Xem xét việc cấp giấy chứng nhận cho giống chó bản địa
Trong những năm qua, phong trào nuôi chó bản địa phát triển góp phần bảo tồn những giống chó quý hiếm của nước nhà. Mới đây, ngày 24, 25/10, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Đánh giá tiêu chuẩn giống cho giống chó cộc đuôi (loại chó mà đồng bào Mông vùng cao Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc thường nuôi) do Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) tổ chức. Tại sự kiện, hơn 300 con chó cộc đuôi có màu nâu đỏ không được cấp giấy chứng nhận bởi những quy định mới của VKA. Điều này khiến nhiều người đang nuôi chó cộc bức xúc…
Giống chó cổ xưa giá trị
Chó cộc đuôi là một giống chó được nuôi trong bản của các đồng bào dân tộc Mông xưa. Giống chó này được các đồng bào dân tộc rất yêu quý và được coi là một thành viên trong gia đình. Hiện tại chưa có tài liệu nào ghi chép lại giống chó cộc này xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng từ rất xa xưa các gia đình người Mông ở các tỉnh vùng núi phía Bắc của Việt Nam đã nuôi dưỡng giống chó này rồi.
Có thể nói đây là một trong những giống chó cổ xưa nhất của Việt Nam. Khởi nguồn của giống chó này là những chú chó bản địa được nuôi rải rác ở những nơi đông người Mông sinh sống như Lào Cai, Hà Giang… Sau nhiều đời lai tạo tự nhiên với chó sói rừng và qua nhiều thế hệ người Mông nuôi dưỡng thì hình thành giống chó cộc đuôi như hiện tại. Thời điểm đầu, những chú chó cộc được nuôi với mục đích chính là đi săn cùng với người dân trong làng. Sau đó là nuôi để giữ nhà rồi dần dần được đưa về các thành phố lớn và nuôi như thú cảnh trong nhà. Hiện tại thì bạn có thể bắt gặp giống chó cộc này ở bất cứ đâu trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo những người nuôi chó cộc: Chó cộc sinh ra ở vùng núi hoang sơ phía Tây Bắc nên có sức đề kháng tự nhiên rất tốt. Chúng có thể thích nghi nhanh với mọi điều kiện khí hậu khác nhau từ những ngày hè nóng bức đến những mùa đông lạnh giá. Đặc biệt, chó cộc phù hợp với người dân thành phố, kể cả những gia đình sống ở các khu chung cư, bởi loại này sạch sẽ, không đi vệ sinh bừa bãi; ít gây ồn ào - chỉ khi nào có người lạ, con chó khác xâm phạm vào nơi ở của gia đình chủ thì loại chó này mới có phản ứng...
Ông Phan Hữu Chính (ở quận Đống Đa, Hà Nội) là một người rất say mê và nuôi nhiều loại chó, từ chó ta đến các loại chó nhập ngoại đắt tiền. Vài năm trở lại đây, khi biết đến giống chó cộc đuôi ở vùng cao Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc thường nuôi là một trong tứ đại quốc khuyển quý của Việt Nam, ông Chính đã chuyển sang nuôi loại chó này.
Theo ông Chính: Dòng chó cộc có 3 kiểu đuôi là cộc tịt hẳn, cộc đuôi thỏ và cộc lửng. Cộc có đuôi dạng cộc tịt, là loại đuôi cộc bẩm sinh, dài chỉ khoảng 1 cm và chừa ra một phần lông cho có. Tuy vậy, nhưng chó cộc có độ dài đuôi càng ngắn thì giá trị của chúng càng cao. Chó cộc có loại thứ 2 là cộc đuôi thỏ, dạng này có đuôi vểnh lên y hệt như đuôi con thỏ. Loại đuôi cộc này có đuôi dài hơn so với loại thứ nhất, dài khoảng 3 đến 8 cm. Chó cộc lửng, đây là loại chó cộc có độ dài đuôi dài nhất, khoảng hơn 10cm. Chó cộc có 3 màu lông thuần điển hình là màu đen, màu vện hoặc màu hung nâu, đây là những màu được ưa chuộng nhất. Ngoài ra còn một số màu như màu lông trắng hay vàng nhạt tuy nhiên số lượng này không nhiều. Bên cạnh đó còn có loài chó cộc đỏ rất quý hiếm và khó tìm nhất, chúng rất hiếm khi gặp vì sở hữu bộ lông màu đỏ sậm.
