Xây sân bay địa phương: Cần bảo đảm hiệu quả
Nhiều địa phương trên cả nước đang đề xuất đầu tư xây dựng sân bay để người dân có thể tiếp cận dễ dàng với loại hình vận tải có tốc độ cao, hiện đại, tiện nghi.
Đồng thời, hạ tầng hàng không cũng sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhất là những nơi có tiềm năng về du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, muốn dự án sân bay khả thi, cần tính toán kỹ đến nguồn lực đầu tư và khả năng phát huy hiệu quả thực tế.
Tiềm năng lớn cho sân bay địa phương
Là một trong những sân bay đang thu hút đầu tư để phấn đấu khởi công trong năm 2022, Cảng hàng không Sapa (tỉnh Lào Cai) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Lào Cai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc. Vì vậy, việc đầu tư sân bay được đánh giá sẽ giúp địa phương thúc đẩy hơn nữa dịch vụ du lịch, tăng kết nối với các vùng miền trên cả nước và quốc tế. Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, nhiều khách du lịch đến với Lào Cai nêu vấn đề vì sao không làm sân bay để đi thẳng từ các tỉnh miền Nam đến Lào Cai, không phải bay đến Nội Bài rồi tiếp tục theo đường bộ, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đặt câu hỏi như vậy. "Đây là trăn trở của tỉnh, nhất là trong điều kiện địa phương ở miền núi, địa hình nhiều khó khăn", ông Nguyễn Trọng Hài chia sẻ.
Cảng hàng không Sapa có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 gần 4.200 tỷ đồng, đáp ứng cho công suất 1,5 triệu hành khách/năm; giai đoạn 2 gần 2.800 tỷ đồng, nâng công suất lên đạt 3 triệu hành khách/năm. Để chuẩn bị cho dự án này, tỉnh Lào Cai đã chủ động thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư hạ tầng kết nối từ tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến sân bay, đồng thời quy hoạch khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, logistics (hậu cần, kho vận), tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần nhìn nhận nhu cầu có sân bay của nhiều địa phương là nhu cầu thực để đáp ứng cường độ đi lại cao của người dân với loại hình vận tải tốc độ lớn, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu khi du lịch khám phá bùng nổ. Trong tương lai, hàng không sẽ trở thành xu hướng phát triển mang tính chủ lực, nếu không bắt kịp sẽ tụt hậu.
Bảo đảm hiệu quả đầu tư
Nhiều địa phương trên cả nước đã có đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được bổ sung dự án đầu tư xây dựng sân bay. Từ nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT dự kiến thời kỳ 2021-2030 cả nước có 28 cảng hàng không (14 cảng hàng không quốc tế và 14 cảng hàng không quốc nội); đến năm 2050 có 31 cảng hàng không, trong đó, giữ nguyên số sân bay quốc tế, tăng thêm 3 sân bay nội địa. Nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng hàng không cho các giai đoạn này cũng rất lớn, ước tính khoảng 400.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc thu hút các nguồn lực xã hội bên cạnh vốn từ ngân sách nhà nước cho đầu tư sân bay là yêu cầu tất yếu. Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đầu tư theo phương thức PPP phải hài hòa được lợi ích, chia sẻ rủi ro của 3 bên là nhà nước, nhà đầu tư, cộng đồng. Đặc biệt, nên khuyến khích nhà đầu tư tham gia khai thác, vận hành sân bay quy mô nhỏ, bảo đảm hoạt động hiệu quả. Nhà đầu tư quyết định bỏ tiền sẽ tính toán kỹ lưỡng lợi ích và hiệu quả dự án.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá các địa phương có động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, xây dựng sân bay như một điểm nhấn trong hệ sinh thái của địa phương. Ngoài việc cần ủng hộ chủ trương phát triển hạ tầng hàng không ở các địa phương, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư cảm nhận được sự hấp dẫn, tham gia cùng chính quyền địa phương, tận dụng dư địa cho phát triển. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, từ bài học quốc tế có thể thấy, lợi ích của sân bay không chỉ ở hiệu quả kinh tế là lỗ hay lãi mà có lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Đánh giá khả năng đầu tư sân bay cần nhìn theo lợi ích tổng thể, tiềm năng và hỗ trợ các vấn đề xã hội. Các địa phương khi muốn có sân bay cần tính toán thực chất, kỹ càng với kế hoạch đầu tư, khai thác rõ ràng, chi tiết.
Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ. Việc sớm ban hành quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với từng địa phương có sân bay mà còn với cả nước. Đây sẽ là định hướng để các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng hàng không trên địa bàn cũng như tập trung thu hút nguồn lực, qua đó giúp khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế-xã hội "cất cánh".
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xay-san-bay-dia-phuong-can-bao-dam-hieu-qua-709081