Xây tường chắn cát, làm đường ven biển đẹp như tranh

Để hoàn thành hơn 106km đường ven biển Ninh Thuận đẹp như tranh vẽ, nhà thầu phải vất vả bạt núi mở đường, chống chọi với nắng gió và cát.

Kỳ quan “tiểu sa mạc” ở Việt Nam

Đường ven biển đoạn Mũi Dinh - Cà Ná băng qua sa mạc đẹp như tranh.

Đường ven biển đoạn Mũi Dinh - Cà Ná băng qua sa mạc đẹp như tranh.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại và đi dọc tuyến đường ven biển Ninh Thuận. Suốt hành trình là những cánh đồng muối trắng xóa, hai bên đường đồi núi nhấp nhô, biển xanh, cát trắng... đẹp đến nao lòng.

Từ TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đi hết tuyến đường ven biển, một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua để tham quan, check-in là đoạn Mũi Dinh.

Đoạn đường dài hơn 20km qua cánh đồng điện gió, điện mặt trời, chạy xuyên qua những ngọn đồi cát trắng trông thật đẹp mắt. Du khách dễ bị mê hoặc bởi vẻ hoang sơ tĩnh lặng, khác hoàn toàn với những khu du lịch còn lại.

Trước năm 2015, khi tuyến đường ven biển Ninh Thuận chưa thông xe, nơi đây là một “tiểu sa mạc”, đất đai khô cằn, những ngọn đồi nhấp nhô đầy cát trải dài ven biển, từ giáp làng Sơn Hải, xã Phước Dinh đến Bãi Tràng ước chừng 6-7km.

Vừa cùng gia đình trải nghiệm chuyến đi phượt qua cung đường trên, anh Nguyễn Văn Tài, du khách đến từ TP.HCM cho hay, dịp hè này gia đình anh chọn đi du lịch Phan Rang và khám phá các điểm du lịch trên đường ven biển, nhất là đoạn Mũi Dinh - Cà Ná.

“Hoàng hôn buông xuống, đồi cát nhấp nhô lấp lánh ánh cát vàng trông rất đẹp mắt. Một con đường chạy dài tăm tắp xuyên qua vùng đồi núi sa mạc đến Mũi Dinh giống như một bức tranh vậy”, anh Tài nói.

Nhiều du khách còn cho rằng, chẳng cần đi Dubai để tham quan sa mạc bởi ở Ninh Thuận, vừa đi tham quan ngắm biển lại còn được check-in sa mạc cát “không khác gì các nước Ả Rập”.

Anh Hoàng Duy, một du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: “Đoạn đường ven biển Mũi Dinh hai bên đồi cát vàng mịn, hoang sơ, mỗi khi qua đây dường như bị lạc vào xứ sở các nước Tây Á, nơi có những sa mạc nắng nóng quanh năm.

Điểm du lịch nổi tiếng nhất và là nơi sống ảo không thể bỏ qua là đồi cát Nam Cương. Nhiều du khách đến đây ví như “tiểu sa mạc Sahara” vì có khung cảnh đặc biệt giống châu Phi”.

“Mỗi lần đến Phan Rang tôi không thể bỏ qua đồi cát Nam Cương và Mũi Dinh. Tại đây bốn bề là cát vàng và biển xanh, cảm nhận cái nắng, cái gió, rất thú vị”, chị Nguyễn Thu Hà, một du khách cùng gia đình đang dừng nghỉ tại đồi cát chia sẻ.

Đồi cát Mũi Dinh rộng hơn 30ha, với cảnh đẹp nhiều năm qua luôn là địa điểm lý tưởng nhất để tổ chức các giải đua xe mạo hiểm, môn thể thao đang thịnh hành tại Việt Nam.

Điều đặc biệt trên cung đường này là du khách có thể tham quan làng chài Sơn Hải, làng Chăm… và chiêm ngưỡng ngọn hải đăng Mũi Dinh cao 180m.

Để đi đến ngọn hải đăng, phải vượt qua một “tiểu sa mạc” khác là một dải cát chạy dài ra hướng biển, sau đó leo dốc núi dài hơn 1km. Từ đây có thể quan sát toàn cảnh các đồi cát, ngắm biển và chiêm ngưỡng cảnh đẹp xung quanh.

Nghiên cứu hướng gió để làm đường

Du khách tản bộ trên tiểu sa mạc ở Ninh Thuận.

Du khách tản bộ trên tiểu sa mạc ở Ninh Thuận.

Ít ai biết rằng, để thi công tuyến đường ven biển dài hơn 100km, ngoài thời tiết bất lợi, băng rừng, vượt núi hiểm trở…. thì làm đường xuyên qua các núi cát, “tiểu sa mạc” ở Ninh Thuận còn khó khăn bội phần. Từ thiết kế đến thi công phải trải qua nhiều công đoạn công phu, thận trọng từng chi tiết nhỏ.

Chỉ huy trưởng thi công gói thầu đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh (thuộc Công ty Xây dựng 319.3) cho biết, đặc thù thời tiết Ninh Thuận có hai mùa gió làm những đồi cát dịch chuyển.