“Do sống ở những nơi hoang vắng ít người nên chó cộc vẫn giữ nguyên được bản chất hoang dã của tổ tiên chó rừng. Đến khi đồng bào dân tộc Mông đã tìm ra chúng và đưa về thuần hóa với mục đích chính là để hỗ trợ họ trong việc săn bắt, chăn thả gia súc hay trông giữ nhà cửa, họ nhận thấy loài chó cộc rất thông minh, bởi ngay từ khi sinh ra loại chó này khả năng ghi nhớ cực tốt khiến việc huấn luyện trở nên nhanh và dễ dàng hơn. Nổi trội nhất ở chó cộc chính là khả năng định hướng và ghi nhớ đường rất tốt vì thế nên loại chó cộc luôn là người bạn đồng hành của đồng bào Mông mỗi khi đi vào rừng”, ông Chính cho biết...
Người nuôi chó bản địa lo lắng
Trở lại sự kiện ngày 24-25/10, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Đánh giá tiêu chuẩn giống cho giống chó cộc đuôi do VKA tổ chức, hơn 300 con chó cộc đuôi có màu nâu đỏ đều bị loại bởi những quy định mới của VKA… Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới những người nuôi chó cộc.
Là một trong những người chơi chó cộc tham dự sự kiện, ông Trịnh Trung Kiên (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Tôi đưa chú chó dòng F3 màu nâu đỏ (bố mẹ con này có giấy chứng nhận nguồn gốc, do VKA cấp) tới sự kiện. Tuy nhiên, con chó của tôi bị loại, không được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc bởi giám khảo đưa ra bảng tiêu chuẩn mới, trong đó có những quy định về sắc tố lông, viền mắt, mũi… Theo bảng tiêu chuẩn mới, thì trên 300 con chó cộc có sắc tố lông màu nâu đỏ, mép, mũi, viền mắt sáng màu đã bị loại.
Điều mà những người nuôi chó cộc bức xúc là VKA thay đổi bảng tiêu chuẩn mà không hề báo trước hay có động thái công bố rộng rãi trên cộng đồng… Ông Nguyễn Tuấn Linh (ở Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Nếu biết được quy định mới về sắc tố của giống chó cộc mà VKA đưa ra trước khi sự kiện diễn ra thì những người nuôi chó bản địa sẽ không mang chó đi tham dự. Đặc biệt, tôi thấy cho rằng, sự kiện được tổ chức có nhiều “sạn”. Cụ thể, khi chó được chấm xong, chúng tôi ra hỏi giám khảo “khác sắc tố màu” là gì thì cách giải thích của giám khảo còn quá chung chung không phân tích rõ được những lỗi loại bỏ; hàng trăm chủ chó nộp phí tham gia sự kiện (từ 750.000 đồng - 1.500.000 đồng) cho ban tổ chức mà không có biên lai thu tiền”.
Về việc cấp giấy chứng nhận cho loại chó cộc hiện nay, ông Nguyễn Hồng Phong (ở Tây Hồ, Hà Nội) đánh giá: Bảng tiêu chuẩn có bổ sung của VKA không dựa trên căn cứ nghiên cứu hay trắc nghiệm trên diện rộng về đặc tính của giống cộc của Việt Nam. Vì vậy để xảy ra tình trạng trên 300 cá thể cộc màu nâu đỏ đều không đạt. Theo tôi, việc quản lý, cấp giấy chứng nhận, chíp về giống chó cộc của VKA còn lỏng lẻo, phần nhiều dựa trên lời khai của nhà nhân giống mà không có bất kỳ hoạt động xác thực hay chế tài để kiểm tra độ trung thực của việc khai báo của chủ chó. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận dễ dãi đã tạo lòng tham cho một số nhà nhân giống, làm chất lượng con giống ngày càng đi xuống; khiến việc bảo tồn chở nên hỗn loạn và có nguy cơ mất đi các đặc điểm tượng trung của dòng chó quý...
Thiết nghĩ, để góp phần duy trì loài chó cổ xưa của Việt Nam, đồng thời gây dựng sân chơi chuyên nghiệp cho những người nuôi chó bản địa, VKA cần làm rõ hơn về bảng tiêu chuẩn về dòng chó cộc để mọi người hiểu rõ. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận cho từng chú chó cộc.