Xin đừng kỳ thị nạn nhân mua bán người

Có những nạn nhân bị bán đi đã không có cơ hội quay trở về với quê hương. Tuy nhiên, có những nạn nhân may mắn trốn thoát hoặc được các lực lượng chức năng giải cứu, nhưng họ đều bị sang chấn tâm lý nặng nề…

Tuyên truyền cho trẻ em các kỹ năng bảo vệ bản thân tại chợ phiên Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tháng 7/2023.

Tuyên truyền cho trẻ em các kỹ năng bảo vệ bản thân tại chợ phiên Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tháng 7/2023.

Tận cùng những nỗi đau

Lào Cai - thành phố vùng biên hiện có hai cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh gồm: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và Nhà Nhân ái.

Nhà Nhân ái, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được thành lập từ năm 2010 khi nạn mua bán người tại địa phương có nhiều phức tạp và khó khăn, những nạn nhân bị mua bán trở về cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ngôi nhà do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng; Tổ chức Vòng tay Thái Bình (PacificLinks Foundation) tài trợ toàn bộ kinh phí hoạt động, vận hành và kỹ thuật chuyên môn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai là đơn vị quản lý, điều hành.

Năm 12 tuổi, P.K (trú tại huyện biên giới Bát Xát) đã phải sống xa mẹ. Khi ấy, em chỉ nghĩ mẹ mình đi làm ăn xa chứ không biết mẹ đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Biết P.K nhớ mẹ, người cậu đã đưa P.K sang bên Trung Quốc với lý do để mẹ con đoàn tụ. Nhưng khi sang đến nơi, P.K không những không gặp được mẹ mà còn bị bán cho một gia đình người Trung Quốc. Tại đây, do không hiểu tiếng địa phương, lại bị nhốt trong nhà nhiều ngày, P.K gần như tuyệt vọng vì không thể cầu cứu được lực lượng chức năng. May thay, trong một lần người trông chủ quan, P.K đã tìm cách trèo qua cửa sổ trốn ra ngoài.

Khi ra được ngoài đường, em đã phải đi bộ hai ngày, hai đêm. Trên đường đi, em gặp được một người dân Trung Quốc. Người này đã đưa em đến giao cho cơ quan chức năng địa phương.

Khi đến với Nhà Nhân ái, thời gian đầu, em không nói được tiếng Kinh, chỉ nói được chút tiếng Trung Quốc pha lẫn tiếng Mông. Cô bé P.K lúc ấy dù đã 13 tuổi, song bé nhỏ như chỉ khoảng 9 - 10 tuổi, run rẩy, sợ sệt không khác gì chú chim non bị gặp bão - ông Nguyễn Tường Long, Trưởng Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng không quên được những hình ảnh ấy.

Sau những buổi trị liệu, tư vấn tâm lý kỹ càng, thận trọng, cô bé bắt đầu mở lòng, chia sẻ quá trình bị lừa bán và chạy trốn của mình thông qua những hình vẽ non nớt. Với sự động viên, hỗ trợ của các cán bộ, tổ chức chuyên trách và sự chia sẻ, yêu thương đến từ những người đồng cảnh ngộ trong Nhà Nhân ái, bằng sự cố gắng và chăm chỉ học tập, sau hai năm, em P.K đã thi đỗ vào một trường nghề. Hiện em đã trở thành hướng dẫn viên du lịch.

Không được may mắn như P.K, L.T.M (sinh năm 1994), chị cả của các em tại Nhà Nhân ái - đã phải trải qua cuộc sống hôn nhân với một người đàn ông ngoại quốc và sinh con. Sóng gió đã qua nhưng M vẫn không giấu được u buồn khi kể về những gì mình đã trải qua khi ở bên Trung Quốc.

