Xe dù, bến cóc vẫn lộng hành (*): Giải quyết từ gốc

Để không còn xe dù, bến cóc, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ và khả thi, phù hợp xu thế phát triển

Liên quan xử lý tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động trên địa bàn TP HCM, ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM - đã thông tin tới Báo Người Lao Động.

Siết xử lý và ứng dụng công nghệ

Ông Ngô Hải Đường cho biết văn bản chỉ đạo mới đây của UBND TP HCM phân định trách nhiệm cho từng đơn vị. Cụ thể như Công an TP kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm trên đường, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có thẩm quyền liên quan hoạt động tại các bến bãi, điểm đón trả khách. Riêng Sở GTVT có kế hoạch kiểm tra hằng năm đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, ngoài ra việc xử lý còn được Thanh tra sở phối hợp với nhiều lực lượng.

Sở cũng xây dựng phương án thí điểm ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ để phục vụ công tác quản lý vận tải và xử lý vi phạm trên địa bàn TP thông qua dữ liệu chia sẻ từ thiết bị giám sát hành trình.

Nhà xe Long Vân đón khách tùy tiện ở phường 26, quận Bình Thạnh Ảnh: ANH VŨ

Nhà xe Long Vân đón khách tùy tiện ở phường 26, quận Bình Thạnh Ảnh: ANH VŨ

Với hành khách, để tạo thuận lợi cho họ, sở tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan khảo sát vị trí để tổ chức điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định liên tỉnh.

Sở GTVT cũng đề nghị các đơn vị quản lý bến xe nghiên cứu chủ động triển khai phương án tiếp chuyển hành khách đi, đến các bến xe khách liên tỉnh. Trong đó, tổ chức bãi đệm đậu đỗ xe, xem xét miễn giá dịch vụ xe ra vào bến và giá dịch vụ đậu đỗ cho taxi, ô tô khách sử dụng hợp đồng điện tử đưa đón người tại bến theo thẩm quyền quy định. "Phương án tiếp chuyển này được Samco trình và đang được sở thẩm định trình UBND TP xem xét" - ông Ngô Hải Đường nói thêm.

Cần những giải pháp đồng bộ, khả thi

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, nhận xét quá trình phát triển nhanh chóng của TP HCM bên cạnh thuận lợi cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, hạ tầng giao thông đối mặt với tình trạng ùn tắc và quá tải, các bến bãi cũng như hoạt động đón trả khách chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, xe dù, bến cóc có lý do sinh sôi.

Công tác rà soát lại quy định bến bãi, điểm đón trả hành khách thực sự cần thiết với tình hình hiện nay. Chính quyền có thể tận dụng các bến bãi tư nhân, bởi khi hợp tác với doanh nghiệp tư nhân, việc kiểm soát và quản lý được chặt chẽ hơn, qua đó giảm thiểu tình trạng bến, bãi tự phát.

Bổ sung các biển cấm và hệ thống camera giám sát để phạt nguội là vô cùng cần thiết. Hệ thống camera giám sát tốt sẽ giúp ghi nhận lại hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xử lý hiệu quả, chấn chỉnh tình hình xảy ra như hiện nay.

Song song với đó, theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, sự phối hợp giữa CSGT cùng các lực lượng trong tuần tra, kiểm soát cũng như tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân là rất cần thiết.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, nhận định trước đây TP HCM cũng đã có nhiều biện pháp xử lý song đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn. Bây giờ có lợi thế là camera rất nhiều. Sử dụng camera để phạt nguội, phạt nghiêm ở những nơi thường xuyên tái diễn tình trạng đón trả khách vô tổ chức sẽ giúp chặn đứng vi phạm. Điều quan trọng là phân rõ ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc xử lý xe dù bến cóc để tránh "giẫm chân nhau".

