Xe hợp đồng trá hình 'tác oai tác quái' ở Đắk Lắk: Cơ quan chức năng nói gì?
Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk tỏ ra hết sức lo lắng trước thực trạng xe hợp đồng trá hình 'tác oai tác quái', bất chấp quy định, nhưng cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng cho rằng khó xử lý.
Xe hợp đồng trá hình "bóp chết" xe khách, xe buýt
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết: "Thực trạng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang rất "loạn". Xe hợp đồng "tác oai tác quái", khiến xe buýt, xe tuyến cố định, bến xe không sống nổi. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc quyết liệt, xử lý, ngăn chặn loại xe khách trá hình này. Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để bảo đảm quyền lợi của xe tuyến cố định, vừa quản lý được xe hợp đồng, vừa thu thuế được cho nhà nước".
Ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, tình trạng lập xe dù, bến cóc, đón trả khách không đúng nơi quy định luôn là vấn đề được ngành GTVT quan tâm hiện nay và trong thời gian tới. Tình trạng này đang tồn tại không chỉ trong tỉnh Đắk Lắk mà ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Bộ GTVT, Cục ĐBVN đã và đang tổ chức nhiều buổi hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp vận tải trong cả nước nhằm tìm ra giải pháp để giải quyết thực trạng này.
Để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, theo ông Du, Sở GTVT Đắk Lắk đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Chủ động phối hợp với lực lượng liên ngành kiểm tra các quy định liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi; mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý xe ô tô vận tải hành khách; kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng; thanh tra đột xuất các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải và qua thông tin phản ánh của báo chí,...
"Cùng với đó, Sở GTVT Đắk Lắk còn phối hợp với Sở GTVT các tỉnh khác để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải và xử lý hiện tượng "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng nhưng chạy như tuyến cố định, góp phần giữ nguyên kỷ cương trong lĩnh vực vận tải, lập lại trật tự giao thông và tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh bình đẳng trước pháp luật", ông Du thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Du, mặc dù trong thời gian qua, cùng với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, nhưng tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn diễn ra phức tạp.
Lý giải thực trạng trên, theo ông Du, một trong những nguyên nhân là do đa số người dân muốn thuận lợi cho riêng mình nên không vào bến xe hoặc đại lý bán vé để mua vé, mà điện thoại cho nhà xe đến đón tại nhà hoặc đón xe dọc đường. Nắm bắt được nhu cầu đó, một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải cạnh tranh nhau về tính cơ động, tiện lợi, phục vụ tận nơi.
Một nguyên nhân nữa là, hiện nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk rất mỏng, phương tiện thiếu, không có xe mô tô chuyên dụng, hằng ngày chỉ có 01 xe ô tô chuyên dụng để làm nhiệm vụ xử lý các vi phạm về trật tự vận tải, xe quá khổ quá tải,… trong thành phố Buôn Ma Thuột. Trong khi đó, địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột rộng, xe Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk ở chỗ này thì vi phạm xảy ra ở chỗ khác và vi phạm xảy ra trong vòng vài chục giây nên khó phát hiện, xử lý.
"Thêm khó khăn khác, là xung quanh khu vực các xe hợp đồng trá hình dừng, đỗ thường bắt khách được các lái xe, nhà xe bố trí người cảnh báo, khi thấy xe của lực lượng chức năng những người này sẽ cảnh báo để các lái xe bỏ chạy. Trong khi đó, thẩm quyền của Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk còn hạn chế, chỉ được dừng xe khi "bắt quả tang" xe đang đón, trả khách sai quy định", ông Du nói.
Nói về công tác xử lý các hành vi vi phạm của xe khách trên địa bàn, Trung tá Ngô Hoài Nam, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, lực lượng chỉ bố trí chốt một số điểm, các nhà xe chạy tốc độ cao, lấn làn đường đều né các điểm chốt. Các cán bộ CSGT chỉ được bắn tốc độ ở các điểm mốc cho phép. Việc kiểm tra camera hành trình của các nhà xe thì của Sở GTVT quản lý, CSGT chỉ giám sát quá trình lưu thông trên đường bộ, phát hiện nhà xe vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Trong 6 tháng đầu năm, Phòng CSGT, Công an Tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý 158 trường hợp xe khách vi phạm.