Xét xử gian lận thi ở Sơn La: Cựu Giám đốc sở giáo dục nhờ cấp dưới giúp cho 8 thí sinh
Khai trước tòa, bị cáo Trần Xuân Yến nói được cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - ông Hoàng Tiến Đức đưa danh sách nhờ giúp cho 8 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Nhận hối lộ 1,04 tỷ để nâng điểm cho 4 thí sinh
Sáng 23/5, HĐXX phiên tòa sơ thẩm vụ gian lận điểm thi xảy ra tại tỉnh Sơn La năm 2018 tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
Trả lời VKS, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu cán bộ Sở GD&ĐT) khai trước tòa, ngày 28/6/2018 bị cáo Trần Văn Điện (cựu cán bộ giáo dục) có đến nhà đặt vấn đề nâng điểm cho 4 thí sinh.
Bị cáo trả lời khó, không chắc chắn làm được. Sau đó, bị cáo Điện có gửi cảm ơn 1,04 tỷ đồng để bị cáo nâng điểm cho 4 thí sinh. Trong đó, có thí sinh nâng 3 môn với số tiền 350 triệu đồng; ba thí sinh khác mỗi người 230 triệu đồng.
Bị cáo không có ý kiến gì về tội “Nhận hối lộ” nhưng khi bị cáo Điện đặt vấn đề, bị cáo không thỏa thuận số tiền cụ thể.
Đối chất với lời khai của Nga, bị cáo Điện nói lời khai của bị cáo Nga không đúng ở nội dung thỏa thuận và cảm ơn tiền. Bị cáo Điện lý giải, hai lần đến nhà Nga, bị cáo chỉ đưa thẻ dự thi phô tô của các thí sinh để nhờ xem giúp điểm và không có đưa tiền cảm ơn.
Cựu GĐ Sở GD&ĐT nhờ cấp dưới giúp cho 8 thí sinh
Đến lượt trả lời VKS, bị cáo Trần Xuân Yến – cựu PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La nói không đồng ý với cáo buộc về tội “Lợi dụng chức vụ…”.
Cựu PGĐ Sở Giáo dục khai trước tòa, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị cáo được nhờ xem điểm cho 13 thí sinh, nhưng bị cáo không nhớ tên thí sinh và người nhờ xem điểm.
Khi được hỏi về mối quan hệ với các thí sinh được nhờ "xem điểm", ông Yến nói, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La nhờ bị cáo xem điểm cho 8 thí sinh (trong đó có 2 tờ danh sách chứa đầy đủ thông tin của 8 thí sinh này).
Tờ thứ nhất có 6 thí sinh, tờ thứ 2 có 2 thí sinh. Trong danh sách ghi đầy đủ họ tên, môn thi, số báo danh, phòng thi, địa điểm thi, điểm thí sinh tự chấm (mong muốn đạt được).
Bị ép cung
Sau khi nghe Yến khai, đại diện VKS trích lại các bản khai của Yến trong các bút lục để truy hỏi bị cáo này. Sau một hồi khai trước tòa về các lời khai trước đó tại các bút lục mà đại diện VKS nêu ra, Yến phủ nhận lời khai của mình.
"Quá trình điều tra, bị cáo bị ép cung nên lời khai không đúng sự thật. Bị cáo bị cơ quan điều tra tạm giữ 3 ngày trước đó. Bị cáo cũng khẳng định với cơ quan điều tra, danh sách thí sinh bị cáo nhận chỉ là xem điểm chứ không phải để nâng điểm. Giai đoạn đầu điều tra, bị cáo bị ép cung, chỉ khi có đại VKS và luật sự bị cáo mới được khai đúng", Yến khai.
Tiếp tục trình bày, Yến nói bị cáo chỉ có một sai phạm là thiếu trách nhiệm. Cụ thể, bị cáo chỉ tách văn bản niêm phong bài thi làm 1 bản, mà đúng ra phải làm 2 bản.
Ngay sau khi nghe xong phần hỏi của VKS đối với bị cáo Trần Xuân Yến, HĐXX hỏi ý kiến luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Lần lượt đứng lên phát biểu, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến cho rằng, phần hỏi của VKS là "không ổn". Các luật sư cho rằng, việc đại diện viện kiểm sát liên tục trích dẫn các bút lục trong cáo trạng về các lời khai của thân chủ mình để "ép" thân chủ mình "nhận tội" như vậy là không được. Các luật sư đề nghị chủ tọa phiên tòa đề nghị đại diện VKS làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đáp lại các ý kiến của các luật sư bào chữa cho bị cáo Yến, đại diện VKS cho rằng, do trong quá trình khai trước tòa, Yến liên tục chối tội nên phải trích dẫn lại các bút lục về lời khai của Yến để xác minh lại. Đây là việc làm đúng chức năng nhiệm vụ.