Xét xử nghiêm vi phạm về đấu thầu tại Sở Y tế Bắc Ninh
Đánh giá hành vi của các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh là nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt nghiêm minh đối với 13 bị cáo.
Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), Sở Y tế Bắc Ninh và một số đơn vị liên quan.
Trong số 13 bị cáo bị đưa ra xét xử, có 2 bị cáo vắng mặt là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty AIC và Nguyễn Hồng Sơn, cựu Phó tổng giám đốc công ty này.
Bên cạnh đó, 4 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “nhận hối lộ” gồm Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế (Sở Y tế Bắc Ninh).
Các bị cáo khác bị đưa ra xét xử về một trong các tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhờ doanh nghiệp “xin” vốn bổ sung vì dự án thiếu vốn
Các hành vi sai phạm của các bị cáo trong vụ án này được xác định xảy ra từ năm 2013.
Theo đó, khi biết 6 dự án đầu tư xây dựng 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại tỉnh Bắc Ninh đang gặp tình trạng thiếu vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC và ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Hồng (đã chết năm 2021) gặp gỡ một số lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời điểm này để đặt vấn đề có thể xin vốn cho tỉnh.
Theo Hội đồng Xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thực hiện hành vi độc lập trong việc đưa hối lộ, nhưng phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của Công ty AIC và các công ty liên quan.
Trong khi đó, tại tỉnh Bắc Ninh, bị cáo Nguyễn Nhân Chiến (thời điểm xảy ra vi phạm là Chủ tịch UBND tỉnh) đã thỏa thuận, thống nhất với doanh nghiệp và đưa ra quyết định về chủ trương phân chia, tạo điều kiện cho Công ty AIC và nhóm công ty của Lã Tuấn Hưng trúng thầu. Cùng với đó, số tiền bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất, nên được đánh giá có vai trò cao nhất.
Các bị cáo khác thuộc UBND tỉnh và các sở, ngành tại tỉnh Bắc Ninh là đồng phạm giúp sức, thực hiện theo chỉ đạo hoặc trực tiếp đề xuất, phân chia, triển khai thực hiện các gói thầu trái pháp luật và hưởng lợi ít hơn.
Các doanh nghiệp này đã thỏa thuận và được cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh và một số cá nhân có thẩm quyền đồng ý chủ trương giao thực hiện dự án sau khi xin được vốn.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phân bổ 561 tỷ đồng cho các dự án mua sắm trang thiết bị y tế cho 6 bệnh viện trên.
Trong quá trình thực hiện, để đảm bảo doanh nghiệp được trúng thầu, thực hiện dự án, các cựu lãnh đạo, cán bộ chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án xây dựng công trình y tế đã cung cấp các danh mục thiết bị, cấu hình, thông số… cho nhà thầu để xin báo giá cho phù hợp; đồng thời hợp thức hồ sơ nhằm đảm bảo trúng thầu.
Kết quả là, Công ty AIC và Tổng công ty Sông Hồng đã trúng 6 gói thầu theo đúng kịch bản đã thống nhất với các cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, ngoài việc “thông thầu”, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC và Sông Hồng đã có hành vi nâng khống giá thiết bị, hợp thức các hồ sơ, thủ tục đấu thầu để đảm bảo trúng thầu trái pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 48 tỷ đồng.
Các bị cáo thành khẩn khai báo hành vi phạm tội
Tại tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến thừa nhận tội danh như cáo trạng đã quy kết đối với các hành vi phạm tội của mình; đồng thời cho rằng “có cái khó”, bởi từ trước đó, tại tỉnh Bắc Ninh đã có tiền lệ, doanh nghiệp nào giúp tỉnh xin được vốn triển khai các dự án trên địa bàn, thì được giao dự án.
Bị cáo Chiến thừa nhận, việc giao thầu là sai quy định của pháp luật, song cho rằng bản thân “cả nể”, vì thời điểm này, Công ty AIC và Nguyễn Thị Thanh Nhàn rất mạnh về quyền lực và ảnh hưởng chính trị; đồng thời cũng có “công lao” với không chỉ Bắc Ninh, mà còn nhiều địa phương khác.
