Bạn có thấy chiếc xe tăng bốc cháy này trông quen không? Vâng, đó chính là xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams đã trở nên nổi tiếng từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Nhưng thật không may, hơn ba mươi năm sau, nó đã bị người Nga phá hủy trên chiến trường Ukraine ngay trong trận đánh đầu tiên.
Theo trang Bulgarian Military xác nhận vào ngày 26/2, Trung đội trinh sát trên không (UAV) "Kỵ binh ánh sáng đen" của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 15 thuộc Quân khu trung tâm của Quân đội Nga đã sử dụng UAV trinh sát Orlan-10 phát hiệt ra chiếc xe tăng M1A1 Abrams của Ukraine.
Sau khi phát hiện chiếc tăng M1A1, ngay lập tức trung đột "Kỵ binh ánh sáng đen" đã sử dụng UAV tự sát Lancet để tiêu diệt chiếc xe tăng M1A1. Đây cũng là lần đầu tiên, loại xe tăng này bị tiêu diệt trên chiến trường Ukraine; nhưng điều đáng buồn là nó cũng bị tiêu diệt ở trận đánh đầu tiên.
Hai ngày trước khi chiếc xe tăng M1A1 bị tiêu diệt, Quân đội Ukraine đã triển khai 4 xe tăng Abrams tới mặt trận Avdiivka, với nhiệm vụ chi viện để giữ vững tuyến phòng ngự mới. Để đảm bảo “màn ra mắt” xe tăng M1A1 trên chiến trường thành công, phía Ukraine đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm cả nơi được phép xuất hiện và thiết kế cẩn thận đường rút lui.
Chỉ huy Trung đội trinh sát "Kỵ binh ánh sáng đen" có biệt danh "Kolovrat" thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 15 của Nga đang chiến đấu trên hướng Avdiivka cho biết, họ đã theo dõi xe tăng Abrams của Quân đội Ukraine từ lâu nhưng chưa tìm thấy.
Tuy nhiên khi xe tăng M1A1 của Ukraine xuất hiện trên chiến trường, nhờ trinh sát bằng UAV liên tục, họ đã phát hiện được ngay và đó là cơ hội thích hợp để tấn công và họ đã thành công ngay trong đòn đánh đầu tiên. Chiếc M1A1 xuất phát từ làng Berdychi và phản công theo hướng Stepove, khi bị tiêu diệt chỉ còn cách vị trí của Nga 1,5 km.
Vào tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã chuyển giao 31 xe tăng Abrams cho Ukraine, những xe tăng này được tùy chỉnh đặc biệt và trang bị các gói áo giáp được thiết kế đặc biệt để xuất khẩu. M1A1 SA ra đời từ năm 2006, nhằm cải thiện khả năng nhận thức tình huống chiến trường cho các xe M1A1.
Điều đáng chú ý là mặc dù phiên bản M1A1 SA của Ukraine và M1A1 FEP của Ba Lan giống nhau ở khía cạnh này, nhưng có sự khác biệt đáng kể về cấu hình của xe tăng. M1A1 SA của Ukraine giống phiên bản xe tăng của Quân đội Mỹ khi được trang bị súng phóng lựu khói 6 nòng M250.
Tuy nhiên phiên bản M1A1 SA của Ukraine đã được khắc phục điểm yếu ở hệ thống kính ngắm bằng cách bổ sung Trạm ổn định kính ngắm cho trưởng xe (SCWS) do hãng Merrill Technologies chế tạo. Vì vậy, so với các phiên bản khác, phiên bản M1A1 SA viện trợ cho Ukraine, có thể coi là phiên bản thấp hơn.
Để nâng cao khả năng bảo vệ của xe tăng M1A1 mà Mỹ chuyển giao, Quân đội Ukraine còn trang bị thêm lớp giáp phụ bên hông cho những chiếc xe tăng Mỹ của họ. Tuy nhiên, đáng tiếc là những chiếc xe tăng này không được trang bị lưới chống máy bay UAV tự sát, tiềm ẩn nguy cơ bị phá hủy sau này.
Theo thông tin được hãng tin CNN/Mỹ đăng tải, 31 chiếc xe tăng M1A1 này (tương đương 1 tiểu đoàn tăng), đều được biên chế trong Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47 của Ukraine. Lữ đoàn này còn được trang bị thêm 6 xe quét mìn và phá chướng ngại vật M1150 sử dụng chung khung gầm với xe tăng M1A1.
Tuy nhiên, do lo ngại của Mỹ, những chiếc xe tăng tiên tiến này đã không được phép tham chiến trong một thời gian dài. Mỹ lo ngại việc những chiếc xe tăng này bị tổn thất trên chiến trường sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của vũ khí Mỹ. Đồng thời lo ngại việc Nga thu giữ những chiếc xe tăng này có thể dẫn đến rò rỉ kỹ thuật.
Trong những tuần qua, chiến trường diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho phía Ukraine. Trong bối cảnh như vậy, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine phải đối mặt với áp lực rất lớn và họ buộc phải quyết định đưa những chiếc xe tăng M1A1 vào chiến đấu ở mặt trận Avdiivka.
Trước đó, loại xe công binh quét mìn M1150 sử dụng chung khung gầm với xe tăng M1A1 cũng được Quân đội Ukraine đưa vào chiến đấu ở chiến trường Avdiivka. Nhưng điều đáng tiếc là một chiếc M1150 đã bị phá hủy trước xe tăng Abrams.
Kết quả của lần đầu tiên xe tăng M1A1 Abrams tham chiến không hề lý tưởng, giống như Challenger 2 của Anh hay Leopard 2 của Đức và các xe tăng khác, được xếp vào những xe tăng “hàng đầu thế giới”, nhưng đều bị quân Nga tiêu diệt ngay trong trận đầu ra quân.
Thực tế này một lần nữa nhắc nhở, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hai năm, chúng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, bất kỳ hệ thống vũ khí nào chắc chắn cũng có những hạn chế nhất định. Cho dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, thì hiệu quả của các hệ thống này trong chiến đấu thực tế luôn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Từ thực tiễn trên giúp chúng ta hiểu đúng về việc phát triển và ứng dụng vũ khí, trang bị cần có thái độ hợp lý, thực dụng hơn, từ bỏ quan niệm tôn sùng vũ khí một cách mù quáng và coi chúng như công cụ có thể thay đổi cán cân của chiến trường.
Bất kỳ hành động phóng đại quá mức nào về hiệu suất của vũ khí đều là vô trách nhiệm, bởi vì chỉ trong chiến đấu thực tế, hiệu quả thực sự của vũ khí mới có thể được kiểm chứng thực sự.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine một lần nữa chứng minh rằng, không có loại vũ khí nào là toàn năng, chỉ có chiến thuật sử dụng hợp lý và lòng dũng cảm chiến đấu mới là chìa khóa dẫn đến chiến thắng hay thất bại (Nguồn ảnh: Topwar, Sputnik, Reuters, CNN).
Tiến Minh (Theo Topwar, Bulgarian Military)