Xe máy không có những bộ phận nào sẽ bị phạt?

Theo dự thảo của Bộ Công an, người lái xe máy sẽ bị xử phạt nếu không có các bộ phận sau.

Có thể bị phạt đến 3.000.000 đồng

Bộ Công an đang lấy ý kiến đến hết 1/10/2024 về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Điều 15 dự thảo quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (xe máy) các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo đó, người lái xe máy bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.

Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng.

Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe.

Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn.

Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe không có chứng nhận đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Chứng nhận đăng ký xe đã hết hạn sử dụng.

Sử dụng chứng nhận đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng chứng nhận đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

Thực hiện hành vi trái quy định bị tịch thu còi.

Thực hiện hành trái quy định bị tịch thu Chứng nhận đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa.

Thực hiện hành vi trái quy định trong trường hợp không có chứng nhận đăng ký xe hoặc sử dụng chứng nhận đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe máy có một số hành vi trên bị trừ điểm giấy phép lái xe 2 điểm.

Bộ GTVT đề xuất quy định mới về giới hạn tốc độ tối đa cho phép của xe cơ giới

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Sau khi Dự thảo được ban hành sẽ thay thế Thông tư 31/2019 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ.

Đồng thời sẽ có những hướng dẫn phù hợp với Luật Đường bộ 2024 và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Theo đề xuất của Dự thảo Thông tư này, "Tốc độ tối đa cho phép" có trị số cao hơn hoặc thấp hơn so với trị số tốc độ quy định khi không có biển sẽ phụ thuộc vào điều kiện từng tuyến đường.

Dự thảo cũng đề xuất tốc độ tối đa cho phép cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc, đường bộ trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác) như sau:

Tốc độ tối đa trên các tuyến đường qua khu vực đông dân cư

Tốc độ tối đa trên các tuyến đường qua khu vực đông dân cư

Đối với tốc độ tối đa ngoài khu vực đông dân cư, Dự thảo thông tư đã đề xuất cho phép xe cơ giới tham gia giao thông (trừ đường cao tốc) như sau:

Tốc độ tối đa trên các tuyến đường ngoài khu vực đông dân cư

Tốc độ tối đa trên các tuyến đường ngoài khu vực đông dân cư

Mức đề xuất về tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư hoặc ngoài khu vực đông dân cư không có sự thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư 31/2019.

Tuy nhiên, Dự thảo bổ sung quy định về trường hợp đường trong khu vực đông dân cư có điều kiện thuận lợi để bảo đảm an toàn giao thông (như đường trên cao không có nút giao bằng với đường bộ khác, đường trong đô thị được phân cách với đường bên bằng dải phân cách cứng), người quản lý sử dụng đường bộ sau khi tổ chức đánh giá, nếu bảo đảm an toàn được báo cáo cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa lớn hơn giới hạn tốc độ tối đa nêu trên.

Tương tự với đề xuất về tốc độ giới hạn trong khu dân cư thì đối với khu vực ngoài dân cư cũng đã đề xuất thêm quy định: Trường hợp đường bộ đang khai thác nằm ngoài khu vực đông dân cư và thuộc các đoạn đường cấp V, cấp VI theo cấp thiết kế, hoặc các tuyến đường, đoạn đường có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất ATGT (tổng bề rộng mặt đường phần xe chạy theo mỗi chiều đường từ 3,5m trở xuống, bán kính đường cong nhỏ, các đường cong liên tiếp, độ dốc dọc lớn, tầm nhìn hạn chế, hoặc các trường hợp bất lợi khác), người quản lý, sử dụng đường bộ tổ chức đánh giá, báo cáo cơ quan quản lý đường bộ quyết định tốc độ tối đa cho phép nhỏ hơn giới hạn cho phép và thực hiện đặt báo hiệu tốc độ tối đa cho phép.

Thực tế cho thấy trong những năm thực hiện các quy định tại thông tư 31/ 2019, cũng đã phát sinh một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm quy định rõ hơn, phù hợp với thực tiễn, như quy định về rà soát hiện trường, để đặt biển "Tốc độ tối đa cho phép" có trị số cao hơn hoặc thấp hơn so với trị số tốc độ quy định khi không có biển, nếu điều kiện hạ tầng kỹ thuật thuận lợi hơn hoặc bất lợi.

Hiện nay đối với loại hình đường trên cao đi qua khu vực đông dân cư không có nút giao hay đường được phân cách với đường bên bằng dải phân cách cứng đang phổ biến ở một số đô thị. Các loại đường này thuận lợi trong bảo đảm ATGT có thể khai thác tốc độ cao hơn so với các loại đường khác trong khu vực đông dân cư.Việc nâng tốc độ tối đa cao hơn giới hạn quy định đối với các phương tiện lưu thông trong khu vực đông dân cư tại các tuyến đường trên nhằm nâng cao khả năng và công năng sử dụng trên tuyến đường, rút ngắn thời gian lưu thông, nâng cao năng lực thông hành, giảm chi phí vận tải, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngược lại, ngoài khu vực đông dân cư, có một số tuyến đường, đoạn đường cần thiết phải giảm tốc độ để bảo đảm ATGT như đường cấp V, cấp VI, hoặc các tuyến đường có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất ATGT.

Việc giảm tốc độ di chuyển thấp hơn giới hạn quy định các phương tiện lưu thông ngoài khu vực đông dân cư đối với tuyến đường nêu trên nhằm bảo đảm ATGT, hạn chế rủi ro cho người và phương tiện khi lưu thông, giảm tai nạn giao thông qua các đoạn đường có điều kiện bất lợi.

Hải Hòa (T/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xe-may-khong-co-nhung-bo-phan-nao-se-bi-phat-204240904111528159.htm