Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường
Bằng việc quan tâm xây dựng thư viện và tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhiều trường học trong tỉnh đã khơi dậy tình yêu sách cho học sinh, phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Học tập tốt nhờ ham đọc sách
Hiện nay, việc đọc sách trở thành hoạt động thường xuyên của học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Dũng số 3 (thành phố Bắc Giang) trong mỗi giờ ra chơi. Thư viện nhà trường là điểm đến yêu thích của các em. Với em Trần Thị Thanh Hiền, lớp 12A5, những giờ đến thư viện nhà trường thực sự bổ ích. Đam mê đọc sách góp phần quan trọng giúp em học giỏi môn văn, nhiều lần đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi văn cấp huyện, cấp tỉnh. Bởi đọc sách giúp em trau dồi vốn từ ngữ, tích lũy kiến thức phục vụ học tập.

Học sinh đọc sách tại thư viện Trường Trung học cơ sở Cao Xá, huyện Tân Yên.
Các lớp trong trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, thảo luận về sách; học sinh tích cực chia sẻ với nhau những cuốn sách hay, phát biểu cảm nghĩ về sách đã đọc. Hằng năm, hưởng ứng cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh, nhà trường triển khai kế hoạch cụ thể đến các lớp, phát động toàn thể học sinh tham gia. Được thầy, cô giáo động viên, gợi mở đề tài, ý tưởng, hỗ trợ tài liệu và góp ý bổ sung, chỉnh sửa, các em học sinh tích cực thực hiện nhiều bài dự thi chất lượng. 3 năm gần đây, nhà trường đều có học sinh là “Đại sứ văn hóa đọc” cấp tỉnh. Riêng năm 2024, trường giành 2 giải tập thể là đơn vị có thí sinh tham gia nhiều nhất và số thí sinh đoạt giải nhiều nhất; 4 giải cá nhân gồm 1 giải “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu xuất sắc”, 1 giải “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu”, 1 giải Khuyến khích, 1 giải chuyên đề.
Theo thầy Trần Văn Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào đọc sách trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Vì vậy nhà trường luôn quan tâm khuyến khích và hỗ trợ các em tham gia. Nhờ đọc sách, học sinh được bổ sung kiến thức, nâng cao hiểu biết, phát triển kỹ năng phục vụ tốt việc học tập. Nhiều năm trường đạt kết quả cao trong giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Đặc biệt, tại kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh năm học này, học sinh của trường giành 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba và 16 giải Khuyến khích.
Văn hóa đọc đã phát triển ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó bảo đảm tiêu chí thư viện, phòng đọc đạt chuẩn, tăng số lượng sách báo, thu hút bạn đọc. Hiện nay, toàn tỉnh có 95,8% trường chuẩn quốc gia, cao hơn bình quân chung của cả nước; trong đó 29,1% trường chuẩn mức độ 2. Việc phát triển văn hóa đọc đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở nhiều đơn vị.
Tại Trường Trung học cơ sở Hương Sơn (Lạng Giang) có hơn 60% học sinh là người dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, thầy cô giáo quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp các em ngày càng ham đọc, tích lũy kiến thức, học tập tiến bộ. Nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể tiên tiến và dẫn đầu các phong trào thi đua của huyện. Năm 2024, học sinh của trường giành giải Xuất sắc toàn đoàn cùng 2 giải cho tiết mục hay nhất tại hội thi “Tuyên truyền, giới thiệu sách tỉnh Bắc Giang”.
Nuôi dưỡng tình yêu sách
Xác định vai trò quan trọng của việc đọc sách, nhiều trường học quan tâm xây dựng thư viện, tổ chức hoạt động thiết thực khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho học sinh. Hiện toàn tỉnh có 751 thư viện tại 751 cơ sở giáo dục ở các bậc học. Cơ bản các thư viện đáp ứng được điều kiện về số lượng sách và học liệu điện tử, diện tích cùng thiết bị chuyên dùng như máy tính kết nối Internet, phần mềm quản lý và bố trí nhân viên làm công tác thư viện. Hằng năm, nhiều trường bổ sung sách hay, đa dạng, hấp dẫn phù hợp với nhu cầu và tâm lý lứa tuổi học sinh.
Sở chỉ đạo các trường tiếp tục xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động, quyên góp sách và các nguồn học liệu cho thư viện. Khuyến khích học sinh đọc sách, viết cảm nhận, trao đổi về sách để duy trì thói quen đọc sách cho học sinh; giúp các em biết cách tìm kiếm, chọn lọc sách phù hợp nhằm bổ trợ tốt cho việc học".
Bà Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Tiêu biểu như Trường Trung học cơ sở Cao Xá (Tân Yên), ngoài dành kinh phí trang bị sách hay, nhà trường đã vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh ủng hộ sách cho thư viện và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Đến nay, thư viện có hơn 7 nghìn bản sách các loại như: Sách thiếu nhi, khoa học, lịch sử, giáo dục kỹ năng, truyện. Thư viện bố trí tại tầng 4 gồm phòng đọc của giáo viên, học sinh và kho sách với tổng diện tích 120 m2; không gian rộng rãi, thoáng mát, sách sắp xếp ngăn nắp trên giá, thuận lợi cho người đọc chọn lựa. Hiện nhà trường tiếp tục xã hội hóa để tăng nguồn sách cho thư viện và xây dựng tủ sách tại lớp học, góc đọc sách tại sân trường tạo môi trường đọc thân thiện, thu hút học sinh.
Cơ sở vật chất, thiết bị tại thư viện khang trang, đầy đủ tạo điều kiện cho các trường học tổ chức hiệu quả hoạt động giáo dục, phát triển văn hóa đọc. 100% trường tiểu học tổ chức tiết đọc, tiết học tại thư viện. Tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang), hằng tuần, các lớp đều có tiết đọc sách tại thư viện theo thời khóa biểu. Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách theo nhóm, cá nhân rồi vẽ tranh hoặc kể lại chuyện đã đọc và khen thưởng những em làm tốt.
Tại nhiều thư viện trường học bố trí các góc hoạt động như: Góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, tra cứu, sáng tạo. Một số trường thành lập và duy trì câu lạc bộ “Sách và Hành động” để thúc đẩy hoạt động đọc sách hằng ngày; tổ chức ngày hội đọc sách theo chủ đề, tặng sách, trưng bày sách nghệ thuật, trang trí không gian đọc thân thiện.
Thầy giáo Trần Sỹ Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hương Sơn cho biết: “Nhà trường phối hợp với một số thư viện trong và ngoài tỉnh xây dựng “CLB Sách sống” để các thành viên thường xuyên thảo luận về những cuốn sách đã đọc và chia sẻ cảm nhận, ý kiến. Đồng thời tổ chức thư viện mở với việc xây dựng con đường sách, góc đọc tại lớp học hoặc sân trường và ứng dụng công nghệ trong hoạt động thư viện điện tử, thư viện số. Nhờ đó các em học sinh có thể đọc sách ở nhiều địa điểm, không gian, thời gian. Ngoài phát động 100% học sinh tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, trường còn tổ chức thi viết cảm nhận về sách; thi kể chuyện, tuyên truyền, giới thiệu sách mới… giúp các em phát triển kỹ năng, ngôn ngữ. Trong các hoạt động, nhà trường mời phụ huynh cùng tham gia để xây dựng thói quen đọc sách tại gia đình”.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xay-dung-van-hoa-doc-trong-nha-truong-postid417428.bbg