Xóa bỏ bù chéo giá điện

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội yêu cầu khi sửa Luật Điện lực cần có lộ trình rõ ràng để xóa bỏ bù chéo giá điện sinh hoạt cho sản xuất

Ngày 19-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ QH đã họp phiên thứ 36, xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Bộc lộ bất cập

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường, là một trong 6 nhóm chính sách lớn tại dự án luật. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.

Luật Điện lực hiện hành quy định "thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng", tuy nhiên trên thực tế cơ cấu biểu giá điện bộc lộ bất cập khi người dân phải bù chéo cho sản xuất, người dùng nhiều bù cho dùng ít. Do đó, Chính phủ nhấn mạnh cần thiết bổ sung quy định chính sách về việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện. Việc này nhằm áp dụng cơ chế giá điện phù hợp với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao.

Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) cho rằng việc bổ sung các quy định về xây dựng chính sách giá điện tiến tới sát thị trường là phù hợp. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, các quy định về giảm bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng chưa thể hiện cụ thể tại dự thảo luật. Thường trực Ủy ban KH-CN-MT cho rằng dự thảo luật cần đưa ra nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn nhằm bảo đảm bình đẳng xã hội, nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất.

Về giá điện và giá các dịch vụ điện nói chung, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thiết kế lại để phù hợp quy định

Thảo luận tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, băn khoăn Nhà nước có nên độc quyền truyền tải điện hay không. Theo ông Vũ Hồng Thanh, điều 5 dự thảo luật quy định Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

"Chúng tôi đồng tình với việc Nhà nước độc quyền trong một số hoạt động vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, song việc truyền tải có cần thiết độc quyền hay không, hay phân loại ra, Nhà nước chỉ bảo đảm một phần" - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh cho rằng dự thảo luật nếu "xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh" nhưng lại độc quyền trong vận hành truyền tải thì liệu có hợp lý hay không?

Tại tờ trình QH, Chính phủ nêu rõ xem xét, thông qua dự án luật này theo quy trình 1 kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 của QH khóa XV). Song tại phiên họp này, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH còn băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật để xem xét, cho ý kiến và thông qua theo quy trình 2 kỳ họp.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy cho rằng trong 121 điều có 25 nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và 15 nội dung giao Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn. Do đó, dự thảo luật còn nhiều nội dung cần làm rõ, quy định cụ thể hơn.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết điều 21 của Luật Giá quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân.

Trong khi đó, điều 76 của dự thảo luật hiện nay thiết kế theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định về cơ cấu biểu giá cả bán lẻ và bán buôn là chưa phù hợp với Luật Giá. "Vì vậy, cần thiết kế lại để phù hợp với quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần lưu ý vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý Nhà nước về giá" - ông Lê Quang Mạnh nêu quan điểm.

Tin tưởng khi Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của QH tháng 7-2024. Trình bày báo cáo, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH, nêu rõ cử tri, nhân dân bày tỏ sự tin tưởng và vui mừng khi Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII với số phiếu tuyệt đối.

Cử tri, nhân dân kỳ vọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ kế thừa, phát huy những thành quả cách mạng mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng. Đồng thời, duy trì sự đoàn kết, thống nhất và cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xoa-bo-bu-cheo-gia-dien-196240819223505366.htm