Xẻ núi việc, khơi mạch nguồn công vụ (*): Khẳng định vị thế đô thị lớn
Mang đặc điểm năng động, sáng tạo, TP HCM với đội ngũ cán bộ đang dần bảo đảm số lượng và chất lượng được tin tưởng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết từ ngày 10-6 Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Tối ưu bộ máy
Trên cơ sở các quy định tại Nghị định 33, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường áp dụng cho TP HCM. Dự thảo Nghị định bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (NQ98).
Về chi tiết nội dung dự thảo, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện, xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan và gửi lấy ý kiến UBND TP HCM trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Về thời gian, phấn đấu trong tháng 9-2023 hoàn thiện, trình Chính phủ.
"Hiện nay còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, chúng tôi đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Tinh thần là phối hợp, hỗ trợ TP HCM tối đa trong thực hiện những nội dung NQ98 về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức để chính sách sớm thực thi" - lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương thông tin.
Nhấn mạnh có cơ chế, có chính sách, có nguồn lực, có cơ hội nhưng thành công hay không phải do con người thực hiện, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, khẳng định vấn đề con người, vấn đề cán bộ luôn mang tính then chốt.
"Ngay trong NQ98, TP HCM được trao những cơ chế, chính sách đặc thù về con người, về tổ chức bộ máy, có cơ chế chi trả tiền lương... Do đó, thành phố phải đặt vấn đề về cán bộ, con người là cốt lõi" - ĐBQH Hoàng Văn Cường nói. Theo ông, nếu câu chuyện trên được làm tốt, bộ máy vận hành hiệu quả thì cơ chế, chính sách sẽ sớm đi vào cuộc sống. Từ đó, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm được khơi dậy, là động lực cho TP HCM bứt phá.
Nhiều kỳ vọng, tin tưởng
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, nhận xét cử tri và nhân dân đang kỳ vọng những chuyển động mạnh mẽ của TP HCM mà "bệ phóng" chính là cơ chế, chính sách đặc thù về phân cấp, phân quyền, về tổ chức bộ máy.
Việc xây dựng dự thảo nghị định trên cơ sở Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ về phân công cho các bộ, cơ quan trong triển khai thực hiện NQ98.
Bà Nga dẫn chứng một số nội dung nổi bật và cho rằng TP HCM có đặc thù riêng, mật độ dân số cao nên để bảo đảm hiệu quả quản lý thì việc tăng số lượng cấp phó là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, NQ98 đã trao quyền cho HĐND TP HCM căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn để quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại những nơi này bảo đảm bộ máy tinh gọn. "Để chính sách sớm thành hiện thực, tại Quyết định 896, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP HCM trình HĐND thành phố xem xét, quyết định ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn. Được biết, TP HCM đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ quan trọng này để sớm bổ sung đội ngũ cán bộ cho bộ máy của thành phố cũng như TP Thủ Đức" - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nói với phóng viên Báo Người Lao Động.
Phát huy sức mạnh toàn bộ máy
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cũng nhấn mạnh các cơ chế, chính sách lớn đã được QH cho phép TP HCM thí điểm tại NQ98, việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đó cần được các bộ, ngành, TP HCM sớm triển khai trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, cần tập trung lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Ngoài ra, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để các cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến cho cơ quan, đơn vị, từ đó phát huy sức mạnh của toàn bộ máy thành phố. Cùng với đó, có cơ chế bảo vệ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Khẳng định TP HCM là một đô thị được biết đến nhiều với sự năng động, sáng tạo, ông Nguyễn Trọng Phúc tin tưởng với những cơ chế đặc thù về con người, TP HCM sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế của mình, là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước.
NQ98 có nhiều điểm mới so với Nghị quyết 54/2017 của QH. Trong đó, đã phân cấp mạnh hơn và trao quyền lớn hơn cho TP HCM.
Nhiều kỳ vọng được đặt ra khi TP HCM được thực hiện chính sách vượt trội, thí điểm những vấn đề pháp luật chưa quy định nhưng đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Đặc biệt, nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy chính quyền của TP HCM, TP Thủ Đức sẽ giúp TP HCM tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn hiện nay, từ đó tận dụng các tiềm lực, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế chiến lược.
Những việc trên đều hướng tới thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững, khẳng định vị thế vốn có của động lực tăng trưởng chính của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-9
10 nhiệm vụ quan trọng
Trong tham luận phục vụ Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của QH khóa XV diễn ra ngày 6-9, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết triển khai nội dung tổ chức bộ máy chính quyền trong NQ98, TP HCM có 10 nhiệm vụ.
Thứ nhất, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí bổ sung đối tượng được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thứ hai, thành lập Sở An toàn thực phẩm. Thứ ba, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn. Thứ tư, lập kế hoạch bổ sung phó chủ tịch HĐND, UBND TP Thủ Đức, 3 huyện và phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Thứ năm, quyết định ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP HCM thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn.
Thứ sáu, quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Thứ bảy, bổ sung biên chế cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện.
Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường; ban hành quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong nội khu; ban hành quy chế tự chủ tài chính của Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố - là 3 nhiệm vụ tiếp theo.