Xen canh hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế
Không độc canh cây trồng nào, nông dân ở nhiều địa phương đã chọn phương án trồng xen canh trên cùng diện tích vườn canh tác và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trên giúp các nhà vườn hạn chế rủi ro trước tình trạng 'được mùa, mất giá'. Từ lựa chọn đúng, nhiều nông dân nâng cao được thu nhập...
Lựa chọn phù hợp
Vườn mít Thái rộng 4.000m2 của ông Nguyễn Ngọc Chẵng (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 9/2022, chỉ sau 18 tháng chăm sóc.
Đây là phần diện tích ông Chẵng chuyển đổi từ đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Như nhiều nông dân khác ở địa phương, ông Chẵng khá e ngại do chi phí đầu tư chuyển đổi ban đầu khá cao và chưa chọn được cây trồng phù hợp với xu hướng thị trường.
Đến khi lựa chọn trồng mít Thái, ông Chẵng nhạy bén trồng xen canh thêm một số cây ăn trái khác trong vườn, nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ vậy, trong thời gian chờ mít Thái cho trái, ông Chẵng vẫn có thu nhập nhờ diện tích bông súng, bông điên điển, chuối…
Người nông dân đã nâng cao được thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp
“Ban đầu trồng mít Thái, tôi khá lo lắng vì giá tăng, giảm thất thường. Nhưng đổi lại, mít Thái nhanh cho trái, nhẹ công chăm sóc. Nếu không may mít Thái bị rớt giá hoặc trái bị bệnh xơ đen thì có thể tận dụng làm thức ăn cho đàn ốc bươu đen nuôi tự nhiên trong mương vườn, không bị lỗ vốn” - ông Chẵng giải thích.
Khi tìm hiểu thêm, biết tuổi thọ mít Thái không cao nên mới đây ông Chẵng trồng xen giống dừa xiêm đỏ Malaysia. “Đến khi mít Thái không còn hiệu quả kinh tế, tôi sẽ đốn bớt để cây dừa phát lên, kịp lúc thu hoạch. Phải tính toán như vậy, đất sẽ không trống, thu nhập không bị gián đoạn” - ông Chẵng chia sẻ.
Trong quá trình canh tác mít Thái, ông Chẵng sử dụng các loại phân chuồng để bổ sung chất dinh dưỡng, tham khảo các loại thuốc phòng bệnh xơ đen trên trái mít nên sản lượng thu về khá cao. Đối với những cây lớn, ông Chẵng giữ lại khoảng 3 - 4 trái, còn cây nhỏ giữ sức cho mít ra trái những đợt sau.
Ngoài ra, để tránh tình trạng sâu bệnh tấn công, ông Chẵng sử dụng túi lưới để bao trái, giữ được vỏ mít xanh, da sáng bóng, bán được giá hơn. Từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, giá mít Thái loại 1 ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, loại 2 từ 25.000 - 27.000 đồng/kg…
Cách 7 - 10 ngày, vườn mít Thái của ông Chẵng cho thu hoạch khoảng vài trăm ký, không xảy ra tình trạng mít bị nhiễm vi khuẩn gây xơ đen nên ít hao hụt. “Mấy tháng nay, mít Thái có giá ổn định, nông dân trồng mít phấn khởi. Để bán mít loại 1, trái cần đạt trọng lượng từ 9kg trở lên, gai nở đều, to, tròn. Trái mít khoảng 13 - 14kg, bán được vài trăm ngàn đồng. Mỗi đợt, cắt ít thì bán được 3 - 4 triệu đồng, đợt trái già nhiều, tôi thu về gần 15 triệu đồng” - ông Chẵng phấn khởi nói. Khoảng 5 tháng nay, vườn mít Thái của ông Chẵng thu về gần 100 triệu đồng.
Nâng cao thu nhập
Dọc theo 2 bên đường từ phường Long Phú (TX. Tân Châu) về xã Phú Thành (huyện Phú Tân), nông dân chuyển đổi lên vườn trồng cây ăn trái rất nhiều, đa phần là các loại, như: Sơ ri, táo hồng, mận An Phước, cà na Thái… Có diện tích đất canh tác giáp đường giao thông nên vợ chồng bà Huỳnh Thị Dứt (ngụ phường Long Phú, TX. Tân Châu) mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả lên vườn trồng cây ăn trái.
Hiện tại, vườn của bà Dứt thu lợi nhuận từ cây sơ ri và cà na Thái. Đây không phải là cây trồng đặc sản, nhưng giúp gia đình có thu nhập quanh năm, ít chịu biến động của thị trường. Bà Dứt cho biết, sau khi trồng khoảng nửa năm, cây sơ ri bắt đầu cho trái đợt đầu tiên, đến nay là năm thứ 4 nhưng cây vẫn cho trái rất say. Thu hoạch đợt trái này xong, bà dọn cành, tỉa nhánh, bón phân và cây sơ ri tiếp tục ra hoa kết trái, cho thu hoạch.
Riêng cà na Thái cho trái theo mùa, rộ nhất là vào mùa nước nổi, năng suất và giá cả ổn định, không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây sơ ri. “Trồng sơ ri khá cực vì phải loay hoay ở ngoài vườn, nhưng đổi lại thu nhập đều đặn mỗi ngày, hết đợt trái này đến đợt trái khác. Hái xong sẽ có thương lái đến tận vườn thu mua, giá cả dao động theo thị trường, trung bình khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg”. Với diện tích 6.000m2, mỗi đợt sơ ri chín rộ, vườn của bà Dứt có thể thu hoạch gần 500kg.
Nhờ vườn gần lộ lớn, nên các loại trái cây đều dễ bán, thương lái đến tận vườn mua, nhà vườn cũng tiện mang ra bán lẻ cho người dân địa phương, khách vãng lai. Trái cây tươi mới hái, ngon ngọt nên người dân rất thích, khách nào muốn vào vườn tham quan, hái trái trên cây, bà Dứt sẵn sàng tạo điều kiện nên bán được hàng.
Trong phát triển nông nghiệp bền vững, việc đa dạng hóa cây trồng giúp nông dân không bị phụ thuộc vào 1 loại cây trồng nào. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân, điều này được minh chứng bằng thu nhập và điều kiện sống của người dân ngày càng nâng lên.
Thế nhưng, nếu chọn trồng các loại cây có xu hướng cạnh tranh về môi trường sống, dinh dưỡng, vườn cây sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó, nông dân nên tìm hiểu cẩn thận và cần sự hướng dẫn cụ thể từ ngành nông nghiệp để việc trồng xen canh mang lại hiệu quả cao nhất.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xen-canh-hop-ly-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-a356775.html