cho phát triển kinh tế (2021 - 2025) đã đi được gần hết chặng đường và cũng chứng kiến không ít thách thức. Theo ông, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 5 năm như đã đề ra trước đó, tạo bước đệm cho giai đoạn tới, thời gian tới cần phải có những giải pháp gì?
- Theo tôi, đây là mục tiêu nhưng cũng là nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa mới có thể đạt được. Nhất là trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập khi tăng trưởng đang có dấu hiệu “hụt hơi” theo thời gian.
Trong đó, biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội. Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm dần (hiệu quả đầu tư, năng suất lao động), nhất là những năm gần đây và ở mức khá thấp so với các nước từng ở cùng thời kỳ như Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản) đã làm giảm khả năng gia tăng thu nhập của nền kinh tế.
Do đó, trước mắt, cần thực hiện phát triển bao trùm ở góc độ doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường, cơ hội để các doanh nghiệp có chung một “sân chơi” giúp cho doanh nghiệp thỏa sức thực hiện phát triển kinh doanh. Phải tập trung cải cách, tạo sự bình đẳng giữa khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Đồng thời phải xây dựng vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển.
Xa hơn nữa, không chỉ trong giai đoạn ngắn hạn 5 năm, mà ở trung và dài hạn, để đạt mục tiêu trở thành “quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao” vào năm 2030 và “quốc gia phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất và tăng quy mô doanh nghiệp, cải cách và phát triển thị trường, chú trọng cung cấp lao động có kỹ năng và khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo…
+ Xin cảm ơn ông!
Việt Vũ (Thực hiện)