Đánh giá cán bộ công chức không chỉ bằng KPI
Việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, dựa trên vị trí việc làm và chỉ số hiệu quả công việc (Key Perfomance Indicator - KPI), thay cho cách đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay.
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại thảo luận tổ Yên Bái ở Quốc hội diễn ra chiều 7/5 khi bàn về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tuy nhiên tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng chỉ dựa trên KPI là chưa đủ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại thảo luận tổ Yên Bái.
Theo Bộ trưởng, sau khi Quốc hội thông qua dự thảo luật, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng về việc đánh giá công chức. “Khi áp dụng phương pháp mới, việc đánh giá trở nên rất đơn giản. Công chức làm gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm - tất cả đều được lượng hóa và dùng làm dữ liệu đầu vào. Đây là thước đo rõ ràng, minh bạch”.
Người đứng đầu ngành nội vụ cũng thông tin thêm, việc đổi mới phương thức đánh giá nhằm xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời": vào biên chế sẽ không đồng nghĩa với việc "ngồi chắc, không ra". Do vậy “cần hai công cụ chính là đánh giá theo vị trí việc làm và áp dụng cơ chế hợp đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học và các chức danh đặc thù khác. Cơ chế hợp đồng cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước tiên tiến. Họ không duy trì biên chế cứng như ta mà linh hoạt trong tuyển dụng, quản lý và đánh giá".
Cũng liên quan tới đánh giá cán bộ công chức, tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá định kỳ dựa trên KPI. Tuy nhiên, việc này là chưa đủ mà cần lấy ý kiến phản hồi từ người dân và doanh nghiệp, làm cơ sở cho các khâu khác trong công tác cán bộ để đảm bảo sự khách quan và minh bạch.
Đại biểu Hà Nội cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền lợi và động lực cho cán bộ, công chức, trong đó có chính sách lương, thưởng công bằng, gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc. “Nhiều nước trong khu vực đã áp dụng chính sách lương, thưởng theo hiệu suất công việc KPI hằng năm. Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, chúng ta cũng nên áp dụng chính sách này”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại thảo luận tổ Hà Nội.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) từng đề xuất áp dụng KPI và đánh giá định kỳ cán bộ, công chức theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm. Những người hoàn thành xuất sắc sẽ được tặng thưởng, bằng khen, đề bạt, thăng chức phù hợp với mức độ đóng góp.
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), kết quả đánh giá sẽ được lưu vào hồ sơ, thông báo đến cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Đây là căn cứ để sử dụng, bố trí, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Mục tiêu là sàng lọc, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, công chức sẽ bị buộc thôi việc. So với quy định hiện hành, đây là bước thay đổi đáng kể. Hiện nay, công chức chỉ bị cho thôi việc sau hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; đối với công chức lãnh đạo, nếu không hoàn thành hai năm trong một nhiệm kỳ sẽ bị bố trí lại công việc khác hoặc không được bổ nhiệm lại.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng nêu rõ, một trong các nội dung tập trung sửa đổi lần này là Chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/danh-gia-can-bo-cong-chuc-khong-chi-bang-kpi-327921.htm