Xây mái ấm, dựng niềm tin
Cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, huy động các nguồn lực thực hiện, Sơn La đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, về đích trước 5 tháng so với kế hoạch. Những ngôi nhà kiên cố được hoàn thành, biến ước mơ an cư lạc nghiệp của hàng nghìn gia đình khó khăn thành hiện thực, bảo đảm an sinh xã hội.

Phiên họp tháng 4, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.Ảnh: PV
Cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương, tỉnh Sơn La đã ban hành, thực hiện hiệu quả Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” và các dự án hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ năm 2020-2024, tỉnh đã xóa 9.317 nhà tạm, nhà dột nát, tổng kinh phí trên 441 tỷ đồng; trong đó, xã hội hóa trên 383 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 58 tỷ đồng.
Năm 2025, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Sơn La tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện. Qua rà soát, toàn tỉnh còn 3.058 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, gồm: Xây mới 2.653 nhà, sửa chữa 405 nhà. Trong đó: 200 nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; 314 nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; 2.544 nhà thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát, với tổng kinh phí 171 tỷ 330 triệu đồng.

Tập đoàn Xuân Thiện trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm cho tỉnh Sơn La.Ảnh: PV
Với mục tiêu hoàn thành trước 19/5/2025, tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về nội dung của chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở; ý nghĩa, vai trò của việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đến các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ thực hiện chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, Sở bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại các địa phương. Phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cân đối, điều phối nguồn lực hỗ trợ đảm bảo đúng mục tiêu quy định, đạt hiệu quả cao nhất.

Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với huyện Yên Châu trao “Nhà tình nghĩa” cho hộ dân xã Phiêng Khoài.
Từ tỉnh tới các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát theo từng cấp, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên. Tỉnh thành lập 11 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát, nắm tình hình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các huyện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc, bảo đảm tiến độ hoàn thành chương trình kế hoạch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các tổ rà soát, xác định hiện trạng nhà ở; họp xét, lập danh sách, thẩm định danh sách nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng; tăng cường xuống cơ sở giám sát các hộ gia đình làm nhà với phương châm: Rõ đối tượng hỗ trợ, rõ cán bộ phụ trách, rõ phương thức thực hiện, rõ thời gian hoàn thành.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Bắc Yên gắn biển xóa nhà tạm tại bản Suối Háo, xã Hồng Ngài.Ảnh: PV
Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, chia sẻ: Ngoài nguồn vốn hỗ trợ theo quy định của tỉnh, huyện cân đối nguồn kinh phí tiết kiệm chi 5% ngân sách, xã hội hóa, vận động gây quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ các hộ xóa nhà tạm. Đến nay, huyện đã hỗ trợ xây mới 98 nhà cho người có công với cách mạng và hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ sinh kế để các hộ phát triển kinh tế.
Sơn La còn lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình của Trung ương; vận động, huy động các nguồn lực của các tỉnh ủng hộ chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Năm 2025, tổng kinh phí đã tiếp nhận thực hiện là hơn 210 tỷ đồng, gồm: Kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên 5,5 tỷ đồng; nguồn kinh phí do Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận trên 61,5 tỷ đồng; nguồn kinh phí xã hội hóa cấp huyện tiếp nhận trên 13,5 tỷ đồng; kinh phí sử dụng tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh 8,6 tỷ đồng; kinh phí sử dụng tiết kiệm chi ngân sách cấp huyện trên 10,3 tỷ đồng; kinh phí tài trợ của tỉnh Đồng Nai 111 tỷ đồng.

Tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác xóa nhà tạm nhận giấy khen của UBND huyện Sốp Cộp.
Đồng chí Lê Đình Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông tin: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam - Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình. Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 62,6 tỷ đồng, trình Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh phân bổ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo đúng quy định. Đến nay, đã phân bổ, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền trên 60,3 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí từ các chương trình hỗ trợ cho các hộ, với mức 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa; linh hoạt trong việc sử dụng nguồn kinh phí Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh để tạm ứng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ kịp thời xây dựng cải thiện nhà ở.

ĐVTN Công an huyện Sông Mã cùng nhân dân xây dựng nhà ở cho hộ nghèo xã Mường Sai.
Nhiều đoàn thể ở các địa phương, thành lập tổ xây dựng đứng ra nhận thi công, lấy giá thấp hơn giá thị trường; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn xóa nhà tạm. Đối với những hộ gia đình khó khăn, không đủ khả năng tài chính ban đầu, một số địa phương đứng ra ứng mua vật liệu xây dựng, các hộ trả lại sau khi nhận được tiền hỗ trợ nhà ở; tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ, giảm giá thành xây dựng nhà ở. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai bằng cách rà soát nhu cầu, cấp giấy quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích cho các hộ.
Ngoài việc đóng góp ủng hộ về kinh phí, các nhà thiện nguyện, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và lực lượng công an, quân đội chung tay đóng góp trên 62.000 ngày công lao động, hỗ trợ các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, tiết kiệm chi phí hỗ trợ nhân dân sớm hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở và ổn định cuộc sống.
Bà Lò Thị Vân, bản Thượng 2, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, xúc động nói: Trước kia, ngôi nhà của gia đình bị mối mọt, xập xệ, tường xung quanh ghép bằng những tấm gỗ tạm bợ, mùa mưa bão lại lo đổ. Bây giờ, được hỗ trợ tiền xây nhà và bà con giúp đỡ ngày công san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu... ngôi nhà đã nhanh chóng hoàn thiện. Gia đình tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và địa phương đã chung tay giúp đỡ. Có nhà kiên cố, gia đình yên tâm sinh sống, vươn lên thoát nghèo.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cùng sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, toàn tỉnh hoàn thành xóa 3.058 nhà tạm, nhà dột nát, đạt 100% kế hoạch, sớm hơn 5 tháng so với thời hạn Chính phủ giao 31/10/2025 và sớm hơn 4 ngày so với tiến độ 19/5/2025 của tỉnh đề ra.
Mỗi mái ấm được xây dựng, mỗi mái nhà được sửa chữa không chỉ là nơi an cư, lạc nghiệp mà còn là điểm tựa vững chắc cho người dân có thêm nghị lực, hy vọng để vươn lên, thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, đọng đầy niềm hạnh phúc.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/xay-mai-am-dung-niem-tin-PupvmDaNg.html