Xe tăng T-64 đóng vai trò chủ lực trong lúc Ukraine chờ viện trợ phương Tây

Theo các nhà quan sát, những chiếc xe tăng T-64 có từ thời Liên Xô đóng vai trò quan trọng trong các đơn vị chiến đấu Ukraine nhằm chống lại các đợt tấn công của lực lượng Nga trên chiến trường, trong lúc chờ vũ khí phương Tây được chuyển giao đến Kiev.

Hồi tháng 10/2023, quân đội Ukraine đã thành lập một lữ đoàn mới - Lữ đoàn cơ giới số 150 - như một phần của chiến dịch tăng cường quân lực lúc bấy giờ, bổ sung thêm vào khoảng 100 lữ đoàn trong lực lượng mặt đất Ukraine hiện có khi đó.

Việc thành lập một lữ đoàn mới không có gì đặc biệt. Trong 28 tháng kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Moscow và Kiev đã thành lập các trung đoàn và lữ đoàn mới, đồng thời điều động binh lính mới đến các đơn vị hiện có để thay thế cho nhân lực thương vong trên chiến trường.

Xe tăng T-64. Ảnh: 150th Mechanized Brigade

Xe tăng T-64. Ảnh: 150th Mechanized Brigade

Tuy nhiên, điều đáng chú ý về Lữ đoàn cơ giới 150 là những loại vũ khí được trang bị, đặc biệt là xe tăng T-64. Hơn hai năm giao tranh, Ukraine vẫn tiếp tục sản xuất những chiếc T-64 mới. Quân đội Ukraine đang phải vật lộn để có đủ xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân để chống lại các đợt tấn công dồn dập từ lực lượng Moscow.

Là loại xe tăng có từ thời Chiến tranh Lạnh, T-64 nặng 42 tấn chạy bằng nhiên liệu diesel với lớp giáp dày, có tốc độ tối đa 65km/giờ và tầm hoạt động đạt 500km. Đây là mẫu xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị lớp bảo vệ liên hợp nhiều lớp và có bộ nạp đạn tự động. Các chuyên gia cho rằng, T-64B đã đi trước thời đại hàng chục năm và tiềm năng của xe tăng giúp tạo ra những phương tiện chiến đấu mới sau này của Liên Xô.

Theo ước tính, sau năm 1991, quân đội Liên Xô đã để lại khoảng 3.000 chiếc T-64 ở Ukraine. Nhà máy Malyshev ở Kharkov (Ukraine), cách biên giới Nga chỉ hơn 40km, đã tiến hành nâng cấp khoảng 1.000 chiếc T-64 để phục vụ cho chiến trường. Tuy nhiên, những gì xảy ra với những chiếc xe tăng còn lại vẫn là một ẩn số.

Mọi phiên bản nâng cấp đều giữ nguyên hệ thống vận hành cũ, chỉ được trang bị thêm hệ thống quang học và điều khiển hỏa lực hiện đại; vì vậy, theo một nghĩa nào đó, T-64 là một nguồn tài nguyên hữu hạn. Những chiếc xe tăng cuối cùng sẽ sớm cạn kiệt bởi trung bình mỗi năm giao tranh, quân đội Ukraine mất tới hơn 100 chiếc T-64 và con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

Hiện Nga có kế hoạch sản xuất thêm khoảng 500-600 xe tăng mới mỗi năm. Ukraine dự kiến sẽ nhận thêm khoảng 300 chiếc nữa trong những tháng tới. Về lâu dài, Ukraine đang đàm phán với một công ty Đức để tiến hành sản xuất thêm nhiều xe tăng mới.

Trong thời gian tới, Kiev đang kỳ vọng hàng trăm chiếc T-64 sẽ tiếp tục cung cấp phần lớn hỏa lực cho các lữ đoàn Ukraine, trong lúc chờ vũ khí phương Tây được chuyển giao đến nước này.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Forbes

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/xe-tang-t-64-dong-vai-tro-chu-luc-trong-luc-ukraine-cho-vien-tro-phuong-tay-post1103382.vov