Xin làm hạt muối mặn cho đạo và đời!
Phật tử nên hòa nhập vào cộng đồng để lợi sanh rồi mới hoằng pháp được. Hãy làm điều lợi ích cho chúng sanh để dẫn dắt họ về với Chánh pháp. 'Sư già' teen nhất Sài Gòn: Tu tại gia gần 40 năm Tu chùa, chợ hay nhà là tốt nhất
Tôi còn nhớ một buổi chiều nắng gắt đang một mình ngồi đập đống gạch đá vừa chở từ nhà tới để lấp đoạn đường lầy lội trong xóm, bỗng nghe có người nói sau lưng: Tối ngày lo chuyện thiên hạ mà không biết có ai thương không!
Tôi quay mặt lại nhìn thì ra là lão Hai Cưng - một lão nát rượu ở xóm này chuyên nhậu cho đã rồi đi châm chọc người khác - hình như khiến người khác khó chịu là một thú vui không thể thiếu sau những chầu nhậu mỗi ngày của lão. Nhìn lão cặp nách chai rượu trắng, hai tay xắn quần lội qua bùn lầy, tôi trả lời: Ôi, mình chả cần ai thương, miễn thấy phải thì làm. Lão ta cười hề hề không nói nữa, chân thấp chân cao tay xách chai rượu đi xuống nhà ông bạn cũng là đệ tử lưu linh nhậu tiếp. Tôi lại tiếp tục đập đá nện xuống đống sình.
Cái con đường lầy lội này gần ba chục nhà đi qua lại, hàng chục người đi ruộng mỗi ngày nhưng chẳng ai buồn tu sửa. Nếu gặp khúc sình lầy, đàn ông, thanh niên mạnh giò mạnh cẳng thì nhảy qua, còn mấy bà và các em nhỏ đi học phải xắn quần mà lội. Lại còn cây cầu khỉ chông chênh nằm ở cuối đường khiến việc đi lại khó khăn thêm. Khi mới mua mảnh vườn dừa kế bên con đường này, dù đất của tôi có đường đi riêng nhưng thấy mọi người qua lại vất vả, tôi bàn với họ nên xúm nhau tu sửa thế mà chẳng ai quan tâm đến lời tôi nói.
Vận động mấy lần không được tôi thầm nghĩ mình là Phật tử, kêu gọi không xong thì tự mình làm để tích chút phước trên đường tu.
Nghĩ là làm, sẵn có một đống xà bần gạch đá lúc sửa nhà còn dư ra định lót sân, tôi vô bao chất lên xe chở đến lấp những đoạn sình lầy. Vợ tôi tiếc của cự nự: Anh lấy đi hết rồi mai mốt làm sao lót sân, con đường đó mình có đi đâu mà lo. Tôi phải đấu dịu, giải thích cho cô ấy biết về pháp bố thí và những lợi ích của nó đồng thời phân tích lợi ích trước mắt, tôi nói: Mình mua miếng vườn đó ở xa nhà, phải nhờ bà con chung quanh dòm ngó giúp. Ngoài việc cho họ lá dừa để làm củi chụm mình nên lo cho họ những điều tốt đẹp trong khả năng, được như thế tình cảm của họ sẽ tăng lên, miếng vườn của mình không cần rào chắn vẫn an toàn chẳng lo mất mát. Đó là cách rào lòng người mà ông bà ta thường dạy.
Nghe lời phân tích có lý, vợ tôi làm thinh không cự nự nữa. Thế là tôi chở xà bần gạch đá đi thoải mái, thật nhẹ cả người. Vừa chạy xe tôi vừa tự khen mình nhanh trí ứng biến về chuyện rào lòng người chứ chỉ nói về lợi ích bên Phật pháp chưa chắc yên với cô ta. Quý bà đa phần là lo vun vén cho gia đình mình trước đã, còn mọi chuyện khác tính sau.
Thế là chỉ trong vòng một tuần lễ tôi đã chở sạch đống xà bần ở nhà đem lấp đầy những đoạn lầy của con đường nhưng chỉ lấp được một phần ba. Nhìn những đoạn sình lầy còn lại tôi không biết phải giải quyết làm sao. Tiền đâu mà mua mấy khối đá để san lấp mà dù có tiền đi nữa liệu bà vợ có để yên cho mình đi mua. Nghĩ như vậy nhưng trong bụng vẫn tin tưởng sẽ có cách giải quyết vì đã nhiều lần thực hiện những chuyện liên quan đến Phật sự thấy bế tắc nhưng cuối cùng vẫn vượt qua được.
