Xét tuyển đại học sớm tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông
Ngày 9/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị giáo dục đại học năm 2024. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện có quá nhiều phương thức tuyển sinh gây 'rối' hệ thống, cần xem xét loại bỏ bớt các phương thức xét tuyển sớm gây nhiều 'hệ lụy' và không đảm bảo công bằng.
Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Công tác tuyển sinh đại học năm 2024 tiếp tục có những ưu điểm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh như việc ứng dụng công nghệ thông tin cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo, không theo tổ hợp và phương thức xét tuyển đã đơn giản hóa nhiều quá trình đăng ký của thí sinh.
Việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; việc xử lý nguyện vọng chung trên hệ thống xét tuyển đã giảm được tình trạng thí sinh ảo, giúp các trường rút ngắn thời gian xét tuyển, cũng tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển theo nguyện vọng thí sinh yêu thích, mong muốn nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Các đơn vị liên quan đã nỗ lực nâng cao chất lượng tuyển sinh, từ việc tư vấn, hướng dẫn thí sinh đến việc xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác, xử lý rủi ro cho thí sinh.
Quy mô đào tạo đại học chính quy năm nay có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023. Trong đó phải nói đến sự tăng đáng kể của lĩnh vực toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y (khối ngành này tăng 62.060 sinh viên với tỉ lệ 10,59% so với năm 2023). Điều này cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cũng thừa nhận, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục. Tuyển sinh năm 2024 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện có quá nhiều phương thức tuyển sinh, gây “rối” cho các trường trong xét tuyển. Ông Phúc cũng đề nghị nên bỏ phương thức tuyển sinh sớm, lúc đó các thí sinh chưa hoàn thành chương trình đào tạo THPT học kỳ cuối, nhiều tư vấn tuyển sinh yêu cầu thí sinh phải để nguyện vọng xét tuyển sớm lên trên, như vậy thiếu sự công bằng, hạn chế cơ hội của thí sinh. "Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã gửi một phương án tuyển sinh tổng hợp, trong đó lấy tất cả các tiêu chí, kể cả kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cả tiêu chí kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả tiêu chí học bạ. Với sự tổng hợp các tiêu chí như vậy, sẽ tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh"-ông Phúc cho hay.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề xuất nên giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Theo ông Giang, hiện có quá nhiều phương thức tuyển sinh, chỉ 3-5 phương thức là được, nhiều phương thức tuyển sinh quá không công bằng với thí sinh. Mặt khác, Bộ GD& ĐT nên quan tâm tới chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, đối tượng khó khăn, đặc biệt là chủ trương phát triển nguồn nhân lực của các vùng. Nếu không quan tâm tới đối tượng này, sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng, không giữ được mục tiêu đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, xét tuyển sớm có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực là làm học sinh phân tán. “Nhiều học sinh khi biết mình đủ điều kiện đỗ sớm thì học kỳ 2 không học. Đây là đề nghị đáng quan tâm vì quan trọng nhất là phải bảo đảm công bằng với mọi thí sinh”-ông Sơn nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Ngành giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. Các học sinh xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cũng lưu ý, không nên sử dụng quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các đại học tự chủ có tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định; tự chủ nhưng phải để cao trách nhiệm xã hội.