Năm 2013, L.T.M bị bạn bè lừa bán sang Trung Quốc. Em bị gả làm vợ một người đàn ông Trung Quốc, họ ép em phải sinh con, em đã sinh một bé gái cho gia đình họ. Trong lúc họ lơ là, em đã gạt nước mắt, bỏ lại con nơi đất khách và chạy trốn về Việt Nam.

Từ một cô gái mang trong mình vết thương lòng tưởng như không thể nguôi ngoai được, bản thân lúc nào cũng mặc cảm, tự ti và buồn tủi, giờ đây, M. đã trưởng thành hơn rất nhiều. Em được hỗ trợ học chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, em đã xin được việc làm tại thành phố Lào Cai. Nhà Nhân ái như một mái nhà thực sự của em. Nơi đây, em đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương, giúp đỡ của mọi người. Nơi em được trở lại với cuộc đời một lần nữa...

N.T.N sinh năm 1998, quê Ninh Bình, chỉ vì nghe theo lời bạn trai mới quen trên Facebook rủ rê lên Lào Cai chơi, N đã bị bạn trai bán sang Trung Quốc và bị bọn buôn người ép làm gái mại dâm. N không chịu tiếp khách và chạy trốn, bị chúng bắt lại rồi đánh cô đến mờ mắt.

Hàng ngày, phải chứng kiến cảnh nhiều cô gái Việt Nam bị tra tấn dã man, bị giết vì chạy trốn, N luôn sống trong tâm trạng lo sợ, bị trầm cảm. Ngày nào cô cũng hút thuốc, dùng thuốc lá để gí vào tay tạo thành những vết thương chi chít và xăm hình kỳ quái trên cánh tay.

Do phải tiếp nhiều khách nên N bị viêm nhiễm phụ khoa nặng. N đã được cán bộ Nhà Nhân ái đưa đi khám, chữa bệnh, được hỗ trợ để xóa hình xăm và những vết thương trên cánh tay. Được trị liệu tâm lý nên N đã bớt lo âu, sợ hãi, tâm lý dần dần ổn định hơn. N còn được đi học may và về quê để làm nghề may, lập gia đình, ổn định cuộc sống…

Cần xóa bỏ rào cản từ sự kỳ thị

Sinh hoạt thường ngày của học viên Nhà Nhân ái. (Ảnh trong bài: Sở Lao động-Thương binh Xã hội Lào Cai)

Sinh hoạt thường ngày của học viên Nhà Nhân ái. (Ảnh trong bài: Sở Lao động-Thương binh Xã hội Lào Cai)

P.K, L.T.M và N.T.N là những nạn nhân bị mua bán trở về được Nhà Nhân ái tiếp nhận và cung cấp nơi ở an toàn cùng các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, tham vấn, kỹ năng sống, ngoại khóa, học văn hóa, học nghề, việc làm, tiết kiệm có định hướng... nhằm giúp các em tái hòa nhập cộng đồng bền vững trong gần 14 năm qua.

Ông Nguyễn Tường Long, Trưởng Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng cho biết: “Gần như 100% nạn nhân trở về đều bị sang chấn tâm lý nặng nề. Có những em muốn tự tử, mặc cảm, tự ti, xa lánh mọi người. Chúng tôi vận dụng kỹ thuật tiếp cận và mất rất nhiều công sức mới giúp các em dần dần hòa nhập”. Chưa kể, sau khi được giải cứu trở về, ngoài những rào cản đến từ kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, việc học hành dang dở, sự kỳ thị của xã hội, một số em còn chịu áp lực rất lớn ngay từ phía gia đình của mình xuất phát từ hủ tục lạc hậu còn rơi rớt và nhận thức hạn chế của người nhà. Do đó, cần củng cố niềm tin để nạn nhân không bị phân biệt kì thị khi trở về. Bởi sự kỳ thị đó làm nỗi đau của họ không thể nguôi, dễ đẩy họ tới vòng xoáy bi kịch thêm một lần nữa…

Vì vậy, phía Ban Quản lý thường xuyên có đợt khảo sát rất kỹ với rất nhiều thời điểm đối với các gia đình nạn nhân bị mua bán trở về. Gia đình nào cam kết đủ điều kiện cho con cái học tập, sinh hoạt tốt thì mới giao nhận và vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với gia đình cho đến khi nạn nhân thực sự trưởng thành. Với những gia đình không đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản, sẽ được giữ lại để đảm bảo hỗ trợ nạn nhân một cách phù hợp, tạo cơ hội cho các em thay đổi cuộc sống.

