Xây hòa bình giữa những tiếng bom

'Hòa bình' vẫn được đề cập trong cuộc điện đàm ngày 11/12 giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - một trong hai quốc gia lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, âm vang của hai tiếng 'hòa bình' ấy dường như vẫn đang bị vùi lấp, dưới cả những thanh âm binh lửa hằng ngày ở miền Đông Ukraine, lẫn tiếng vọng khô khốc và lạnh lùng của các lô hàng viện trợ khí tài quân sự.

Rất khó có chỗ cho “hòa bình” hiện hữu, nếu cả hai phía vẫn còn đủ tiềm lực để tiếp tục cuộc chiến và đặc biệt là khi các vấn đề mâu thuẫn cốt lõi vẫn còn là không thể thỏa hiệp, đối với cả Kyiv lẫn Moscow.

Những bệ đỡ từ EU

“Đã diễn ra cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Các quan điểm đã được thống nhất trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm G7 và Hội nghị hỗ trợ Ukraine tại Paris... Đã thảo luận về biện pháp thực hiện công thức hòa bình 10 điểm của chúng tôi, hợp tác về quốc phòng và ổn định năng lượng của Ukraine”, Tổng thống Ukraine chia sẻ trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, ngày 11/12.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Pháp Macron.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Pháp Macron.

Đáp lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Ukraine có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Pháp, miễn là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước này được khôi phục hoàn toàn”. Sự hỗ trợ ấy được khẳng định trên thực tế, thông qua hai cuộc họp được tổ chức trong ngày 13/12, do Paris tổ chức. Hội nghị thứ nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong những tháng mùa đông và hội nghị thứ hai với các công ty Pháp tham gia quá trình tái thiết Ukraine.

Ukraine đang gấp rút tìm kiếm hàng tỷ USD viện trợ tài chính khẩn cấp vào năm tới khi nước này phải chật vật vượt qua tình trạng suy thoái kinh tế do tác động của cuộc xung đột hiện nay. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, Kyiv sẽ cần khoảng 3-4 tỷ euro/tháng để duy trì các hoạt động của chính phủ, khi tình hình xung đột có thể vẫn tiếp diễn.

Bởi vậy, ngày 10/12, Hội đồng châu Âu (EC) tuyên bố: “Hội đồng đã đạt được nhất trí về gói lập pháp cho phép EU hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính trong năm 2023 với 18 tỷ euro (18,9 tỷ USD). Đề xuất được Hội đồng thông qua bằng văn bản và sẽ được đệ trình lên Nghị viện châu Âu (EP) để xem xét phê chuẩn trong tuần tới”, theo hãng tin Nga Sputnik. Các khoản vay của EU cho Kyiv sẽ có thời gian ân hạn 10 năm, với sự bảo lãnh của các quốc gia thành viên EU hoặc ngân sách chung của khối.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby.

Trong một diễn biến song song, ngày 12/12, các Bộ trưởng Ngoại giao của EU đã nhất trí bổ sung thêm 2 tỷ euro vào một quỹ vốn được dùng để chi trả cho hoạt động hỗ trợ quân sự đối với Ukraine cũng như các đối tác khác. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU - ông Josep Borrell cho biết: Quyết định này nhằm đảm bảo EU có đủ ngân sách để tiếp tục hỗ trợ quân sự cho lực lượng vũ trang của các đối tác.

Khoản ngân sách trị giá 5,7 tỷ euro của quỹ, vốn đủ dùng đến năm 2027, đã gần như cạn kiệt sau nhiều tháng xung đột tại Ukraine. Hiện chỉ còn 800 triệu euro trong quỹ. Theo Hội đồng châu Âu, EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục bổ sung thêm ngân sách ở giai đoạn sau và con số này có thể lên tới 5,5 tỷ euro vào năm 2027 nếu cần thiết.

Trước đó một ngày, Đại sứ quán Đức tại Ukraine tuyên bố: Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật Liên bang Đức (THW) sẽ viện trợ cho Ukraine 470 máy phát điện trị giá 19,5 triệu euro nhằm ứng phó với tình trạng mất điện sau những đợt tấn công tên lửa của Nga vào hệ thống năng lượng Kyiv. Cùng ngày, Đại sứ Ukraine tại Đức Oleksii Makeiev tiết lộ thông tin trao đổi giữa Chính phủ Ukraine và Đức về yêu cầu chuyển giao xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder cho quân đội Ukraine. Ông thông báo: “Trong các cuộc đàm phán trực tiếp, chúng tôi đảm bảo sẽ nhận được nhiều vũ khí và đạn dược hơn. Chúng tôi sẽ công bố thêm thông tin về chủng loại trong thời gian tới”.

Nghĩa là, trên thực tế, EU - với sự dẫn dắt của Pháp và Đức - vẫn đang hành động cụ thể với các biện pháp nhằm giúp Ukraine tiếp tục đứng vững trên chiến trường, hơn là nghiêm túc bắt tay vào việc tìm kiếm các biện pháp vãn hồi hòa bình thông qua con đường ngoại giao.

Nhiều vũ khí hạng nặng của phương Tây được đưa tới Ukraine thời gian qua.

Nhiều vũ khí hạng nặng của phương Tây được đưa tới Ukraine thời gian qua.

