Xô xát giữa du khách Hàn và cô gái Việt: Vì sao nhân viên photobooth không can?
Mâu thuẫn ở một tiệm photobooth (quán có buồng chụp ảnh) tại Hà Nội đã dẫn tới sự việc không đáng có: Một nữ du khách Hàn Quốc đã xô xát với một cô gái người Việt. Sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng nhân viên của quán gần như không có sự can thiệp đáng kể.
Theo các bài đăng và video trên mạng xã hội, một vụ ồn ào đã xảy ra giữa hai du khách Hàn Quốc và hai cô gái người Việt tại một tiệm photobooth ở Hà Nội.
Qua các hình ảnh được ghi lại và bài đăng của người nhận là một trong hai cô gái người Việt, thì hai cô đang chụp ảnh ở photobooth và vẫn trong khung giờ cho phép nhưng hai nữ du khách người Hàn tỏ ra sốt ruột, giục hai cô gái này nhanh lên.

Một trong 2 nữ du khách thúc giục 2 cô gái chụp ảnh nhanh lên. Ảnh: YouTube.
Sau đó, một trong 2 nữ du khách Hàn Quốc bất ngờ hất mũ của một cô gái người Việt và cô gái này phản ứng lại, dẫn đến ẩu đả, rồi nữ du khách Hàn Quốc đã túm tóc, đánh cô gái người Việt.

Vụ ẩu đả xảy ra. Ảnh: YouTube.
Cơ quan chức năng đang làm rõ sự việc, xác định những người có liên quan. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng tỏ ra bức xúc với nhân viên của quán vì không quyết liệt can ngăn mà chỉ đứng ở vòng ngoài, sự can thiệp gần như không đáng kể.
Netizen tin rằng trong một tình huống thế này, trách nhiệm của nhân viên quán photobooth là rất lớn, vì họ là người có mặt tại hiện trường. Hơn nữa, khách đến quán thì cần được nhân viên hỗ trợ; chứ nhân viên không can thiệp được trong một tình huống như vậy có thể làm cho quán mang tiếng, chưa kể đến việc để xảy ra đánh nhau trong quán thì có những người có thể sẽ bị pháp luật xử lý.

Nhiều netizen cho rằng nhân viên quán "có can ngăn nhưng không đáng kể". Ảnh: YouTube.
Việc nhân viên quán photobooth gần như không can thiệp cho thấy rất có thể các bạn đã không được đào tạo để xử lý những tình huống thế này, hoặc các bạn bị giới hạn bởi rào cản ngôn ngữ, hoặc ngại va chạm. Cũng có thể phần lớn các bạn nhân viên ở các quán là sinh viên đi làm thêm, chưa được trang bị kỹ năng ra quyết định nhanh trong những tình huống căng thẳng.
Cho nên, sự việc này đã chỉ ra những gì cần được thực hiện, chẳng hạn nhân viên của bất kỳ quán nào cũng nên được đào tạo để “hóa giải” căng thẳng của khách một cách nhẹ nhàng, hợp lý, không để sự việc leo thang. Nhân viên cũng nên biết trong trường hợp nào thì lập tức gọi quản lý, bảo vệ hoặc thậm chí gọi cảnh sát nếu cần thiết.
Ngoài ra, ở các quán hay có du khách ghé tới, nên có những bảng ghi quy định bằng nhiều thứ tiếng, ghi chú rõ rằng có camera quan sát đang ghi hình. Như vậy môi trường ở các quán có lẽ sẽ văn minh, ổn định hơn rất nhiều.