Xe của bạn 'biết' nhiều về bạn hơn bạn nghĩ

Hơn 90% xe mới hiện nay âm thầm thu thập dữ liệu người dùng, từ tốc độ lái xe đến hành trình, mở ra câu chuyện về quyền riêng tư và lợi nhuận dữ liệu.

Rất có thể, chiếc xe bạn đang sử dụng biết rõ về bạn hơn bạn tưởng. Nó có thể nắm được nơi bạn đã đi qua, tốc độ lái xe của bạn, cách bạn phanh, thậm chí cả hình ảnh khuôn mặt bạn nhờ vào các camera được lắp đặt bên trong.

 Hình ảnh một đoạn đường cao tốc đông đúc vào giờ cao điểm. Ảnh: Getty

Hình ảnh một đoạn đường cao tốc đông đúc vào giờ cao điểm. Ảnh: Getty

Hoạt động thu thập dữ liệu này đã diễn ra trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, các hãng xe đã bán dữ liệu thu thập được cho bên thứ ba, chẳng hạn như các công ty bảo hiểm. Những công ty này sử dụng dữ liệu về thói quen lái xe để tăng mức phí bảo hiểm cho một số khách hàng.

Dữ liệu này cũng từng được lực lượng thực thi pháp luật sử dụng. Một ví dụ nổi bật gần đây là vụ nổ chiếc xe Tesla Cybertruck bên ngoài khách sạn Trump International ở Las Vegas vào ngày đầu năm mới. Cảnh sát điều tra vụ việc đã cảm ơn Tesla vì đã nhanh chóng cung cấp dữ liệu liên quan đến nghi phạm, người sau đó được xác định đã tự sát trong xe.

“Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Elon Musk”, Cảnh sát trưởng Las Vegas Kevin McMahill chia sẻ tại một buổi họp báo, đồng thời cho biết CEO của Tesla đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, bao gồm cả video từ các trạm sạc Tesla, giúp lực lượng chức năng lần theo dấu vết của nghi phạm.

Lo ngại về quyền riêng tư

Dù lực lượng thực thi pháp luật đánh giá cao sự hỗ trợ từ các hãng xe trong việc cung cấp dữ liệu, nhiều ý kiến lo ngại rằng việc thu thập thông tin này có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có các giới hạn rõ ràng, nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư sẽ ngày càng gia tăng, trong khi các hãng xe có thể kiếm lợi từ kho thông tin khổng lồ mà họ đang nắm giữ.

Dữ liệu lái xe: Tiềm năng lợi nhuận lớn

Trong những năm gần đây, General Motors (GM) đã bán dữ liệu cho các công ty bên thứ ba, sau đó những công ty này tiếp tục bán lại thông tin cho các công ty bảo hiểm.

Sau khi một bài viết của The New York Times vào tháng 4 tiết lộ về hoạt động này và gây ra phản ứng dữ dội, GM tuyên bố đã ngừng bán dữ liệu và đóng chương trình mang tên “Smart Driver” (Lái xe thông minh) vốn được họ quảng bá là nhằm “khuyến khích hành vi lái xe an toàn vì lợi ích của khách hàng”. Tuy nhiên, hãng này thừa nhận đã ngừng chương trình do phản hồi từ khách hàng.

Tuy nhiên, hành động này không ngăn được một vụ kiện từ Tổng chưởng lý bang Texas vào tháng 8, trong đó GM bị cáo buộc đã bán dữ liệu từ hơn 14 triệu xe, bao gồm cả 1,8 triệu xe tại bang này. Vụ kiện hiện vẫn đang tiếp diễn.

Theo ông Sam Abuelsamid, nhà phân tích tại công ty truyền thông Telemetry, việc bán dữ liệu có thể vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Ông cho biết, hơn 90% xe mới hiện nay có khả năng gửi thông tin về cho nhà sản xuất, với thông báo cho người dùng thường được chôn sâu trong sách hướng dẫn hoặc các điều khoản mua bán.

“Về mặt kỹ thuật, họ đã có sự đồng ý”, Abuelsamid nhận xét. “Nhưng đây là điều mà mọi người nên biết rõ, nhưng phần lớn đều không nhận thức được”.

Lợi ích và sự kiểm soát dữ liệu

Ông David Choffnes, Giám đốc điều hành Viện An ninh mạng và Quyền riêng tư tại Đại học Northeastern, cho biết: “Có rất nhiều dịch vụ hữu ích đến từ việc kết nối xe hơi. Nhưng với tư cách là người tiêu dùng, bạn không được quyền chọn dữ liệu nào sẽ được gửi đi”.

Ngay cả khi người sở hữu xe nhận thức được việc dữ liệu đang được thu thập, phần lớn họ không nghĩ đến cách dữ liệu sẽ được sử dụng hay giá trị tài chính mà nó mang lại cho các hãng xe.

“Các hãng xe không thu thập dữ liệu chỉ để cho vui”, ông nói. “Cuối cùng thì điều này luôn liên quan đến lợi nhuận”.

Tranh cãi và những động thái pháp lý

Thượng nghị sĩ Ed Markey của bang Massachusetts từng viết thư yêu cầu các hãng xe giải trình về hoạt động thu thập dữ liệu. Các công ty đã bảo vệ thực tiễn này, cho rằng nó nhằm mục tiêu cải thiện sản phẩm và mang lại một thế giới an toàn hơn.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền riêng tư cho rằng cần có các quy định nghiêm ngặt hơn về cách thu thập và sử dụng dữ liệu, đặc biệt là về khái niệm “đồng ý” từ người dùng. Họ lo ngại rằng các điều khoản hiện tại có thể gây nhầm lẫn hoặc không minh bạch, khiến người dùng không nhận ra quyền kiểm soát của mình đối với thông tin cá nhân.

“Người dùng GM không nghĩ rằng dữ liệu của họ sẽ bị bán cho bên thứ ba và ảnh hưởng đến mức phí bảo hiểm của họ”. ông Choffnes nói. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có các quy tắc chặt chẽ hơn về hình thức đồng ý và khả năng cho phép người tiêu dùng lựa chọn dữ liệu nào được gửi đi.

An Nhiên (Theo The Blade)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xe-cua-ban-biet-nhieu-ve-ban-hon-ban-nghi-post331034.html