Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024
Tiếp tục Phiên họp thứ 38, chiều 08/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024, tổng số vốn là 8.446,866 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 7.313,553 tỷ đồng vốn trong nước điều chỉnh giảm của 20 Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; 1.133,313 tỷ đồng vốn nước ngoài điều chỉnh giảm của 4 Bộ, địa phương để bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế và 13 địa phương.
Số vốn giảm này bao gồm số đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhưng các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ cho các dự án do dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định và số vốn đã phân bổ chi tiết nhưng các Bộ, cơ quan, địa phương không có nhu cầu sử dụng trong năm 2024 và đề xuất “trả lại vốn”.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá việc điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2024 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để điều chỉnh bổ sung cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các dự án có khả năng giải ngân nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.
Việc điều chỉnh, bổ sung này không làm thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hàng năm đã được Quốc hội quyết định. Vì vậy, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát danh mục điều chỉnh, bổ sung; trong đó việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024 phải đảm bảo một số điều kiện: chỉ bổ sung cho dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng hấp thụ, giải ngân vốn trong năm 2024. Tổng mức vốn sau khi được bổ sung của các nhiệm vụ, dự án không vượt quá số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương đã được giao cho các nhiệm vụ, dự án.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 như sau:
Một là: Điều chỉnh giảm 7.313,553 tỷ đồng kế hoạch vốn trong nước của 20 Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương để bổ sung tương ứng cho 12 Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; điều chỉnh giảm 1.133,313 tỷ đồng kế hoạch vốn ngoài nước của 4 Bộ và địa phương để bổ sung tương ứng cho Bộ Y tế và 13 địa phương.
Hai là: Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm đảm bảo các dự án được điều chỉnh tăng, giảm vốn đủ thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật; đồng thời đảm bảo việc điều chỉnh tăng, giảm dự toán vốn đầu tư công năm 2024 của các Bộ, ngành, địa phương không làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đã được phân bổ vốn hoặc đã có dự kiến phân bổ vốn của cấp có thẩm quyền.
Việc giao vốn, bổ sung vốn cho các dự án phải đảm bảo là các dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đủ thủ tục đầu tư và có khả năng hấp thụ vốn, giải ngân vốn trong năm 2024 không thực hiện kéo dài sang các năm sau số vốn được bổ sung. Tổng mức vốn sau khi được bổ sung của các nhiệm vụ, dự án không vượt quá số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước được giao và số vốn bổ sung theo quy định.
Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương cần rút kinh nghiệm để bố trí vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân của các nhiệm vụ, dự án, hạn chế việc phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao; đồng thời có giải pháp quyết liệt để phân bổ số vốn còn lại chưa phân bổ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, quản lý sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí.
Ba là: Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết các nội dung trên, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo cơ quan tổng hợp các ý kiến tham gia Phiên họp; tóm lược thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện sớm.
Trong khuôn khổ Phiên họp, sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua 2 nội dung nêu trên được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=89878