Xem xét, nghiên cứu chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng

Cùng với kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan để phù hợp với điều kiện thực tế, giám sát việc thực hiện chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu chính sách đặc thù của tỉnh để nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Khuyến khích công tác dạy và học

Chính sách hỗ trợ đã được UBND tỉnh Ninh Thuận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện tổ chức triển khai đồng bộ, bảo đảm đúng quy định, đối tượng. Công tác chi trả hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, gạo và một số nội dung hoạt động khác đã được các trường triển khai kịp thời, bảo đảm mọi chế độ hỗ trợ cho học sinh; cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận giám sát việc thực hiện chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú. Ảnh: Thế Vương

Các chính sách đã góp phần huy động học sinh ra lớp, tăng tỷ lệ chuyên cần, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, học sinh bỏ học giữa chừng, học sinh bỏ học cách nhật vì nhà xa trường. Giúp các em được giao lưu, mở mang, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó, đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận nhận thấy các chế độ quy định cho người học và các khoản chi cho nhà trường theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29.5.2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18.7.2016 của Chính phủ định mức chi cho học sinh thấp, không còn phù hợp. Về đối tượng tuyển sinh theo Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15.1.2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú không còn phù hợp với quy định hiện nay…

Bên cạnh đó, sự phối hợp trong công tác vận động học sinh ra lớp chưa được thường xuyên và thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng học sinh vắng học, nghỉ học cách nhật, bỏ học khi vào mùa vụ vẫn còn diễn ra. Điều kiện về cơ sở vật chất, các trang thiết bị mặc dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên chưa bảo đảm tại một số trường phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn, ở, sinh hoạt của học sinh.

Sớm sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp

Từ thực tế trên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐCP ngày 18.7.2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vì định mức chi cho học sinh thấp, không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15.1.2016 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, do chính sách về đối tượng tuyển sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay là học sinh cư trú ở các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thu hẹp lại vì vậy số lượng học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách dự tuyển vào trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ thu hẹp lại…

Cùng với các kiến nghị trên, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện tốt công tác huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số là nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu thiên niên kỷ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Quan tâm mở lớp bồi dưỡng tiếng Chăm, Raglai dành cho giáo viên mầm non, giúp họ có thêm kỹ năng vận dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ để tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non...

Đồng thời, xem xét nghiên cứu chính sách đặc thù của tỉnh như: hỗ trợ gạo để tổ chức ăn trưa cho học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn để các em có điều kiện học 2 buổi/ngày không phải bỏ học. Đồng thời, hỗ trợ gạo cho khoảng 30% số học sinh bán trú không đủ điều kiện hưởng chế độ bán trú tại các trường bán trú cấp tiểu học và THCS theo Đề án số 46/QĐ-UBND ngày 16.1.2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

THẢO YẾN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/xem-xet-nghien-cuu-chinh-sach-dac-thu-de-nang-cao-chat-luong-i309959/