Xây dựng vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao
Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có 8.786 ha cà phê, trong đó 99% là cà phê Arabica. Năm 2022, sản lượng ước đạt gần 82.200 tấn quả tươi. Để duy trì và giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La, huyện Mai Sơn đã quy hoạch và xây dựng vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tập trung, thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững cùng có lợi.
Chiềng Ban là xã có diện tích cà phê lớn, với 1.250 ha, chiếm hơn 14% tổng diện tích trồng cà phê của huyện Mai Sơn, sản lượng 20.000 tấn/năm. Khác với trước đây sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào tự nhiên, năm được mùa mất giá, được giá mất mùa, nông dân Chiềng Ban đã liên kết thành lập HTX sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cà phê.
Điển hình ở bản Phiêng Quài, năm 2022, được sự hỗ trợ của huyện, 15 hộ trồng cà phê đã liên kết sản xuất, thành lập HTX dịch vụ và nông nghiệp bản Phiêng Quài. Ông Lò Văn Nghĩa, thành viên HTX, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 3,1 ha cà phê đang cho thu hoạch, năng suất trung bình 30 tấn/ha. Với vốn kinh nghiệm tích lũy hơn 25 năm trồng cà phê và được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn, gia đình tôi và các thành viên HTX đều áp dụng quy trình chăm sóc cà phê an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, sản phẩm được cung cấp cho Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La.
Ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, thông tin: Quy hoạch xây dựng vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức rà soát, họp bản tuyên truyền, vận động được 504 hộ của 8/21 bản đăng ký tham gia 300 ha. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và sử dụng thuốc BVTV đúng cách.
Tại xã Chiềng Chung, hiện có gần 1.000 ha cà phê. Hiện nay, bà con đã liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy đo độ đường của quả cà phê chín, phơi cà phê trong nhà màng, đầu tư máy xay, rang để chế biến sản phẩm cà phê đặc sản. Ông Lò Văn Mạc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cà phê trồng tại xã Chiềng Chung được đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, với lợi thế cà phê được trồng liền vùng, liền khoảnh, thuận lợi để phát triển vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, còn một số bất cập về trình độ sản xuất của nông dân, giao thông, nên xã đang nghiên cứu giải pháp khắc phục, hoàn thành các tiêu chí của vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La tổ chức 4 cuộc họp với các bí thư chi bộ, trưởng bản, đại diện một số hộ dân tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc xây dựng, hình thành và đề nghị công nhận vùng cà phê công nghệ cao trên địa bàn. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản quả cà phê và triển khai thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê của vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với 504 lượt người. Phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến Sơn La làm việc với 5 xã về giải pháp liên kết sản xuất chuỗi cà phê.
Ông Nguyễn Thành Cường, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến Sơn La, cho biết: Công ty đã chọn bản Co Sâu, xã Chiềng Mai; bản Ót, Chiềng Ban; bản Ớt Chả, xã Nà Ớt để triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khép kín, ký hợp đồng sản xuất, hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua cà phê cho các hộ tham gia. Trên cơ sở đó, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quy mô liên kết nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê nhân.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, thông tin: Đến nay, qua phối hợp rà soát, huyện đã xác định được trên 1.143 ha cà phê tại 18 bản của xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong, với 1.606 hộ tham gia trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 1.168 hộ đã tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Đánh giá các tiêu chí vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao, đến nay, các vùng xác định đã đạt 18/20 tiêu chí.
Với sự vào cuộc quyết liệt và nhiều giải pháp hỗ trợ của chính quyền và các hộ nông dân trong đổi mới phương thức sản xuất, xây dựng vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê ở huyện Mai Sơn, đáp ứng những yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.