Một tháng sau nhà nước tiến hành trải nhựa con đường trước nhà tôi. Thấy anh em công nhân mồ hôi nhễ nhại, làm việc nặng nhọc dưới ánh nắng như đổ lửa của mùa hè, chẳng hiểu thế nào mà họ không có thùng nước giải khát. Tôi vội về nhà làm một phích lớn nước đá chanh muối, chạy ra chợ mua hai bịch kẹo, hai gói thuốc lá đem mời họ dùng. Họ vui vẻ dừng tay réo nhau uống nước, ăn kẹo, hút thuốc. Một lát sau có một người thanh niên đội mũ nhựa màu trắng có lẽ là ông thầu đến gặp tôi ngỏ ý trả lại tiền.
Tôi cười trả lời: Thương anh em cực khổ nên đem nước cho uống chứ đâu có tính tiền bạc gì. Từ đó suốt thời gian lao động trên đoạn đường trước nhà, ngày nào tôi cũng lo cho họ một phích nước lớn khi thì chanh muối khi thì trà đường, kẹo, thuốc lá. Cung cấp ngày hai lần sáng chiều. Tôi chỉ ngừng cung cấp khi họ đã đi xa khuất tầm mắt. Có lẽ nhờ việc làm đó họ thấy gần gũi với tôi, thỉnh thoảng lúc nghỉ giải lao họ ghé vào nhà uống trà nói chuyện rất vui vẻ. Một hôm đứng nhìn họ làm việc thấy những tảng đá đỏ to tướng nằm lăn lóc hai bên vệ đường, tôi hỏi họ sao không sử dụng đá đó. Những người công nhân bảo chỉ dùng đá nhỏ và đất đỏ mà thôi, những tảng lớn đó bỏ vì không có nhân công đập đá.
Tôi mừng quá liền đến gặp ông chủ thầu hỏi xin những tảng đá lớn để lấp sình lầy đoạn đường đi đang làm dang dở. Khi biết mục đích của tôi, ông ta liền đồng ý. Thế là tôi đã có một kho đá để độn xuống các đoạn sình lầy. Sau hơn một tuần nỗ lực làm việc, tôi đã lấp đầy những đoạn sình lầy của con đường. Nhìn thành quả của bao ngày lao động và nhìn những bước chân sạch sẽ của học sinh đi đến trường tôi thấy vui vui trong lòng.
Xong chuyện sình lầy, tôi lại tính tới cây cầu khỉ nằm trên đường đi. Cây cầu dài chỉ độ năm mét bắc ngang qua một con mương. Cầu được làm bằng tre nằm phơi mình dưới nắng mưa, chỉ vài tháng là bị ải, mục phải thay cây khác và đã có nhiều người té vì cầu gãy hoặc do trợt chân. Một hôm đang đứng nhìn cây cầu thì thấy một cô có thai bụng rất to đi qua cầu, tôi thót ruột thầm nghĩ: Trời ơi cô ta mà té, bụng giập lên cây cầu chắc…!
Tôi thầm trách ông chồng của cô ta sao lại để vợ đi qua cây cầu như vầy giữa lúc bụng mang dạ chửa mà không lo tu sửa cho an toàn. Về nhà kể lại cho vợ tôi nghe, vợ tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo: Ngày mai anh chịu cực xuống mé sông của mình đốn hai cây gõ rồi đem lại đó cặp hai bên cho cầu rộng ra, chứ để như vậy xảy ra chuyện sợ chết cả mẹ lẫn con. Tôi hơi bất ngờ về ý kiến của vợ vì bình thường cô ấy rất khắt khe chuyện làm từ thiện, thế mà hôm nay sao lẹ làng ủng hộ. Hình như bản năng bảo vệ, giúp nhau lúc sinh đẻ luôn tồn tại rất mạnh trong giới nữ. Tôi gật gù đắc ý vì phát hiện này.
Sau khi đốn cây xong, vợ chồng tôi è ạch khiêng hai cây gõ tới chỗ cây cầu tre. Vừa định lội xuống mương thì có một tốp thanh niên trong xóm đi ngang qua thấy chúng tôi chuẩn bị bắc cầu họ xúm lại giúp chỉ một loáng là xong. Nhìn cây cầu bây giờ đã có bề ngang, chắc chắn hơn, vợ chồng tôi thấy an tâm cho người phụ nữ có thai kia.
