XÂY NHÀ MÁY DỨA Ở HUYỆN VÙNG CAO NGHÈO NHẤT NƯỚC
Một doanh nghiệp miền xuôi mạo hiểm đầu tư cả trăm tỷ đồng xây nhà máy ở huyện 30a Mường Khương (Lào Cai), làm dứa trái vụ để xuất khẩu, tạo sinh kế ổn định cho bà con vùng dân tộc thiểu số.
Bị nói "khùng" khi quyết định lên vùng cao làm nhà máy dứa
Với khoảng 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Mường Khương (Lào Cai) bao năm nay nằm trong danh sách những huyện 30a nghèo nhất cả nước.
Khoảng 4 năm trước, trong một lần đi du lịch, chứng kiến những đồi dứa mướt mắt đầy tiềm năng về nguồn nguyên liệu xuất khẩu, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu quyết định mở chi nhánh và xây dựng nhà máy dứa ở xã Lùng Vai.
Ông Hoàng Phú Cường - hiện là Giám đốc chi nhánh của công ty - được giao nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào” trong việc triển khai dự án đầu tư đầy mạo hiểm, đồng hành cùng bà con địa phương phát triển sinh kế.
“Từ dưới xuôi lên đây mở nhà máy không phải chuyện dễ dàng. Nhiều anh em bạn bè bảo tôi là “khùng” khi dưới xuôi bao nhiêu khu công nghiệp có thể vào mở nhà máy, thuận tiện hơn mọi bề” - ông Hoàng Phú Cường tâm sự với PV Báo VietNamNet.

2 năm đầu, ông Cường cùng các cộng sự mất rất nhiều thời gian, tâm sức hướng dẫn bà con trồng dứa trái vụ để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động quanh năm. Tới giờ, bà con ở đây đã trồng được hơn 200ha dứa trái vụ.
Nhà máy ở vùng cao chủ yếu sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, bởi đưa người từ dưới xuôi lên nơi thiếu thốn đủ thứ này là chuyện không khả thi, khi ngay Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên… cũng rất nhiều nhà máy.



“Hồi công ty mới đi vào hoạt động, huyện đã có sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi chỉ đạo các địa phương phối hợp tuyển được khoảng 200 lao động thường xuyên làm việc trực tiếp cho công ty” - ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết.
Tuy nhiên, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Khương nhiều đời trồng chè. Đến vụ chè, bà con giữ tập quán đi hái đổi công cho nhau khiến nhà máy dứa lâm cảnh thiếu người làm. Chưa kể, ở huyện miền núi vùng cao đang có phong trào đi xuất khẩu lao động.
Thiếu nhân công nên không ít lần, ông Cường không dám nhận thêm đơn hàng để tránh rủi ro bị phạt nếu không giao đủ hàng đúng cam kết.

Thu nhập từ dứa gấp 3 lần ngô, sắn
Người dân ở Mường Khương có kinh nghiệm trồng dứa từ rất nhiều năm nay.
Gia đình ông Lìu Văn Hòa ở thôn Km15, xã Bản Lầu, trồng dứa từ năm 2008, trước kia hầu hết xuất khẩu sang Trung Quốc. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thu nhập của gia đình ông khá bấp bênh, song mấy năm nay dần ổn định.
“Giá bán cao nhất là hồi cuối năm ngoái được 12 nghìn đồng/kg, hiện đang ở mức 8 nghìn đồng/kg. Với 1,5 vạn gốc dứa, nhà tôi thu 35-40 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dứa lên tầm 10 vạn gốc. Nguồn giống có sẵn ở địa phương, nếu thiếu thì mua thêm ở Ninh Bình, Thanh Hóa” - ông Hòa kể.

Ông Lưu Công Đường, một thương lái ở thành phố Lào Cai, thì khoe: “Dứa ở Mường Khương ngọt hơn ở Thanh Hóa, Ninh Bình do đặc thù thời tiết, khí hậu. Mỗi vụ dứa từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 1 năm. Trồng dứa lợi nhuận cao hơn so với ngô, sắn, như năm nay gấp khoảng 3 lần”.
Ông Tô Việt Thành nhận định, cây dứa đem lại thu nhập rất tốt cho bà con. Hiện tại, giá dứa tươi khoảng từ 7-8 nghìn đồng/kg, năng suất đạt 25-30 tạ/ha nên người dân rất phấn khởi.
Theo vị Phó Chủ tịch huyện, dứa đã trở thành một trong những loại cây trồng mà người dân ưu tiên lựa chọn, đặc biệt đối với các xã vùng thấp như Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy…


Toàn tỉnh hiện có một số vùng hàng hóa lớn, trong đó có trên 1.800ha dứa. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ mở rộng vùng dứa lên xấp xỉ 2.000ha.
Ông Thành đánh giá rất cao việc hình thành những nhà máy chế biến sâu giúp địa phương chủ động trong khâu chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.
“Mấy năm nay, huyện đã mời gọi một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu nhằm mang lại sự yên tâm cho người dân trong việc phát triển cây dứa” - ông Thành nói.
Tạo sinh kế ổn định giúp bà con thoát nghèo
Từng bước khắc phục khó khăn, khoảng 2 năm nay, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của nhà máy dứa đã đem lại một nguồn sinh kế khá ổn định và bền vững cho bà con, góp phần giúp huyện 30a từng bước xóa đói giảm nghèo.
Bà con trồng dứa được nhà máy bao tiêu sản phẩm, trung bình mỗi hộ thu hàng chục triệu đồng/vụ. Những người tầm 50-70 tuổi muốn làm thêm có thể lấy dứa từ nhà máy mang về nhà gọt - vừa ở nhà trông cháu, nấu cơm… mà vẫn có thu nhập. Nhà nào làm ít được 5-6 triệu đồng/tháng, nhà làm nhiều đạt 8-11 triệu đồng/tháng.




“Mấy cháu học sinh chăm chỉ thường xuyên đến nhà máy. Các cháu buổi sáng đi học, buổi chiều nếu không học thêm hoặc không bận việc khác lại đến đây gọt dứa, mỗi tháng kiếm 2-3 triệu đồng” - ông Cường vui vẻ cho hay khi dẫn chúng tôi thăm khu sơ chế dứa đang có khoảng 10 cô gái miệt mài làm việc.
Còn công nhân của nhà máy thu nhập mức thấp 7-8 triệu đồng/tháng, mức cao 11-12 triệu đồng/tháng, cộng thêm nhiều chế độ an sinh khác như hàng năm được đi nghỉ mát với chi phí khoảng 3-4 triệu đồng/người, được lo cơm trưa miễn phí...
“Chúng tôi luôn cố gắng tạo nhiều cơ hội để bà con Mường Khương ổn định sinh kế. Rất mong bà con gắn bó lâu dài với nhà máy để cùng phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện miền núi” - ông Cường chia sẻ thêm.


Theo vietnamnet.vn
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xay-nha-may-dua-o-huyen-vung-cao-ngheo-nhat-nuoc-post401593.html