Xe máy phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải thế nào mới được lưu hành?
Việc xây dựng lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành nhằm mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
4 mức khí thải áp dụng với xe máy
Dự thảo Quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe môtô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến bộ ngành.
Theo dự thảo, từ 1/1/2027 sẽ áp dụng đối với xe máy ở Hà Nội và TPHCM. Từ ngày 1/1/2028 quy chuẩn sẽ áp dụng cho Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế. Các tỉnh, thành còn lại áp dụng từ 1/1/2030. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.

Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải, đủ tiêu chuẩn mới được lưu thông.
Về định mức, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, đối với xe môtô sản xuất trước năm 2008 áp dụng mức một (mức thấp nhất trong quy chuẩn). Xe sản xuất 2008-2016 áp dụng mức hai. Mức ba áp dụng với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026. Mức bốn áp dụng cho các xe sản xuất sau 1/7/2026.
Với xe gắn máy, mức một áp dụng với xe sản xuất trước năm 2016; mức hai với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2027. Xe sản xuất 1/7/2027 áp dụng mức bốn.
Riêng Hà Nội, xe môtô, xe gắn máy đi vào vùng phát thải thấp sẽ theo quy định của Luật Thủ đô, nghị quyết của HĐND thành phố. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất từ ngày 1/1/2032 xe môtô, xe gắn máy lưu hành ở Hà Nội và TP HCM phải đáp ứng quy định về khí thải mức hai trở lên.
Tại Việt Nam, việc kiểm soát khí thải xe máy được quy định thông qua các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) do Bộ Giao thông Vận tải ban hành. Các quy chuẩn này đặt ra giới hạn về nồng độ các chất gây ô nhiễm như CO (carbon monoxide), HC (hydrocarbon), NOx (oxit nitơ) và các yêu cầu về thử nghiệm khí thải cho xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành.
Trong dự thảo thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe môtô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến sẽ có hai thông số mới là Cacbon Monoxit (CO) và Hydrocacbon (HC).
Thông số CO sẽ được tính theo tỷ lệ % thể tích và được chia làm bốn mức, trong đó mức một và hai là 4,5; mức ba là 3,5 và mức 4 là 2.
Thông số HC được đo theo ppm thể tích (một ppm tương đương một g/kg). Đối với động cơ 4 kỳ, mức một tương đương 1.500, mức hai là 1.200, mức ba là 1.100, mức 4 là 1.000. Đối với động cơ hai kỳ, mức một là 10.000, mức hai là 7.800, mức ba và 4 cùng 7.000.
Ví dụ xe máy Honda Wave 110 mới, nhà sản xuất công bố đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO 3 tương đương với thông số thải tối đa CO 2,3 g/km, HC là 0,2 g/km.
Kết quả nghiên cứu khoa học của một số chuyên gia môi trường tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỉ lệ ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải dao động trong khoảng từ 40% đến 60% (giai đoạn 2022-2025).
Chất ô nhiễm không khí quan trọng cần tập trung kiểm soát là Cacbon monoxit (CO) và các hydrocacbon (HC). Một số HC như benzen, toluen, xylen… có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thậm chí gây ra rủi ro ung thư (benzen). Ngoài ra HC còn là tiền chất đóng góp vào sự hình thành O3 và bụi mịn. Việc kiểm soát phát thải trong giao thông bao gồm việc kiểm soát dựa vào tiêu chuẩn/quy chuẩn xả thải hay kiểm soát dựa vào tiêu chuẩn/quy chuẩn chất lượng nhiên liệu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc xây dựng lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành nhằm mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện chất lượng môi trường sống.
Đồng thời, lộ trình này tạo cơ sở pháp lý để từng bước loại bỏ phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải, thúc đẩy việc chuyển đổi sang phương tiện sạch, thân thiện với môi trường. Việc áp dụng lộ trình cũng nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ phát triển giao thông đô thị bền vững, hiện đại theo định hướng chiến lược quốc gia. Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm tiến tới xây dựng hệ thống giao thông bền vững và phát triển đô thị xanh trong tương lai.
Phương tiện giao thông là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí
Dự thảo đưa ra quan điểm cần thực hiện lộ trình một cách thận trọng, khả thi, có phân kỳ phù hợp. Đồng thời, cần tính toán đầy đủ tác động kinh tế - xã hội, tránh gây xáo trộn lớn cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp phụ thuộc vào xe mô tô, xe gắn máy.
Ưu tiên áp dụng trước tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nghiên cứu triển khai thí điểm tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM trước khi nhân rộng ra toàn quốc, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông và chính sách ưu đãi.
Cũng tại báo cáo, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.
Tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc có tính quy luật về mặt thời gian ("mùa" ô nhiễm không khí, mang tính thời điểm trong ngày) và có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian tại các thành phố, đô thị lớn như thành phố Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội trong 3 tháng cuối năm 2024 và tháng 1 năm 2025 có nhiều ngày trong một số thời điểm đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí(AQI) ở mức "rất xấu", gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí đã ở mức kém và xấu, giá trị PM2.5 đã vượt QCVN, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm. Như vậy, có thể nhận định vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.
Thực trạng ô nhiễm không khí kéo dài, đặc biệt là vào "mùa" ô nhiễm không khí diễn ra các năm trở lại đây đã gây tác động không nhỏ đến kinh tế xã hội.
Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành. Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải giao động trong khoảng từ 20% đến 60%.
Từ năm 2009-2023, số phương tiện cá nhân tăng trung bình mỗi năm 10-15%. Đến tháng 12/2023, cả nước có trên 74,3 triệu xe môtô. Những năm gần đây, lượng xe môtô đăng ký mới lớn, đơn cử năm 2022 hơn 3,5 triệu, 6 tháng đầu năm 2024 là 1,4 triệu. Việt Nam hiện chỉ có quy chuẩn khí thải và thực hiện kiểm định khí thải đối với ôtô; xe môtô, xe gắn máy chưa có.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến năm 2028 cả nước cần khoảng 5.000 tổ chức, cơ sở hoạt động kiểm tra, kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy mới có thể đảm bảo việc đo kiểm khoảng 70 triệu xe hiện có.