“Sự hỗ trợ chưa từng có” từ nước Mỹ

Cũng trong ngày 11/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn thực hiện một cuộc điện đàm quan trọng nữa, với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Tôi cảm ơn vì những nỗ lực hỗ trợ tài chính và quốc phòng chưa từng có mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine” - Tổng thống Volodymir Zelensky viết trên tài khoản Telegram của mình - “Điều này không chỉ góp phần mang lại thành công trên chiến trường mà còn hỗ trợ ổn định cho nền kinh tế Ukraine”.

Ngày 9/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp Kyiv tăng cường năng lực phòng không, như Nhà Trắng thông báo. Gói viện trợ bao gồm các tên lửa dành cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, 80.000 đạn pháo 155mm, xe quân sự Humvee và khoảng 150 máy phát điện. Ngoài ra, trong gói viện trợ này, Mỹ còn lần đầu tiên cung cấp hệ thống đánh chặn máy bay không người lái cho Ukraine.

Cần phải nhấn mạnh: Đây là lần thứ 27 Mỹ sử dụng Quyền rút vốn của Tổng thống (PDA) cho Ukraine, cho phép Mỹ chuyển các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng từ các kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.

Tên lửa Himars từ Mỹ là một trong các vũ khí chủ lực của quân đội Ukraine.

Tên lửa Himars từ Mỹ là một trong các vũ khí chủ lực của quân đội Ukraine.

Quyết định sử dụng PDA lần thứ 27 này, có thể hiểu, là một cách hiệu quả để ông chủ Nhà Trắng thực hiện các cam kết với Ukraine một cách thuận lợi nhất, mà không lo bị phản bác hay ngăn chặn từ các nghị sĩ phe đối lập trong Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, 3 ngày trước đó, các nhà lập pháp Mỹ cũng đã nhất trí cung cấp ít nhất 800 triệu USD cho Ukraine.

Theo dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) tài khóa 2023, công bốngày 6/12, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng thêm 45 tỷ USD so với đề xuấtcủa Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh các nhà đàm phán của hai đảng trong lưỡng viện Mỹ tìm cách giải quyết tác động của lạm phát toàn cầu, cũng như cung cấp thêm hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Mỹ sẽ chi ít nhất 800 triệu USD cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, tăng 500 triệu USD so với mức đề xuất trước đó của Tổng thống Joe Biden. Dự luật cũng góp phần tăng cường Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương, với các khoản đầu tư mới trị giá 11,5 tỷ USD.

Có thể thấy sự đồng thuận về vấn đề Ukraine trong quan điểm của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đã được thể hiện khá rõ qua câu chuyện này. Bởi, NDAA là một trong những đạo luật quan trọng mà Quốc hội Mỹ phải thông qua hằng năm, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đạo luật đề cập tới mọi vấn đề liên quan đến quốc phòng, từ việc tăng lương cho binh lính đến số lượng tàu, thuyền hoặc máy bay được trang bị. Do đây là đạo luật buộc phải thông qua, nên các nghị sĩ thường coi NDAA là phương tiện để đưa ra một loạt sáng kiến. Và, Dự thảo NDAA tài khóa 2023 công bố ngày 6/12 là kết quả sau nhiều tháng đàm phán giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện.

Không thể phủ nhận, từ góc độ an ninh chiến lược, “điểm nóng” mang tên Chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine có liên quan mật thiết đến vị thế “siêu cường duy nhất” trong trật tự thế giới đơn cực mà nước Mỹ đang muốn duy trì, cũng như những lợi ích cốt lõi khác. Do đó, các biện pháp hỗ trợ Kyiv vẫn được đẩy mạnh, bất kể mọi tác động từ cuộc bầu cử giữa kỳ mới diễn ra và khép lại.

Một diễn biến quan trọng hơn thể hiện lập trường này của Washington: Ngày 11/12, trả lời phỏng vấn đài ABC, khi được hỏi liệu máy bay không người lái của Ukraine có nên tấn công các sân bay sâu bên trong nước Nga hay không, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby làm rõ: “Chúng tôi chắc chắn không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động của Ukraine bên trong lãnh thổ nước Nga. Chúng tôi đang cố đảm bảo rằng họ có thể bảo vệ lãnh thổ của mình, giành lại lãnh thổ của họ ở Ukraine”.

Mỹ và đồng minh liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Mỹ và đồng minh liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 9/12, cách Lầu Năm Góc trả lời tờ The Times có lẽ đã hé lộ nhiều khía cạnh hơn. “Chúng tôi không thể bảo họ (Ukraine) phải làm gì. Việc họ sử dụng vũ khí như thế nào là tùy thuộc vào họ”. Washington chỉ yêu cầu Kyiv tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như Công ước Geneva, khi sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Trước đó nữa, ngày 8/12,Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố: “Trong khi Washington và Kyiv thống nhất rằng các lực lượng Ukraine sẽ không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga thì điều này không áp dụng cho Crimea vì Kyiv vẫn coi bán đảo này là lãnh thổ Ukraine”.

Nói cách khác, trên thực tế, tình trạng “mắt nhắm mắt mở” từ Washington đối với các hoạt động của Kyiv là hoàn toàn có thể xảy ra, bất chấp lời cảnh báo liên tục được Moscow nhắc đi nhắc lại: Nếu Mỹ cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, thì điều này sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và khiến Mỹ trở thành “một bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột”.

Và như vậy, “hòa bình” vẫn sẽ còn là một viễn cảnh thực sự xa vời. Bất kể những khó khăn hay chia rẽ có thể xảy đến, trong chính nội bộ phương Tây.

Mây Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/xay-hoa-binh-giua-nhung-tieng-bom-i677692/