Xin được làm chiếc lá…

'Nếu là con chim, chiếc láThì con chim phải hót, chiếc lá phải xanhLẽ nào vay mà không trảSống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?'

Mỗi độ xuân về, trong lòng tôi lại náo nức những vần thơ trong bài Một khúc ca xuân được nhà thơ Tố Hữu viết hơn 40 năm về trước:

Mỗi độ xuân về, trong lòng tôi lại náo nức những vần thơ trong bài Một khúc ca xuân được nhà thơ Tố Hữu viết hơn 40 năm về trước:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

Đó là những lời thơ cách mạng với lý tưởng hào sảng, đầy nhiệt huyết, mê say nhưng không hề “lên gân” mà lại rất đỗi giản dị, ngọt ngào. Khổ thơ thể hiện một quan niệm sống tích cực, sống cao đẹp trong mối quan hệ nhân sinh: vay và trả, cho và nhận của cá nhân, nhất là thế hệ trẻ đối với xã hội, với cộng đồng.

Là chim thì phải hót, lá thì phải xanh – câu thơ nói về một quy luật của tự nhiên, quy luật của sự sống muôn đời và vĩnh hằng. Màu xanh của lá, tiếng hót của chim trời còn là vẻ đẹp hồn nhiên và nguyên thủy nhất của thiên nhiên, là vẻ đẹp kì diệu của sự sống.

Là chim thì phải hót, lá thì phải xanh – câu thơ nói về một quy luật của tự nhiên, quy luật của sự sống muôn đời và vĩnh hằng. Màu xanh của lá, tiếng hót của chim trời còn là vẻ đẹp hồn nhiên và nguyên thủy nhất của thiên nhiên, là vẻ đẹp kì diệu của sự sống.

Rồi từ sự việc chim hót, lá xanh ý thơ liên hệ rất tự nhiên đến chuyện vay - trả, cho - nhận. Đây không chỉ là quy luật của cuộc sống xã hội, của con người mà còn là quan niệm sống, đạo lí sống ở đời: cuộc đời vốn sòng phẳng, công bằng, có vay có trả, có cho có nhận. Quy luật đó giản dị và tự nhiên:

“Cõ lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!”

Cũng với khát khao được cống hiến một phần nhỏ sức lực của mình cho cuộc đời, nhà thơ Thanh Hải viết trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến…”

Sau này, cũng lấy cái tứ ví mình là chiếc lá, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại viết:

“Kẻ vá trời lấp bể

Người đắp lũy xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh”

Vâng, mỗi chúng ta dù chỉ là một chiếc lá nhỏ bé, khiêm nhường giữa vũ trụ bao la nhưng hoàn toàn có thể để lại dấu ấn sống động. Chiếc lá tự mình thắp xanh, tỏa sáng, vô tư dâng hiến cho đời kể cả khi tan biến vào hư vô thì nó vẫn tiếp lửa cho một khởi đầu sự sống mới:

“Lá vàng rụng xuống

Cho đất thêm màu

Có mất đi đâu

Nhựa thêm chồi biếc”

(Xuân Quỳnh).

Mỗi con người chỉ có một cuộc đời để sống, mỗi cuộc đời chỉ có một lần tuổi trẻ. Vậy nên hãy sống hết mình bằng những năng lượng tích cực, hào phóng, vô tư dâng hiến, tận hiến để cuộc sống của mình luôn rực rỡ và ý nghĩa. Giản dị, sống động như những chiếc lá xanh…

Bảo Trâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ket-noi/xin-duoc-lam-chiec-la-490154.html