Ngoài ra, nơi đây từng tiếp nhận và hỗ trợ 4 nạn nhân người Lào và Campuchia bị bán qua Trung Quốc. Đặc biệt, có lần tiếp nhận đến 18 phụ nữ ngoại tỉnh (đa số từ khu vực phía Nam) bị bán qua Trung Quốc, được Bộ đội Biên phòng Việt Nam phát hiện và giải cứu.

Cùng với đó, Nhà Nhân ái đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống buôn bán người và di cư an toàn tại những trường học, nhà máy, trung tâm giới thiệu việc làm, bến xe, phiên chợ miền cao, làng xã sát biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia... Ngoài ra, tổ chức này còn phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang thực hiện Nhà Nhân ái Long Xuyên, đã hỗ trợ hàng trăm nạn nhân miền Tây Nam Bộ bị buôn bán trở về từ Trung Quốc và phần lớn từ những vùng lân cận Campuchia.

Sau 14 năm với hơn 324 học viên, 100% nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được hỗ trợ học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định. 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống. 100% được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội.

Nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học, góp phần tuyên truyền kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán người tại các xã vùng cao và các điểm trường học…

Tuy nhiên theo ông Long, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Để những nạn nhân may mắn trở về vượt qua những ám ảnh, những đớn đau để trở lại cuộc đời bình yên…

Khi nạn nhân không được lắng nghe

Với kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân buôn bán người từ dự án của tổ chức Hagar, PGS.TS Nguyễn Thị Như Trang (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, một trưởng thôn 44 tuổi đã chia sẻ rằng: “Khi họ (nạn nhân) trở về cộng đồng như vậy (được giải cứu về), mọi người trong cộng đồng sẽ không tin họ nữa. Mọi người không bao giờ tin những người như vậy. Kể cả họ có là người tốt, nhưng sau khi (họ đã bỏ cộng đồng đi) như vậy thì mọi người cho rằng sự trở về của họ sẽ có tác động tiêu cực lên các thành viên khác. Thậm chí, trong lời động viên nạn nhân của một trưởng thôn khi nghe anh kể lại, chúng tôi cũng nhận thấy có sự kỳ thị ở trong đó. Tuy nhiên, việc anh ấy mạnh dạn đứng ra giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng đã là một điều tốt rồi. Có nạn nhân khi đang chia sẻ cho chúng tôi đã bật khóc. Chúng tôi không hiểu tại sao. Sau đó, cô ấy mới giải thích rằng cô chưa bao giờ được mọi người lắng nghe và động viên như cách mà chúng tôi đang làm”. PGS.TS Nguyễn Thị Như Trang cho rằng yếu tố văn hóa và tâm lý cộng đồng rất quan trọng trong việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập.

PGS.TS Nguyễn Thị Như Trang cũng nêu một số khó khăn như việc cung cấp hỗ trợ cũng có hàm ý của sự tuyên bố về trạng thái nạn nhân mua bán người, điều mà các nạn nhân và gia đình của họ có thể không muốn thừa nhận và không phải ai cũng ủng hộ việc hỗ trợ nạn nhân. Chính vì thế, việc hỗ trợ cũng cần được triển khai thận trọng và cân nhắc tới các chiều cạnh văn hóa và tâm lý cộng đồng.

Nguyệt Thương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xin-dung-ky-thi-nan-nhan-mua-ban-nguoi-post519827.html