'Xé rào cản' phát triển kinh tế tư nhân - Kỳ 1: 'Cú hích' đổi mới

Trải qua chặng đường gần 40 năm đổi mới, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kém hiệu quả, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, dự kiến cuối năm 2025 sẽ bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Từ kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế cho thấy, kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, gỡ bỏ 'rào cản', tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đang có trên 18 nghìn nhân viên.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đang có trên 18 nghìn nhân viên.

Cùng với trên 90 nghìn doanh nghiệp (DN) tư nhân trong cả nước, các DN tư nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang có những đóng góp quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Những năm gần đây, thực hiện quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) của Đảng, Nhà nước, với sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, các DN tư nhân tại Thái Nguyên đã vươn mình cùng sự phát triển của tỉnh và đất nước.

Thống nhất trong nhận thức

Xác định rõ KTTN có vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn về số lượng và tạo nhiều việc làm cho người lao động nên thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã bám sát chỉ đạo của Trung ương để ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện mục tiêu dài hơi thúc đẩy khu vực KTTN phát triển bền vững.

Cụ thể, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 4/10/2017; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 12/5/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương Thái Nguyên phối hợp với Shopee Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Sở Công Thương Thái Nguyên phối hợp với Shopee Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 27/9/2022 về phát triển DN công nghệ số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 700 DN CĐS…

Cụ thể hóa bằng hành động

Để cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, đề án của tỉnh, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN phát triển. Trong đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hàng chục cuộc tập huấn cho các DN, hợp tác xã (HTX) về kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh livestream... Đồng thời, tích cực hỗ trợ các DN kết nối sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và ứng dụng CĐS trong xúc tiến thương mại. Qua đó hỗ trợ đắc lực cho các DN mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đơn cử như các sản phẩm của Công ty CP Chè Hà Thái ở xã Hà Thượng (Đại Từ) đã được quảng bá, xúc tiến qua nhiều kênh bán hàng trực tuyến. Nhờ đó không chỉ các bạn hàng trong nước mà cả ở nước ngoài đã biết đến sản phẩm của Công ty. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái, cho biết: Mỗi năm, Công ty tiêu thụ khoảng 600 tấn chè tại hơn 40 đại lý cấp I, các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Srilanka…

Phối hợp với Sở Công Thương Thái Nguyên trong nhiều hoạt động hỗ trợ DN đẩy mạnh CĐS, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đánh giá: Thông qua các chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho DN tại Thái Nguyên đã hỗ trợ các DN ứng dụng rộng rãi CĐS trong xúc tiến thương mại, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong xúc tiến thương mại.

Với vai trò là cơ quan thường trực trong công cuộc CĐS của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với Công ty CP MISA tổ chức 4 cuộc hội thảo về giải pháp CĐS trong DN, HTX, hộ kinh doanh và 47 khóa, lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số thông qua các hội nghị trực tuyến và trực tiếp, với 1.728 DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 546 DN, HTX, hộ kinh doanh trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số, phần mềm ứng dụng, như: Nền tảng quản trị DN hợp nhất; phần mềm kế toán DN nhỏ và vừa; phần mềm hóa đơn điện tử; dịch vụ chữ ký số; phần mềm quản lý nhà hàng, cửa hiệu, với hơn 4.100 lượt cài đặt bản quyền phần mềm... Các khóa đào tạo, chương trình tập huấn đều được triển khai thực hiện miễn phí.

Những con số biết nói

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương, KTTN trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển ngoạn mục. Cụ thể, nếu như ở thời điểm 31/12/2020, toàn tỉnh có 7.687 DN đang hoạt động thì 4 năm qua, số DN đăng ký thành lập mới là 3.996 DN, vượt mục tiêu được tỉnh đề ra là mỗi năm phát triển trung bình 800 DN. Đến hết năm 2024, tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh là 10.764 DN, với tổng số vốn đăng ký là 153.990 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 230.500 lao động đang làm việc tại các DN, trong đó số lượng lao động tại các DN lớn chiếm tỷ lệ chủ yếu (trên 78%). Cùng với đó, mức đóng góp vào ngân sách tỉnh của các DN nhỏ và vừa tăng bình quân 10-12%/năm. Những đóng góp của cộng đồng DN đã giúp kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, khẳng định vị thế trung tâm vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trong số các DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là doanh nhân Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Từ 2 dây chuyền may đồ bảo hộ lao động những năm 1980, đến nay, ông đã điều hành đưa Công ty phát triển lên tầm cỡ quốc gia, với 20 chi nhánh, trên 18.000 nhân viên. Nhiều năm liền TNG nằm trong tốp 100 DN phát triển bền vững, tốp các đơn vị đạt giải thưởng CĐS Việt Nam… Hàng năm, doanh thu, lợi nhuận của TNG tăng bình quân trên 25%.

Những năm qua, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện An Khánh đã lãnh đạo Công ty và các công ty thành viên, công ty liên kết đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh với công suất 120MW; triển khai các dự án lớn về khoáng sản, dự án các tòa nhà trung tâm tài chính thương mại, với tổng số vốn đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên là trên 20 nghìn tỷ đồng. Đây là DN tư nhân đầu tiên trong cả nước hoàn thành dự án nhiệt điện công suất lớn, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tin tưởng, tiếp tục giao làm chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện An Khánh Bắc Giang với công suất 650MW, số vốn đầu tư 24 nghìn tỷ đồng.

Được mệnh danh là "người phụ nữ thép”, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thái Hưng luôn năng động trong triển khai nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty. Thái Hưng nằm trong tốp 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2024. Theo bảng xếp hạng VNR500 năm 2024, Thái Hưng đã tăng 14 bậc so với năm 2023, xếp thứ 79. Trên bảng xếp hạng DN tư nhân lớn nhất Việt Nam, năm 2024 Thái Hưng tăng 3 bậc so với năm 2023, xếp thứ 36. Việc tăng thứ hạng liên tiếp trong nhiều năm liền của Thái Hưng tiếp tục khẳng định năng lực nội tại vững mạnh, tính đúng đắn trong định hướng chiến lược và những giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của Công ty, cùng sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên trong DN…

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội - Khu dân cư Đại Thắng thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội - Khu dân cư Đại Thắng thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh, các DN tư nhân trên địa bàn tỉnh còn nỗ lực thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. 2 năm gần đây, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để hưởng ứng Tuần cao điểm Tết vì người nghèo; ủng hộ xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương trong tỉnh…

(Còn nữa)

Nhóm P.V Kinh tế

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/xe-rao-can-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-ky-1-cu-hich-doi-moi-cbf133e/