Xây nhà xưởng, doanh nghiệp 'than phiền' chi phí cho phòng cháy chiếm hơn 1/3 giá trị công trình
Yêu cầu công trình, nhà xưởng phải được sơn chống cháy khiến một doanh nghiệp (DN) đầu tư 2,8 tỷ đồng xây nhà kho phục vụ hoạt động logistics, nhưng chỉ riêng chi phí cho phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã lên tới 1 tỷ đồng, hơn 1/3 giá trị công trình.
Gia tăng chi phí bất hợp lý
Trong báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022" vừa mới công bố, VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, các quy định về PCCC còn một số bất cập, khiến cho DN khó thực hiện và gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý.
Cụ thể, các yêu cầu tại QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (ban hành bởi Thông tư 02/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng) có rất nhiều điểm bất cập.
Tại Phụ lục F quy chuẩn quy định cột, dầm thép nhà xưởng phải được bọc vật chống cháy bằng vật liệu rỗng như thạch cao. Tuy nhiên, khi bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép, hai loại này không đồng nhất khả năng chịu lực, chỉ cần va đập vào kết cấu thép thì bột thạch cao chống cháy hay lớp vữa chống cháy sẽ bong ra, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.
Phụ lục E quy chuẩn quy định về khoảng cách PCCC giữa các nhà và công trình. Theo ý kiến của doanh nghiệp, các yêu cầu về khoảng cách là khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bảng 10 quy chuẩn quy định lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà nhóm F5 có chiều rộng trên 60m, có bậc chịu lửa I, II. Quy chuẩn không quy định lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà đối với nhà có bậc chịu lửa III, IV (khung thép).
Quy định này khiến DN gặp khó trong việc xác định cơ sở tính toán lượng nước chữa cháy ngoài nhà đối với nhà có bậc chịu lửa III và IV (khung thép). Gia tăng chi phí, vì để đáp ứng theo đúng cơ sở tính toán lưu lượng nước chữa cháy ngoài nhà, DN cần phải làm cho nhà có kết cấu bê tông cốt thép hoặc bọc bảo vệ các kết cấu thép như cột thép, kèo thép, dầm thép bằng vật liệu chống cháy và nâng bậc chịu lựa của công trình đến cấp IV hoặc cấp III lên cấp II.
DN cho rằng, để tuân thủ các quy định về PCCC, họ phải bỏ ra một chi phí là khá lớn. Những bất cập, vướng mắc, gia tăng chi phí cho DN như trên lại gần như thiếu vắng trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ cho DN.
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, theo phản ánh của cộng đồng DN, quy định về điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó là việc áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của DN.
"Chẳng hạn như yêu cầu công trình, nhà xưởng phải được sơn chống cháy khiến một DN đầu tư 2,8 tỷ đồng xây nhà kho phục vụ hoạt động logistics, nhưng chỉ riêng chi phí cho PCCC đã lên tới 1 tỷ đồng (hơn 1/3 giá trị công trình). Khảo sát ở một số địa phương cho thấy các DN sản xuất, trung bình đầu tư sơn chống cháy làm tăng 20% giá thành nhà xưởng", chuyên gia nêu.
Mặt khác, trong một thời gian dài, công tác kiểm tra về PCCC mang nặng tính hình thức, chiếu lệ nên khi có vụ việc xảy ra thì cơ quan quản lý phản ứng theo chiều hướng cực đoan. Gần đây, cơ quan công an thực hiện kiểm tra PCCC liên tục. Nhiều DN đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về PCCC. Thực trạng này ảnh hưởng xấu tới cơ hội sản xuất, kinh doanh của DN; việc làm của người lao động và các hệ lụy xã hội khác.
Tại buổi làm việc mới đây của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư với các hiệp hội, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, Quy chuẩn quốc gia 06 của Việt Nam ban hành đang cao hơn cả Mỹ, cao nhất thế giới. Do đó, cần rà soát lại các quy chuẩn này để đảm bảo tính khả thi.
Về thẩm định các vật liệu PCCC, công trình nào cũng yêu cầu có các cửa thép chống cháy đòi hỏi tiêu chuẩn EI70 nhưng phương pháp kiểm định lẽ ra cấp chứng chỉ cho nơi nhập khẩu lô hàng thì lại thẩm định theo công trình. Theo đó, mua 10 cửa cũng đốt 1 cái, mua 20 cửa cũng đốt 1 cái... Điều này vừa lãng phí vừa tốn thời gian của các bên.
Về phương tiện thiết bị thì cần kiểm định ở Bộ Công an nhưng DN băn khoăn về vật liệu. Ví dụ, hệ thống ống gió của điều hòa trước đây bọc Amiang giờ theo quy chuẩn 06 cần bọc chống cháy rất phức tạp và đội giá thành.
Đại diện VACC cho rằng, những vấn đề này khiến chi phí PCCC đội lên rất cao. Phải làm xong PCCC mới được làm các giấy phép khác về xây dựng. Do vậy, DN phải chờ đợi kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.
Vướng nhất ở quy định về sơn chống cháy
Tháng trước, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Đồng Nai về tình hình khó khăn, vướng mắc liên quan công tác thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC công trình trong các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của chủ đầu tư, nội dung vướng mắc nhất trong nghiệm thu PCCC là kiểm định sơn chống cháy.
Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình xây dựng xong nhưng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ chưa thể xem xét chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, để Ban Quản lý các KCN Đồng Nai xem xét chấp thuận công tác nghiệm thu về xây dựng.
Đơn vị này lấy dẫn chứng một công ty nộp hồ sơ thiết kế đến nay đã hơn 7 tháng mà công ty vẫn không được Phòng Cảnh sát PCCC phê duyệt bản vẽ thiết kế xây dựng PCCC, cũng không có văn bản phản hồi cho công ty, cũng không biết nguyên nhân tại sao lại không được chấp thuận. DN đề nghị cơ quan ban ngành giải quyết khó khăn để họ có thể xây dựng nhà xưởng, an tâm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một công ty giấu tên ở Đồng Nai chia sẻ, thủ tục xin thẩm duyệt giấy phép PCCC rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian kể từ cuối năm 2022. Trước đây, việc thẩm duyệt giấy phép PCCC do tỉnh thực hiện nhưng từ cuối năm 2022 đã chuyển ra Cục Cảnh sát PCCC (địa chỉ ở thành phố Hà Nội) xem xét thẩm duyệt và thời gian chưa được xác định nên có nhiều khó khăn cho các thủ tục tiếp theo cho dự án mở rộng sản xuất của công ty.
Một DN khác cho biết, công ty có xây dựng thêm kho chứa hàng (3 tầng) và văn phòng. Theo đó, phần PCCC đã được thẩm duyệt, thi công xong và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị PCCC theo yêu cầu. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ để nghiệm thu PCCC thì không được chấp thuận do không kiểm định được sơn chống cháy cho kèo thép ở khu vực kho tầng 3. Trong khi đó, việc kiểm định này do cơ quan Nhà nước thực hiện.
"Chỉ vì vướng kiểm định sơn chống cháy cho kèo thép mà các khu vực còn lại của kho chứa hàng và văn phòng xây mới của công ty đều không được nghiệm thu PCCC. DN mong muốn sớm được cấp giấy nghiệm thu PCCC này để yên tâm hoạt động", đại diện DN kiến nghị.