Một mùa gió đẩy cát từ biển bay vào, mùa khác gió lại thổi cát bay từ hướng núi ra biển. Mỗi lần dịch chuyển, những đồi cát có thể lấp toàn bộ tuyến đường đang thi công.

Từ nghiên cứu hướng gió, các đơn vị tư vấn cùng nhà thầu đã lên phương án thi công cuốn chiếu từng đoạn một. Trong quá trình đào đắp để thi công nền đường, nhà thầu phải xây dựng tường để chắn cát dịch chuyển, sập vách đường hai bên.

Khó nhất là giai đoạn thảm bê tông nhựa. Với những địa bàn khác, việc thảm bê tông nhựa kỵ trời mưa, nhưng ở đây kỵ gió thổi bay cát. Nếu gặp gió lớn thổi, cát bay vào sẽ làm bẩn bê tông nhựa, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ở miền Nam, mưa thường chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ, hết mưa là thảm bê tông nhựa được. Nhưng, gió ở vùng Ninh Thuận thổi cả ngày lẫn đêm, thổi từ hai phía, vì vậy, bài toán chọn giờ nào để thảm bê tông nhựa làm đau đầu tư vấn và các nhà thầu.

Qua khảo sát, tư vấn nắm bắt được thời điểm ban ngày gió thổi rất mạnh, vì vậy công nhân, máy móc phải tranh thủ thảm bê tông nhựa vào ban đêm.

Nhưng như vậy cũng chưa yên, không phải đêm nào cũng lặng gió. Có hôm khi công nhân vừa vệ sinh mặt đường xong, chuẩn bị thảm nhựa, gặp cơn gió rất mạnh đến cấp 5, toàn bộ mặt đường chỉ sau vài phút đã đầy cát.

Nghỉ ngơi một lúc, các tổ thổi bụi được huy động triển khai tổng lực thổi lại. Nhưng vừa xong lại gặp cơn gió khác, cát lại đầy đường, lại tiếp tục thổi cát…

“Có hôm chúng tôi phải đánh vật với gió biển mấy trận như vậy, anh em rất đuối. Nhưng không thảm thì không được, xe chở bê tông nhựa đã đến công trường, để lâu bê tông sẽ nguội, hỏng, mất cả mấy tỷ như chơi”, vị này kể và cho biết các anh em phải luân phiên “đuổi cát”, tổ này mệt thì có tổ khác thay thế, không khác gì luân xa chiến trong đánh trận.

Căng nhất là đoạn dài hơn 3km từ cầu Sơn Hải 2 đến Mũi Dinh, đây là đoạn nhiều đồi cát di động nhất.

“Chúng tôi phải làm tường cao để chắn cát, huy động tối đa lực lượng chia nhiều ca trực liên tục vệ sinh mặt đường. Thảm bê tông nhựa thực hiện theo phương thức cuốn chiếu. Đánh mẻ nào phải dứt điểm xong mẻ đó để đảm bảo chất lượng, kỹ thuật tuyến đường”, vị chỉ huy trưởng kể.

“Đánh vật” với 10 vạn m3 cát

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận (nguyên trưởng phòng dự án 1, Ban QLDA thuộc Sở GTVT - phụ trách dự án đường ven biển) nhớ lại: “Dự án kéo dài cả 100km qua rừng, núi. Những đoạn qua núi phải nổ mìn, vạt núi rất gian nan. Nhưng đoạn xuyên qua những ngọn đồi cát di động cũng khó khăn chẳng kém”.

Qua khảo sát, đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh phải băng qua khu vực những đồi cát, trong đó một đoạn dài 6-7km là những đồi cát di động.

Tình trạng đồi cát hôm nay ở vị trí gần biển rồi bị gió cuốn bay sang thành ụ cát cao hướng đối diện đặt ra bài toán hóc búa. Theo tính toán khối lượng cát mịn phải bốc xúc di dời lên tới hơn 100.000m3.

Trong quá trình thi công, các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư ngày đêm bám công trường theo dõi, họp bàn cùng các nhà thầu để gỡ vướng, bố trí phương án thi công hợp lý.

Một phương án được vạch ra và quyết định tiến độ gói thầu đó là sau khi cào bóc hữu cơ dọn cát, song song đó phải làm ngay tường chắn cát và trồng phi lao để ngăn cát bay vào chính tuyến.

“Sau thông xe, những hàng cây phi lao được trồng hai bên đường lại tạo cảnh quan đẹp và ngăn cát bay tràn vào đường đảm bảo giao thông thông suốt”, ông Tân nói.

Tuyến đường ven biển tỉnh Ninh Thuận có tổng chiều dài 106,4km, tổng mức đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng. Dự án đường ven biển được chia làm 8 dự án thành phần.

Đầu tháng 1/2023 tuyến đường ven biển phía nam tỉnh Ninh Thuận được đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp, có chiều dài 44km; điểm đầu tiếp giáp đường Yên Ninh, TP Phan Rang - Tháp Chàm và điểm cuối kết nối quốc lộ 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam.

Vĩnh Phú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xay-tuong-chan-cat-lam-duong-ven-bien-dep-nhu-tranh-d599899.html