Xe chở rác tông chết nam sinh: Bị cáo nhận tội sau phân tích của Sở Y tế Hà Nội
Sau phân tích của đại diện Sở Y tế Hà Nội về nguyên nhân thiệt mạng của nạn nhân, bị cáo Lê thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Clip: Xe chở rác hoạt động trong khung giờ cấm gây tai nạn chết cháu bé ở Hà Nội
Sáng 8/1, TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội) mở lại phiên xét xử đối với bị cáo Lê Hoàng Lê (sinh năm 1981, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội; tài xế xe tải chở rác của HTX Thành Công) trong vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Bị cáo Lê lái xe chở rác đi vào giờ cấm, tông chết nam sinh Phan Đình M. (14 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội). Khi được chủ tọa hỏi về việc cáo trạng truy tố tội danh đối với bị cáo đúng không, ông Lê nói không biết cáo trạng đúng hay sai.
"Tôi không hiểu luật nên không biết truy tố tội đó đúng hay sai. Nhờ luật sư trả lời giúp", bị cáo Lê nói.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê cho hay, nguyên nhân dẫn tới cái chết của nạn nhân không phải do tai nạn mà là do quá trình cấp cứu. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không được chấp nhận.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, về mặt giám định nguyên nhân thiệt mạng của cháu bé được xác định do ngoại lực tác động, không phải do bệnh lý.
"Sau tai nạn, nạn nhân vẫn tỉnh nên được đưa vào Bệnh viện huyết học, huyết áp tụt xuống 60 – 90, hệ hô hấp bị ảnh hưởng, trong phổi có dịch. Sang Bệnh viện 198, mạch xuống còn 30 – 40 nhịp/phút", đại diện Sở Y tế cho hay.
Vị này cho biết, sau đó, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đến truyền 2 chai dịch cho nạn nhân và mang máy siêu âm đến khám thì thấy mờ mảng phổi, ổ bụng có dịch tự do, chất lỏng, phần nhiều là máu.
"Việc suy tuần hoàn và mất máu cấp và do tác động ngoại lực là có", đại diện Sở Y tế khẳng định.
Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: "Trước khi nạn nhân bị tai nạn thì vẫn khỏe mạnh, sau tai nạn bị chấn thương ở bên trong. Điều này đã được cơ quan chuyên môn xem xét. Bị cáo thấy trách nhiệm của mình đến đâu, cáo trạng truy tố như nào?"
Lúc này, bị cáo Lê mới thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân: "Bị cáo biết tội của bị cáo sai và đáng lên án. Theo bị cáo nghĩ là nếu không có tai nạn xảy ra đối với cháu bé thì cháu bé không thiệt mạng".
Trong phiên tòa hôm nay, luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại cũng đưa ra những chứng cứ chứng tỏ xe chở rác vẫn đi vào giờ cấm, dù trong phiên xét xử vào tháng 6/2019, Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng (BQLDA ĐTXD) quận Thanh Xuân hứa sẽ quản lí chặt chẽ việc này.
Trả lời kiến nghị của luật sư, bà Trần Hồng Hạnh - đại diện BQLDA ĐTXD quận Thanh Xuân cho hay, đơn vị có giám sát và không phát hiện được việc này.
Theo cáo trạng, vào khoảng 14h30 ngày 12/4/2019, tài xế Lê Hoàng Lê nhận lệnh của HTX Thành Công lái xe đi thu gom rác tại quận Thanh Xuân. Theo quy định, đây là khung giờ xe chở rác không được phép hoạt động.
Đến khoảng 16h cùng ngày, xe di chuyển trên đường Vũ Trọng Phụng hướng về Ngụy Như Kon Tum. Khi đến lối mở để quay đầu (đoạn số nhà 124 Vũ Trọng Phụng), do có ô tô màu đen ở phía trước đang đi chậm dần để quay đầu nên Lê lái xe chậm và gần như dừng hẳn.
Sau khi xe ô tô màu đen quay đầu xong, tài xế Lê không quan sát gương cầu bên phải và cũng không nghĩ có phương tiện giao thông khác vòng cắt qua đầu ô tô nên đạp ga tăng tốc lên khoảng 10km/h, tông trúng cháu M.
Do xe chở nặng nên sau va chạm tiếp tục đi 5m mới dừng lại khiến cháu M. bị xe chở rác kéo lê một đoạn. Cháu M. bị thương tích nặng, được chuyển sang Bệnh viện 198 rồi qua đời vào khoảng 18h cùng ngày.
Ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Hoàng Lê về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Trước khi phiên tòa diễn ra, anh Phan Thanh Tùng (bố của nạn nhân Phan Đình M.) có đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án.
Trong đơn, anh Tùng cho rằng ông Nguyễn Ngọc Phương (cán bộ BQLDA ĐTXD quận Thanh Xuân) – người được giao nhiệm vụ giám sát vận chuyển theo dõi để xác nhận, ký, đóng dấu Lệnh vận chuyển cho mỗi chuyến xe theo quy định không làm tròn trách nhiệm của mình.
Ông Nguyễn Tiến Trung (lao động hợp đồng của HTX Thành Công) – người ký giám sát lệnh điều động trái pháp luật, trái khung giờ theo quy định hiện hành của pháp luật. Anh Tùng cho rằng hành vi của 2 cá nhân trên là nguyên nhân gián tiếp khi để Lê lái xe đi thu gom rác ngoài giờ quy định gây nên vụ tai nạn chết người.
Theo bố cháu M., hành vi của ông Phương và ông Trung thỏa mãn dấu hiệu, cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc cơ quan điều tra không yêu cầu khởi tố bị can để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Phương và ông Trung là bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, gia đình cháu M. cũng đề nghị xem xét trách nhiệm người đứng đầu của ông Lê Hồng Thắng – Giám đốc BQLDA ĐTXD quận Thanh Xuân trong việc buông lỏng quản lý và quan liêu trong công tác điều hành.
Gia đình cháu M. đề nghị cần làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu HTX Thành Công là ông Phạm Thiện Lộc, trong việc các xe rác của HTX Thành Công vẫn liên tiếp vi phạm pháp luật chạy trong giờ cấm ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn cháu M. Điều này thể hiện sự thách thức và coi thường pháp luật của HTX Thành Công…