Xín Mần đi đầu thực hiện Đề án 'Đưa văn hóa truyền thống vào trường học'
Từ năm 2013, huyện Xín Mần thực hiện Đề án 'Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy ở trường học'. Đến nay, Đề án mang lại những hiệu quả tích cực, giúp học sinh trang bị kỹ năng sống; đồng thời, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Xuất phát từ thực tiễn
Xín Mần có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 96%, chủ yếu là các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, La Chí... Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán mang bản sắc riêng. Trong sự phát triển chung của xã hội, học sinh là con em đồng bào DTTS được đến trường, nhưng ít có điều kiện tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc, dẫn đến nguy cơ văn hóa truyền thống của các DTTS dần mai một. Thực tế tại các trường ở huyện, một số học sinh ít mặc các trang phục của dân tộc. Những trò chơi dân gian hầu như không còn diễn ra. Bên cạnh đó, nhiều học sinh tâm lý thiếu tự tin trong lớp học và chơi theo từng nhóm theo từng dân tộc… Xuất phát từ thực tiễn, năm 2013 huyện đã khảo sát và xây dựng Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” để triển khai thực hiện ở tất cả các trường, các cấp học trên toàn huyện.
Đồng chí Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2013 – 2015, giai đoạn này, học sinh các trường học sẽ được làm quen với các điệu múa truyền thống, làn điệu dân ca của từng dân tộc. Giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện từ năm 2015 – 2020, giai đoạn phát triển nâng cao. Đề án thực hiện với mục đích gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Ngoài ra, giúp cho học sinh thêm kỹ năng sống, các em không e thẹn và tăng thêm tình đoàn kết dân tộc. Giúp cho thế hệ trẻ biết và múa được các làn điệu dân ca của dân tộc. Từ đó nâng cao giá trị văn hóa truyền thống, tạo nguồn phát triển và bảo tồn các Hội Nghệ nhân dân gian.
Đẩy mạnh thực hiện
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Đề án, huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa khảo sát toàn bộ, đánh giá thực trạng về lưu giữ, giữ gìn văn hóa dân tộc ở các xã, thị trấn, đặc biệt trong các trường học; tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán và các nét văn hóa khác như: Trang phục, ẩm thực, lao động sản xuất, dân ca, dân vũ… Từ đó, phối hợp với Phòng GD&ĐT đẩy mạnh tuyền truyền trong phụ huynh, giáo viên và học sinh, tích cực vận động các em tham gia những buổi ngoại khóa, các giờ ra chơi. Công tác truyền dạy được thực hiện đồng bộ với nhiều hình thức, từ thực tiễn đến sân khấu hóa. Trước tiên, huyện chỉ đạo nhà trường phối hợp với địa phương mời nghệ nhân dân gian truyền dạy cho các giáo viên cốt cán và từng bước phổ biến rộng rãi đến học sinh. Cùng với đó, Phòng Văn hóa chịu trách nhiệm sưu tầm và phát hành các phóng sự, hình ảnh các nét văn hóa ở các trường học.
Cô giáo Đào Thị Yến, Hiệu phó Trường Tiểu học Cốc Pài chia sẻ: Văn hóa truyền thống được nhà trường giảng dạy từ năm học 2013 - 2014. Hàng tháng nhà trường mời các nghệ nhân của địa phương đến truyền dạy văn hóa, hướng dẫn học sinh hát, múa, chơi trò chơi dân gian...
Đồng chí Tô Quang Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Từ khi triển khai, các trường tổ chức truyền dạy với 526 chuyên đề, trong đó hơn 1.300 tiết học giáo dục kỹ năng sống với 116 câu lạc bộ sở thích được thành lập. Nhà trường, giáo viên, nghệ nhân dân gian truyền dạy đảm bảo các tiết dạy, giờ học với các nội dung phong phú, sáng tạo, gần gũi, phù hợp đối với học sinh của từng cấp học. Ngoài ra, các nhà trường tổ chức đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, không chỉ truyền đạt các điệu múa hay làn điệu dân ca mà còn lồng ghép dạy cho các em làm các mô hình nhà sàn, thư viện treo, để các em hình thành tính cách tự lập hơn trong cuộc sống, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.
Hiệu quả bước đầu
Sau 6 năm thực hiện, Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Từng cấp học đã có nhiều sự chuyển biến rõ nét và có sự phân luồng, lộ trình thực hiện cụ thể. Đối với cấp tiểu học, học sinh được tiếp cận, truyền dạy, tập luyện và biểu diễn các nhạc cụ truyền thống như: Khèn, sáo, đàn, gậy đồng xu, múa bát… các làn điệu dân ca, dân vũ bằng ngôn ngữ DTTS. Không những thế, học sinh còn nắm bắt được các nội dung cơ bản về phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông, trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước thông qua các hoạt động dạy bơi, các nguyên tắc an toàn khi bơi. Song song với việc nâng cao chất lượng học tập, qua các buổi ngoại khóa, học sinh được truyền dạy các nghề truyền thống như: Dệt, thêu thổ cẩm và làm một số sản phẩm truyền thống của địa phương như khèn mông, gậy đồng xu, sáo… Sau khi các em làm quen được các điệu múa, nhạc cụ dân tộc, học sinh cấp THCS, THPT tiếp tục rèn luyện các kỹ năng vận dụng kiết thức xã hội, thực hành văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của địa phương bao gồm: Thực hành biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, kỹ năng thêu dệt và làm các sản phẩm truyền thống. Cùng tham gia biểu diễn với các nghệ nhân trong các hoạt động văn hóa dân gian tại huyện, tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Không gian trưng bày văn hóa, du lịch tỉnh Hà Giang ở Hà Nội, Lễ hội Tràng an, tỉnh Ninh Bình năm 2019…
Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Hòa cho biết thêm: Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh. Nhìn chung học sinh các bậc học đã hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, góp phần hình thành nhân cách con người, biết áp dụng các kỹ năng vào cuộc sống.
Bài, ảnh: VĂN LONG