Lục quân Nhật Bản đã hoàn thành việc loại biên xe tăng cũ Type 74 sau gần 50 năm sử dụng, chấm dứt thời kỳ duy trì song song loại chiến xa này cùng với Type 90 và Type 10 tối tân hơn nhiều.
Quá trình loại biên cỗ máy này đã diễn ra trong một thời gian dài, kể từ năm 2018, trước khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản phê duyệt kế hoạch phát triển trung hạn đến năm 2031, trong đó đề xuất thay thế Type 74 bằng xe tăng bánh lốp Type 16.
Bây giờ công việc loại biên đã hoàn thành, hai đơn vị cuối cùng là tiểu đoàn xe tăng số 9 và 10 đã bàn giao thiết bị. Tổng cộng có 90 cỗ chiến xa loại này "nghỉ hưu".
Một điểm đáng chú ý có liên quan là chính sách hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản không cho phép nước này bán vũ khí cho các nước đang có chiến tranh. Chỉ sau những thay đổi gần đây trong quy định, Tokyo mới có thể bán các bộ phận và thiết bị riêng lẻ không gây chết người.
Ví dụ hiện tại Tokyo chỉ có thể bán động cơ cho xe tăng chứ không phải bản thân cỗ chiến xa. Hơn nữa, việc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản trong lịch sử hiện đại chỉ bắt đầu từ năm 2020, trước đó hoạt động này bị cấm hoàn toàn.
Và thực tế nữa là bản thân Type 74 tất nhiên là một cỗ máy lỗi thời, lịch sử của nó bắt đầu từ những năm 1960, khi Tokyo phát hiện ra rằng Type 61 với pháo 90 mm kém hơn so với T-62 của Liên Xô cả về khả năng bảo vệ và sức xuyên giáp của khẩu pháo 115 mm.
Do bề ngang hẹp nên xe tăng Type 61 không lắp được tháp pháo Royal Ordnance L7 105 mm , cho nên một cỗ máy mới phải được phát triển, đó là cách xe Type 74 ra đời.
Bản thân T-62, với tư cách là đối thủ của xe tăng châu Âu gồm Leopard 1 của Đức và AMX-30 của Pháp - đã trở thành chuẩn mực cho sự phát triển do Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries thực hiện.
Điều này là do yêu cầu về tính cơ động của xe và giảm trọng lượng. Người Nhật đã cố gắng vượt qua xe tăng Đức với trọng lượng 38 tấn, tức là ít hơn 2 - 4 tấn (tùy thuộc vào quá trình hiện đại hóa) khi đặt cạnh Leopard 1, để vượt qua xe tăng Đức về mặt dự trữ hoạt động.
Khi sử dụng vỏ giáp thép tương tự, cỗ máy của Nhật Bản nhận được khả năng bảo vệ mạnh mẽ hơn khoảng 40% ở phần phía trước và tiết kiệm trọng lượng nhờ kích thước nhỏ hơn của phương tiện.
Là một cuộc cách mạng về trọng lượng và kích thước, họ thậm chí còn muốn lắp đặt bộ nạp đạn tự động trên Type 74, nhưng thiết kế hóa ra phức tạp, đắt tiền và có thao tác chậm.
Vì vậy chiếc xe tăng đã nhận được bố cục cổ điển gồm 4 thành viên tổ lái. Khả năng di chuyển được cung cấp bởi động cơ diesel 10ZF Model 21 công suất 750 mã lực, kết hợp với hộp số sàn MT75A (5 số tiến, 1 số lùi), cho tốc độ tối đa 60 km/h (thực tế là 53 km/h).
Do đặc điểm của địa hình đồi núi của Nhật Bản, Type 74 nhận được hệ thống treo thủy lực cải tiến vào thời điểm đó trên 5 bánh chịu nặng với khả năng điều chỉnh không chỉ khoảng sáng gầm mà còn cả độ nghiêng: lên đến 6 độ trên trục đuôi mũi và 9 độ giữa các bên.
Một bản sao được cấp phép của khẩu pháo 105 mm Royal Ordnance L7 đã xuất hiện trên chiếc xe tăng, bổ sung bộ ổn định hai trục với bộ dẫn động cơ điện, máy đo khoảng cách laser và máy tính đạn đạo.
Xe tăng Type 74 ngay lập tức có khả năng chiến đấu vào ban đêm nhờ các thiết bị quan sát thụ động, với khả năng chiếu sáng bổ sung bằng đèn chiếu tia hồng ngoại.
Nhưng ngay khi vừa phục vụ, Type 74 bất ngờ trở nên lỗi thời với sự xuất hiện của Leopard 2, loại xe tăng này bắt đầu được cung cấp cho Quân đội Đức vào năm 1979. Điều này đã thúc đẩy Tokyo bắt đầu sản xuất Type 90 và hiện đại hóa Type 74.
Nhưng xe tăng không nhận được nâng cấp đáng kể, chỉ cập nhật hệ thống điều khiển hỏa lực. Và bất chấp kế hoạch, do hạn chế về trọng lượng nên việc lắp đặt giáp phản ứng nổ đã không được thực hiện.
Kế hoạch của Tokyo hiện đại hóa quy mô lớn lên phiên bản Type 74G, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu những năm 1990, cung cấp kính ngắm ảnh nhiệt mới và máy tính đạn đạo đã không được thực hiện do chi phí cao và Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.