Xây lại quy hoạch TP.HCM với 6 vùng để tạo động lực phát triển mới

Quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 đang được xây dựng là sự tổng hòa giữa tầm nhìn đô thị, định hướng phát triển vùng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho TP.HCM bước vào một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững.

TP.HCM đang đứng trước một giai đoạn chuyển mình khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được trình các cấp có thẩm quyền với trọng tâm là phát triển đồng đều 6 phân vùng chiến lược. Đây không chỉ là một đồ án kỹ thuật, mà là một bản đồ chiến lược định hình tương lai của đô thị lớn nhất cả nước.

6 phân vùng của TP.HCM giữ vai trò quan trọng

Trao đổi với PV PLO, KTS Khương Văn Mười – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM – nhận định: "TP.HCM đang đi đúng hướng. Việc vẽ lại bản đồ quy hoạch với 6 phân vùng phát triển không chỉ đơn thuần là chia nhỏ địa lý, mà là cách để phân bổ lại nguồn lực, tạo sự lan tỏa đồng đều và khai thác tối đa tiềm năng từng khu vực.”

Theo ông, các khu vực như TP Thủ Đức, Củ Chi, Nhà Bè hay Cần Giờ vốn từ lâu chỉ được xem là những đơn vị hành chính ngoài rìa trung tâm, nay đang được định hình lại với vai trò trung tâm mới trong chiến lược phát triển thành phố. Những vùng này sẽ không chỉ giảm tải cho khu lõi truyền thống – vốn đã quá chật chội và cạn kiệt dư địa phát triển – mà còn trở thành động lực mới về kinh tế, xã hội và hạ tầng đô thị.

Trong bối cảnh TP.HCM đang chuyển sang cấu trúc vùng đô thị lớn hơn – hợp nhất và liên kết chặt chẽ với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu – chiến lược phát triển không còn phụ thuộc vào mô hình “trung tâm – ngoại vi” như trước.

 TP.HCM quy hoạch 6 phân vùng phát triển. Ảnh: NN

TP.HCM quy hoạch 6 phân vùng phát triển. Ảnh: NN

Ông Mười nhấn mạnh: “Ngày trước, TP.HCM có mô hình ‘thành phố trong thành phố’. Nay, theo quy định mới, một số khu vực có thể chuyển thành cấp phường, cấp xã. Thực tế cho thấy, để TP.HCM có thể tiếp tục phát triển bền vững, việc mở rộng ra các vùng ngoại vi là tất yếu. Không chỉ vì áp lực dân số hay hạ tầng, mà vì đây là những khu vực còn quỹ đất lớn, tiềm năng phát triển đa dạng, có thể tích hợp các chức năng mà khu trung tâm hiện không còn khả năng gánh vác".

Một điểm nhấn trong quy hoạch mới là việc liên kết hạ tầng liên vùng, đặc biệt là hệ thống cầu, đường và metro. Như Cần Giờ được định hướng tích hợp mạnh mẽ hơn với trung tâm và các địa phương lân cận thông qua những công trình kết nối chiến lược.

Việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, tuyến metro liên kết, hay các trục giao thông xuyên tâm là những minh chứng rõ ràng cho định hướng phát triển linh hoạt và mở rộng không gian đô thị về phía biển, về phía rừng, mà vẫn đảm bảo tính bền vững sinh thái.

“Dù có sáp nhập hay điều chỉnh đơn vị hành chính, thì 6 phân vùng của TP.HCM vẫn giữ vai trò quan trọng trong bức tranh chung. Điều quan trọng nhất vẫn là chức năng và định hướng phát triển đã được thiết kế đầy đủ, phù hợp với bối cảnh mới”, KTS Khương Văn Mười khẳng định.

Định hình vai trò vùng, giúp thành phố vận hành "khỏe mạnh"

Trong bối cảnh mới, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM – khẳng định rằng, bản chất của quy hoạch không gian đô thị không nằm ở ranh giới, mà ở động lực và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo TS Cương, đồ án quy hoạch chung TP.HCM khi được thực hiện đúng theo tinh thần Luật Quy hoạch thì cần lấy phát triển kinh tế - xã hội làm kim chỉ nam, trong đó quy hoạch không gian đóng vai trò phục vụ chứ không thể “cầm trịch” hướng đi. “Không gian phát triển chỉ có ý nghĩa khi nó được tạo ra để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tăng trưởng kinh tế, việc làm, an sinh và chất lượng sống,” ông Cương nhấn mạnh.