Sau đó tôi có kế hoạch vận động làm cầu bằng xi-măng cốt thép cho chắc chắn. Chuyện vận động trong cộng đồng rất nhiêu khê, mà tánh tôi lại ngán chuyện phiền hà, họp hành. Thôi thì vận động trong nhà trước đã, thiếu đủ tính sau. Nhà tôi ở vốn là nhà thờ của dòng họ, mỗi năm giỗ ông bà hai lần. Trong lễ giỗ cuối năm, sau khi cúng quảy, ăn uống xong tôi gọi mấy đứa cháu lại trình bày ý muốn làm cầu từ thiện. Các cháu của tôi đa số là Phật tử đã nhiệt tình ủng hộ. Có đứa góp hai trăm ngàn, có đứa năm trăm ngàn… Cộng tiền dành dụm của tôi và tiền của các cháu đóng góp tôi thấy đã đủ để làm một cây cầu bê-tông chắc chắn.
Sau khi khảo sát thực tế, tôi và ba ông thợ hồ tính toán cấu trúc cây cầu và tiến hành đổ bê-tông theo thiết kế tại sân nhà tôi để tiện việc tưới nước. Một người bạn thân hay tin tôi xây cầu từ thiện đã vào phụ trộn hồ suốt buổi chiều. Lúc bê-tông còn mềm tôi khắc lên các tấm đan lót mặt cầu hình bông sen tượng trưng cho Phật pháp, bởi nhờ Phật pháp mới có cây cầu này. Sau đó mỗi lần tưới nước cho bê tông tôi luôn niệm Phật và thầm cầu nguyện cho việc bắc cầu được suôn sẻ.
Khi đã đủ thời gian theo yêu cầu kỹ thuật, tôi định ngày rằm tháng Giêng sẽ bắc cầu. Trước đó hai ngày tôi đến từng nhà các hộ thường qua lại con đường để trình bày sự việc và đề nghị họ hỗ trợ. Ai cũng vui vẻ nhận lời.
Bảy giờ sáng ngày rằm tháng Giêng, những người đàn ông hứa giúp đã có mặt đầy đủ. Việc vận chuyển các bộ phận của cây cầu khá vất vả vì thanh cầu, trụ cầu, đan lót đều dài và nặng, đường đi thì hẹp lại ngoằn ngoèo. Nhờ đông người và nhiệt tình rốt cuộc cũng xong. Cây cầu đã được đưa đến nơi an toàn. Đúng mười giờ chúng tôi đã bắc xong cầu, mọi người đều mệt nhoài, nhưng ai nấy đều hoan hỷ. Trở về nhà, tôi thắp hương bàn Phật tạ ơn Tam bảo đã phù hộ mọi việc suôn sẻ, hanh thông.
Con đường ngày ấy, bây giờ đã được các hộ sống chung quanh góp công góp của đổ bê-tông chạy dài tận cánh đồng xa. Chiếc cầu bê-tông vẫn vững vàng cùng năm tháng. Phần tôi nhờ bỏ công sức đắp đường, xây cầu nên đã có điều kiện tiếp xúc thân mật với các hộ sống nơi đó. Hai mươi hộ đã phát tâm thờ Phật theo sự hướng dẫn của tôi. Có người đã quy y Tam bảo, có nguời ngày rằm hàng tháng biết đến chùa lễ Phật cúng dường. Tôi chợt nghĩ đến người làm muối, muốn muối mau kết tụ thường rải muối hạt vào ruộng muối - những hạt muối đó gọi là muối giống.
Có lẽ Phật tử chúng ta cũng như thế, phải hòa nhập vào cộng đồng để lợi sanh rồi mới hoằng pháp được. Hãy làm điều lợi ích cho chúng sanh để từ đó dẫn dắt họ về với Chánh pháp.
Nên kiếp này tôi xin mãi làm hạt muối mang vị mặn cho đạo và đời!
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Người Phật tử đã biết gì về Phật A Di Ðà?
Phật tử đến chùa cần biết những gì?
Nhà sư “nhất bộ nhất bái” đã trở về chùa Hoằng Pháp
An Viên - Kênh truyền hình hướng đến Phật tử
Nhìn lại vụ thiên hạ "ném đá" trùng tu chùa Trăm Gian
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Những giáo lý cơ bản để tìm hiểu Bát Nhã Tâm Kinh
Ngôi chùa chưa bao giờ đặt hòm công đức