Xem xét mở rộng các cơ sở đào tạo, tạo nguồn nhân lực cho ngành tòa án

Tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 9.11, ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Toàn án nhân dân năm 2014. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi này sẽ đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) phát biểu

Tuy vậy, góp ý vào dự thảo Luật này, ĐBQH Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) nêu quan điểm: Tại khoản 5, Điều 5 quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân “Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia” chưa thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Điều 10 dự thảo Luật.

Chỉ rõ điều này, đại biểu cho biết: Khoản 1, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Cũng tại Điều 10 dự thảo Luật quy định “Tòa án xét xử sơ thẩm các vụ án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”.

Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh khoản 5, Điều 5 theo hướng bổ sung cụm từ “trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” để thống nhất với quy định Hiến pháp hiện hành và Điều 10 dự thảo Luật; hoặc xem xét điều chỉnh theo hướng bổ sung cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” vào cuối khoản này và điều chỉnh thành: “Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” để bảo đảm tính thống nhất trong toàn dự thảo Luật.

ĐBQH Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) phát biểu

ĐBQH Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) phát biểu

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ cũng đề nghị xem xét đối với nguyên tắc quy định tại khoản 7, Điều 5 dự thảo Luật “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số” cho phù hợp, thống nhất với khoản 4, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và Điều 12 dự thảo Luật: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”.

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu

Liên quan đến quy định đào tạo, tạo nguồn nhân lực cho toàn án, một số đại biểu cho biết: báo cáo của Toàn án Nhân dân tối cao cho thấy, hiện tổng biên chế của ngành tòa án là 15.500 người. Trong khi đó, số cán bộ nghỉ việc hàng năm chiếm khoảng 4,5%. Mỗi năm Học viên toàn án chỉ được tuyển 300 người. Từ thực tế trên, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định việc đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn nhân lực cho ngành tòa án không chỉ được thực hiện bởi Tòa án Nhân dân tối cao mà còn đào tạo tại các cơ sở khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu

Về nội dung Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4; Điều 62 và Điều 63), các đại biểu cơ bản tán thành quy định trong tổ chức TAND có TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại việc có tính chất đặc thù, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các Thẩm phán, Hội thẩm của TAND sơ thẩm chuyên biệt có trình độ, chuyên môn sâu. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc này. Khi thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt cụ thể thì phải lập Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là vấn đề mới, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt phải phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 102 Hiến pháp năm 2013.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Quốc hội rõ thêm về thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt cụ thể về số lượng và địa hạt pháp lý của các Tòa án này, cũng như mối quan hệ của Tòa án này với cấp ủy Đảng, HĐND và các cơ quan hữu quan khác tại địa phương. Mặt khác, đề nghị quy định cụ thể các TAND sơ thẩm chuyên biệt (về sở hữu trí tuệ, phá sản, hành chính…) ngay trong dự thảo Luật…

Liên quan đến điều khoản thi hành tại Điều 151, Dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số luật có liên quan, gồm có 7 khoản về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND liên quan đến nhiều quy định của các luật khác nhau. Do đó, đề nghị TAND tối cao tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời tiếp tục rà soát để quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tin và ảnh: Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/xem-xet-mo-rong-cac-co-so-dao-tao-tao-nguon-nhan-luc-cho-nganh-toa-an-i349446/