Cũng vì vậy, khi thành phố thực hiện phân vùng, cần phải nhìn thấy những lợi thế nội tại của từng khu vực. Vùng nào thuận lợi cho công nghiệp, thì nên dồn lực phát triển hạ tầng sản xuất. Khu nào có tiềm năng du lịch – sinh thái, cần bảo tồn và nâng cấp dịch vụ. Đặc biệt, những khu vực đóng vai trò là trung tâm dân cư, việc làm – các đô thị lõi – phải được xác định là hạt nhân phát triển, có cơ chế ưu tiên nguồn lực rõ ràng để dẫn dắt sự lan tỏa.

 Mỗi phân vùng được định vị với các chức năng khác nhau. Ảnh: NN

Mỗi phân vùng được định vị với các chức năng khác nhau. Ảnh: NN

Việc xác định đúng động lực phát triển giúp thành phố vạch ra giới hạn cần kiểm soát (như hạn chế đô thị hóa tràn lan), đồng thời tập trung kích hoạt các yếu tố có khả năng tăng trưởng vượt trội – từ hạ tầng, giao thông đến nhà ở và dịch vụ công.

Ngay cả những vùng dân cư thưa thớt hay có tính chất công nghiệp cao cũng cần tiếp cận bằng tư duy phát triển động lực, không để các khu vực này “ngủ yên” trong trạng thái hỗ trợ mà không phát huy vai trò riêng biệt. Cần tạo ra hệ sinh thái phù hợp cho từng nhóm khu vực: có thể là các khu công nghiệp xanh, trung tâm logistics, đô thị vệ tinh, hay vùng bảo tồn sinh thái – văn hóa, tùy theo tính chất từng địa phương.

"Quy hoạch không gian TP.HCM phải là bản thiết kế sống động, định hình đúng vai trò từng vùng, mỗi khu vực là một cơ quan chuyên biệt nhưng liên kết chặt chẽ với nhau", TS Cương nói.

Theo ông Cương, TP.HCM đang đứng trước cơ hội lớn để tái cấu trúc không gian phát triển một cách khoa học và có chiến lược. Muốn vậy, phải thay đổi tư duy từ "quy hoạch theo bản đồ" sang "quy hoạch theo động lực" để từng vùng không chỉ là một phần của đô thị, mà là một mắt xích chủ động trong guồng máy phát triển toàn thành phố.

 Phân vùng giúp TP.HCM bứt phá. Ảnh: NN

Phân vùng giúp TP.HCM bứt phá. Ảnh: NN

Mở rộng vấn đề, TS Võ Kim Cương nhận định, việc sắp xếp và hợp nhất các tỉnh, thành trong vùng không đơn thuần là thay đổi hành chính, mà đang mở ra một cục diện phát triển hoàn toàn mới cho TP.HCM – với nhiều cơ hội nhưng tiềm ẩn thách thức.

Theo ông, để thích ứng với bối cảnh này, toàn bộ hệ thống quy hoạch của các địa phương liên quan cần được rà soát kỹ lưỡng, nhằm cập nhật và điều chỉnh định hướng chiến lược lẫn chiến thuật, từ bảo tồn, chỉnh trang cho đến phát triển đô thị sao cho phù hợp với tầm nhìn mới và gắn kết chặt chẽ trong không gian vùng.

Từ mô hình đô thị đa trung tâm với các đô thị vệ tinh, TP.HCM đang từng bước nâng tầm lên quy hoạch ba cực động lực phát triển chiến lược. Cấu trúc này không chỉ giúp TP.HCM mở rộng không gian phát triển, mà còn mang lại lợi thế quy mô vùng – một cấp độ chiến lược mà trước đây chưa từng có.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc trình phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo đó, TP sẽ có 6 phân vùng. Phân vùng đô thị trung tâm (khu vực nằm phía trong đường Vành đai 2 và nằm phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ) khoảng 172 km2. Phân vùng phía Đông (TP Thủ Đức hiện nay) khoảng 211 km2.

Phân vùng phía Tây (gồm khu vực phía Bắc phân vùng đô thị trung tâm và một phần khu vực phía Nam - phần nằm phía Tây sông Cần Giuộc của huyện Bình Chánh và phần phía Tây Quốc lộ 1 thuộc quận Bình Tân - dự kiến phát triển thành đô thị Bình Chánh).

Phân vùng phía Bắc (gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và phần phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc Quận 12) khoảng 579 km2.

Phân vùng phía Nam (gồm khu vực phía Nam Kênh Đôi thuộc Quận 8, khu vực phía Đông sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, Quận 7 và huyện Nhà Bè. Phân vùng phía Đông Nam (gồm toàn bộ huyện Cần Giờ - dự kiến phát triển thành đô thị Cần Giờ) khoảng 732 km2.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/xay-lai-quy-hoach-tphcm-voi-6-vung-de-tao-dong-luc-phat-trien-moi-post849837.html