Xiếc Việt vươn tầm quốc tế
Từ năm 2012 đến nay, năm nào xiếc Việt Nam cũng đoạt 3 đến 4 giải thưởng HCV, HCB tại các cuộc thi quốc tế
Theo Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ngày 25-10 vừa qua tiết mục "Đu son" của xiếc Việt vừa nhận giải "Vương miện vàng" tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022, tổ chức tại TP Saratov, Liên bang Nga.
Gần hơn với khán giả quốc tế
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết tiết mục "Đu son" do 2 nghệ sĩ xiếc Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy đại diện cho nghệ thuật xiếc Việt Nam biểu diễn đã giành giải "Vương miện vàng" tại Liên hoan Xiếc quốc tế 2022. Tiết mục "Đu son" được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì là tiết mục có động tác khó, kỹ thuật điêu luyện, đòi hỏi diễn viên xiếc phải biến hóa liên tục. Ở các màn đu bay, nghệ sĩ xiếc trình diễn phối hợp với âm nhạc, trang phục, truyền tải thông điệp về giá trị văn hóa Việt nên tạo được ấn tượng đậm nét.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 diễn ra tại Liên bang Nga từ ngày 22 đến 26-10 với chủ đề "Công chúa xiếc". Liên hoan thu hút 9 quốc gia tham dự với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn. Chương trình năm nay dành riêng cho các nữ nghệ sĩ xiếc tham dự.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định giải thưởng "Vương miện vàng" tại Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 đã đưa xiếc Việt đến gần hơn với khán giả quốc tế. Giải thưởng sẽ tạo động lực cho các nghệ sĩ, diễn viên xiếc Việt Nam tiếp tục dấn thân, đam mê, cống hiến cho sự phát triển của bộ môn nghệ thuật này.
Các chuyên gia cho rằng nếu không chú trọng vào việc đầu tư, tìm ý tưởng và chinh phục những thao tác, kỹ thuật mới, kết hợp chặt với công nghệ tiên tiến thì xiếc Việt sẽ khó thắng giải quốc tế trong tương lai.
"Hiện nay công nghệ được vận dụng rất mạnh vào ngành xiếc, âm nhạc đương đại cũng được đầu tư và phục trang rất độc đáo, tạo sức hấp dẫn khi trình diễn. Cần phải có một sự đầu tư chiến lược cho lĩnh vực này mới có hy vọng giành giải vàng quốc tế trong thời gian tới" - NSƯT Hồ Văn Thành, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, nhấn mạnh.
Chính sách đặc thù
Theo những người trong cuộc, mỗi năm thế giới có khoảng 4, 5 cuộc thi xiếc lớn được tổ chức với sự tham dự của từ 18 đến hơn 20 quốc gia. Các quốc gia dự thi phải gửi tiết mục dưới dạng video để ban giám khảo lựa chọn. Cụ thể, trò tung hứng có 12 quốc gia cùng dàn dựng và tranh tài nhưng muốn được chọn thì Việt Nam phải đào sâu bản sắc dân tộc, khai thác động tác mới lạ, phức tạp mới có cơ hội tranh tài.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết: "Trong các cuộc thi quốc tế, ban giám khảo thường chú trọng tính truyền thống, văn hóa, lan tỏa được tinh thần giao lưu giữa các quốc gia. Sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ, nội dung biểu diễn đậm bản sắc dân tộc sẽ được hội đồng giám khảo đánh giá cao".
Cụ thể, năm 2014, có rất nhiều quốc gia chọn thi đu dây nhưng Việt Nam được chọn vì có sự sáng tạo trong tiết mục "Đu quan họ", lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của dân ca quan họ Bắc Ninh.
Tại TP HCM, nhiều năm nay, NSƯT Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã mang tiết mục "Sức mạnh đôi tay" đi biểu diễn vòng quanh thế giới và làm rạng danh xiếc Việt trên đấu trường quốc tế. NSƯT Quốc Cơ cho hay: "Trước kia chúng tôi chỉ biểu diễn tiết mục đơn thuần theo lời mời, hiện nay mỗi lần ra sân khấu quốc tế trình diễn là phải lồng ghép trong đó câu chuyện về tinh thần dân tộc".
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết ngành xiếc Việt được vinh danh tại các đấu trường quốc tế, đi biểu diễn khắp thế giới nhưng không đồng nghĩa với việc các diễn viên xiếc đang có cuộc sống sung túc. "Đời sống nghệ sĩ xiếc hiện nay vẫn còn nhiều nhọc nhằn, muốn đầu tư phải có bệ đỡ từ nguồn ngân sách nhà nước và nghệ sĩ được quy hoạch vào diện đem xiếc ra tranh tài quốc tế rất cần được hưởng cơ chế đặc thù" - NSND Trịnh Thúy Mùi đề xuất.
Theo các nhà chuyên môn, mỗi năm Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam phải chọn từ 7.000 đến hơn 8.000 hồ sơ, qua nhiều vòng kiểm tra, thẩm định để lấy khoảng 35 học sinh đủ tiêu chuẩn vào học. Trong quá trình học tập, con số sinh viên tốt nghiệp chỉ khoảng 20 diễn viên.
"Nếu không có sự đặc thù về chế độ phụ cấp thanh sắc và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật xiếc, cũng như hiện nay chưa có cơ chế, chính sách riêng cho nghệ thuật xiếc thì khó mà đầu tư chiến lược cho giải vàng quốc tế trong tương lai" - NSND Tạ Duy Ánh kiến nghị.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/xiec-viet-vuon-tam-quoc-te-20221031205139965.htm