Liên quan tới số tiền hơn 14 tỷ đồng đã nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trong đó 4,1 tỷ đồng được xác định là tiền hối lộ), bị cáo Chiến cho rằng, chưa bao giờ thỏa thuận hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền trước khi thực hiện dự án.
Theo cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, khi bị cáo Trần Văn Tuynh mang 1 tỷ đồng của doanh nghiệp đến biếu và nói là “tiền phần trăm hợp đồng”, thì bị cáo đã từ chối.
Bị cáo Chiến khai, các lần Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa tiền đều vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật…, nên mới nhận, vì nghĩ đó “không phải là tiền hối lộ”.
Cũng giống bị cáo Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh nói, “thông lệ” của tỉnh Bắc Ninh đã dẫn tới sai phạm có hệ thống của các bị cáo.
Bị cáo Quỳnh thừa nhận đã nhận tổng cộng 9,1 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 1 tỷ đồng từ Tổng công ty Sông Hồng, trong đó có 2 tỷ đồng được xác định là tiền hối lộ của doanh nghiệp. Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các lần doanh nghiệp mang tiền đến đều vào các dịp lễ, Tết, do đó không xác định được đâu là tiền hối lộ, đâu là tiền biếu, vì “ranh giới rất mong manh”.
Đến nay, số tiền các bị cáo hưởng lợi bất chính đã cơ bản được nộp lại vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Trong khi đó, số tiền hơn 48 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của vụ án đã được Tổng công ty Sông Hồng khắc phục hơn 22 tỷ đồng; Công ty AIC gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng nhưng chưa khắc phục.
Chủ mưu của vụ án đang bỏ trốn
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bị cáo Nguyễn Hồng Sơn bị đưa ra xét xử vắng mặt. Đây là 2 bị cáo được cho là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án liên quan đến các hành vi sai phạm của Công ty AIC đối với 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại 3 bệnh viện tuyến huyện.
Theo đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh giữ quyền công tố tại phiên tòa, bị cáo Nhàn đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế (Sở Y tế Bắc Ninh) để thỏa thuận được trúng thầu 3 dự án mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại tỉnh Bắc Ninh.
Quá trình điều tra, truy tố, mặc dù cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, kêu gọi đầu thú, nhưng đến nay, Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình đưa vụ án ra xét xử. Số tiền được xác định thiệt hại do AIC gây ra trong vụ án này là hơn 26 tỷ đồng cũng không được công ty này khắc phục.
Bên cạnh đó, bị cáo Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Hồng cũng đã có hành vi sai phạm trong việc thỏa thuận phân chia các gói thầu, thông thầu đối với 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại 3 bệnh viện. Bị cáo này đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế Trần Văn Tuynh để được trúng thầu 3 dự án mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố, Tổng công ty Sông Hồng đã nộp lại số tiền hơn 22 tỷ đồng được xác định là thiệt hại đã gây ra tại 3 gói thầu, đồng thời bị cáo Hưng cũng thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để sớm đưa vụ án ra xét xử.
Bản án nghiêm minh đối với hành vi vi phạm của các bị cáo
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại tòa, Hội đồng Xét xử đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 13 năm tù về tội “đưa hối lộ”.
Trước đó, bị cáo này từng 3 lần bị đưa ra xét xử vắng mặt và bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù trong các vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị tuyên phạt 54 tháng tù về tội “nhận hối lộ”.
Cùng tội danh trên, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh bị tuyên phạt 36 tháng tù; Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung bị tuyên phạt 24 tháng tù; cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình y tế Trần Văn Tuynh bị tuyên phạt 42 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Hồng Sơn bị tuyên phạt 10 năm tù; các bị cáo còn lại bị tuyên phạt thấp nhất từ 18 tháng tù đến 30 tháng tù.