Xóa bỏ biên chế suốt đời, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm
Bỏ tư duy 'biên chế suốt đời', đánh giá căn cứ vào kết quả, sản phẩm... là những điểm đột phá của dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi trình Quốc hội sáng 7/5.
Nội dung trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu trong báo cáo dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng nay (7/5).
Theo đó, dự luật sửa đổi, bổ sung quy định nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Dự luật quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Đồng thời, bỏ quy định thi nâng ngạch mà thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ. Qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Quochoi.vn).
Cùng với đó là đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Dự luật còn quy định các phương thức tuyển dụng linh hoạt, ngoài thi tuyển, xét tuyển truyền thống còn bổ sung hình thức tiếp nhận người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… hoặc thực hiện ký hợp đồng có thời hạn với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, dự luật sửa đổi, bổ sung quy định nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.
Bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm…
Bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” có thể bị cho thôi việc
Dự thảo cũng nêu rõ, công chức bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” có thể bị bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc bị cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu.
Theo dự thảo, công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.
Kết quả đánh giá được lưu vào hồ sơ, thông báo cho cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Đây là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Mục tiêu nhằm sàng lọc và đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Với trường hợp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể xem xét điều chuyển công chức sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Nếu công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp sẽ bị buộc thôi việc.
Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh rằng các quy định mới được đề xuất nhằm xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời" và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các thay đổi này hướng tới việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại, quản lý công chức theo hướng minh bạch, đảm bảo sử dụng đúng người, đúng việc, sàng lọc những người không đáp ứng yêu cầu.
So với bản dự thảo hồi tháng 4, đề xuất mới đã bỏ quy trình theo dõi 6 tháng đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ và cho phép xem xét xử lý ngay. Nội dung tại dự thảo cũng thay đổi đáng kể so với quy định hiện hành. Hiện nay, công chức không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp mới bị cho thôi việc, công chức lãnh đạo không hoàn thành hai năm trong nhiệm kỳ sẽ bị bố trí lại công việc khác có yêu cầu thấp hơn hoặc không bổ nhiệm lại.
Dự thảo cũng cụ thể hóa yêu cầu về đạo đức công vụ và trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trong đó, nhấn mạnh quy định về đạo đức, chuẩn mực hành vi của cán bộ, công chức, phù hợp với chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu về một nền hành chính liêm chính, minh bạch.
Thể chế hóa chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo đúng chủ trương của Đảng; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ; bổ sung quy định xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức là một trong các nội dung quản lý cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý cán bộ, công chức trong môi trường điện tử, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quochoi.vn).
Báo cáo thẩm tra dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Ông cho rằng, việc liên thông tại thời điểm hiện nay đủ độ chín, là yêu cầu cấp thiết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ủy ban cũng tán thành việc tiếp tục quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức.
Về đề nghị dự luật bổ sung quy định khung tiêu chí xác định “người có tài năng” để tránh việc áp dụng không thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban sẽ giao Chính phủ quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục xây dựng và thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.
Dự luật cũng được đề nghị bổ sung nhiều nội dung như: căn cứ xác định vị trí việc làm là “khối lượng công việc thực tế”; đánh giá kỹ tác động của việc bổ sung quy định về ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ…
Chiều nay, các đại biểu thảo luận tại tổ về hai dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).