Xe Đại Ngân ra vào liên tục tại địa điểm ở phường 6, quận 5 Ảnh: ANH VŨ

Xe Đại Ngân ra vào liên tục tại địa điểm ở phường 6, quận 5 Ảnh: ANH VŨ

Một giải pháp song song, theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, đó là phát triển xe buýt. Việc này cộng với tới đây metro đi vào hoạt động sẽ giúp người dân di chuyển thuận tiện từ nhà tới các bến xe. Những bến xe chính thức vì thế thu hút khách và đương nhiên xe dù, bến cóc không còn lý do nở rộ.

Chung quan điểm, PGS-TS Trương Văn Vỹ, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), nhìn nhận các bến xe cách xa nhau nên chưa tạo sự thuận tiện cho người dân và việc xây dựng bến hiện nay chưa hợp lý.

Cơ quan chức năng cần nhìn thẳng sự thật để mạnh dạn hơn trong lập trạm trung chuyển hoặc bố trí phương tiện trung chuyển miễn phí phục vụ người dân. Cơ quan chức năng cũng nên khảo sát những bến bãi tạm do tư nhân quản lý, từ đó cấp phép cho đúng quy chuẩn bến xe để quản lý theo cách "nhà nước và nhân dân cùng làm".

Xử lý nhiều vi phạm

Sở GTVT TP HCM đã xây dựng kế hoạch thanh tra 13 đơn vị vận tải và kiểm tra 4 đơn vị vận tải. Song song đó, có công văn gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố thanh, kiểm tra xử lý vi phạm các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc các tỉnh, thành phố quản lý nhưng có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn TP HCM.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, qua các cuộc thanh tra hoặc phối hợp kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm qua dữ liệu hình ảnh từ hệ thống camera giám sát giao thông theo thẩm quyền, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản 613 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 1,1 tỉ đồng. Trong đó, phạt trực tiếp 76 biên bản, còn lại xử phạt qua dữ liệu hình ảnh với 537 biên bản.

Về xử lý phương tiện vi phạm tốc độ, ông Ngô Hải Đường cho hay 6 tháng đầu năm 2024, Sở GTVT đã ban hành quyết định thu hồi 10.032 phù hiệu (biển hiệu) của phương tiện vi phạm…

Ý kiến các địa phương

Nhiều địa điểm trong TP HCM có hoạt động xe dù, bến cóc được Báo Người Lao Động phản ánh và chính quyền địa phương có ý kiến phản hồi.

Liên quan đến nhà xe Đại Ngân (tuyến TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre) ở bãi xe số 22 Nguyễn Văn Đừng, phường 6, quận 5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường 6, cho hay thời gian qua phường dùng nhiều biện pháp như thành lập các đoàn liên ngành văn hóa - xã hội để kiểm tra, xử lý… nhưng thực tế phường không thể ngày nào cũng có thể xuống. Phường đề xuất các biện pháp trong thẩm quyền, còn triệt để thì khó bởi giấy phép hoạt động của bãi xe là do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.

"Địa phương đã đề xuất rút giấy phép hoạt động của bãi xe và đang lấy ý kiến người dân về việc này" - ông Phạm Thái Nguyên nói và cho hay mong muốn là giải quyết được dứt điểm để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân.

Liên quan đến nhà xe Hảo (tuyến TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre) ở địa chỉ 26 Phó Cơ Điều, phường 12, quận 5, ông Trần Phương Nam, Chủ tịch UBND phường 12, cho hay chưa nắm được thông tin báo đăng và đề nghị phóng viên gửi công văn để trả lời.

Với xe khách Quang Danh (tuyến TP HCM - Đắk Lắk), địa chỉ 57 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, lãnh đạo UBND phường 4 khẳng định vị trí này không có đón trả khách sai quy định (?!).

Xe Quang Danh trên đường Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình Ảnh: ANH VŨ

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-6

THU HỒNG - ANH VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xe-du-ben-coc-van-long-hanh-giai-quyet-tu-goc-196240617220254969.htm