Xe siêu trường, siêu trọng gặp khó về giấy phép

Nhiều xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không thể lưu thông do gặp nhiều vướng mắc trong việc cấp giấy phép lưu hành xe. Một số đơn vị lo ngại, điều này có thể làm chậm tiến độ xây dựng những công trình trọng điểm.

Nguy cơ bị ảnh hưởng dự án trọng điểm

Thời gian gần đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) và một số doanh nghiệp vận tải hàng siêu trường, siêu trọng (STST) đã khiếu nại về những khó khăn, vướng mắc trong quy trình cấp giấy phép lưu hành xe (GPLHX) cho xe vận chuyển hàng STST.

Xe chở hàng siêu trường, siêu trọng vận chuyển dầm cầu

Xe chở hàng siêu trường, siêu trọng vận chuyển dầm cầu

Nhiều Sở Xây dựng tại các địa phương và Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) từ chối cấp GPLHX cho xe chở hàng STST dù hồ sơ đủ điều kiện, khiến hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ, tiến độ các dự án lớn có nguy cơ bị ảnh hưởng.

“Sau khi sáp nhập các Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Sở Xây dựng trên toàn quốc, một số lãnh đạo của Sở Xây dựng mới không dám ký GPLHX cho xe chở hàng STST vì không có chuyên môn về lĩnh vực này”, đại diện VATA cho biết.

Doanh nghiệp phản ánh, hầu hết Sở Xây dựng và Khu QLĐB không đồng ý cấp GPLHX nếu xe chở hàng STST đi vào đường cao tốc hoặc đường khó lưu thông. Trong khi đó, cao tốc là tuyến đường chính để vận chuyển hàng STST, và không thể tránh hoàn toàn việc đi vào những tuyến đường khó lưu thông.

Một số Khu QLĐB và Sở Xây dựng yêu cầu thêm nhiều thủ tục để cấp GPLHX. Ví dụ, doanh nghiệp được yêu cầu phải chứng minh chi tiết về kỹ thuật của thiết bị vận chuyển hàng STST dù đã có giấy kiểm định từ đơn vị có thẩm quyền.

“Nhiều xe chở hàng STST phải nằm bãi do không đủ điều kiện lưu thông, khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Nhiều lao động trong ngành phải nghỉ việc, lâm vào cảnh thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang bị thiệt hại cả về kinh tế lẫn nhân lực”, đại diện một doanh nghiệp vận tải hàng STST chia sẻ.

Việc đình trệ trong vận chuyển hàng STST có thể ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng của những công trình trọng điểm của quốc gia hoặc địa phương, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp, xã hội và nhà nước. Bởi nhiều nguyên, vật liệu thiết yếu của những công trình trên thuộc loại hàng STST như dầm cầu, trụ cầu, tháp cầu dây văng, cọc ống thép, ống cống bê tông lớn…

Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Khu QLĐB, Sở Xây dựng tăng cường bố trí cán bộ, công chức đủ năng lực tiếp nhận và giải quyết thủ tục cấp GPLHX theo quy định, đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải của doanh nghiệp và người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Đề xuất gỡ vướng

Để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải hàng STST, VATA đề nghị Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam sớm triển khai một số giải pháp kịp thời như sớm điều chỉnh các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, vượt quá thẩm quyền của cơ quan và khả năng hoàn thiện thủ tục của doanh nghiệp.

Hiệp hội đề xuất Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam sớm tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cho các Sở Xây dựng, Khu QLĐB để cán bộ không còn ngại cấp GPLHX vì thiếu chuyên môn. Nếu chưa thể tổ chức tập huấn, có thể giao việc cấp GPLHX cho cán bộ là người của Sở GTVT cũ có chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực.

“Chúng tôi cũng mong Bộ Xây dựng sẽ sớm sửa đổi Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT để tăng thẩm quyền của Cục Đường bộ Việt Nam trong việc cấp GPLHX cho xe chở hàng STST. Cục Đường bộ Việt Nam chỉ được cấp GPLHX trong các trường hợp đặc biệt như phục vụ an ninh, quốc phòng; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai…”, đại diện VATA cho biết.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã tiếp nhận các khiếu nại của VATA và các doanh nghiệp vận chuyển hàng STST.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch làm việc với Bộ Tư pháp để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định cần thiết nhằm gỡ khó cho xe chở hàng STST. Chúng tôi sẽ có văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

VIỆT KHÔI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xe-sieu-truong-sieu-trong-gap-kho-ve-giay-phep-post1732914.tpo