Doanh nghiệp bia xin lùi tăng Thuế tiêu thụ đặc biệt: Có hợp tình, hợp lý?
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia theo lộ trình từ năm 2026 tới năm 2030, mỗi năm tăng 5%, với 2 phương án.
Doanh nghiệp than “sốc”
Cụ thể, đối với rượu từ 20 độ trở lên: Phương án 1 từ 70% năm 2026 lên 90% năm 2030. Phương án 2 từ 80% năm 2026 lên 100% năm 2030.
Đối với rượu dưới 20 độ: Phương án 1 từ 40% năm 2026 lên 60% năm 2030. Phương án 2 từ 50% năm 2026 và tăng lên 70% năm 2030. Đối với mặt hàng bia: Phương án 1 từ 70% năm 2026, đến năm 2030 là 90%. Phương án 2 từ 80% năm 2026 và năm 2030 là 100%.
Và theo đánh giá tác động, đối với phương án 1, giá bán bia rượu năm 2026 sẽ tăng 2-3% so với năm 2025, các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước. Còn phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% so với năm 2025, các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước.
Về vấn đề này, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia, Rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng việc tăng thuế có thể làm gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành, vốn đã phải vật lộn qua dịch bệnh Covid-19.
Theo bà Vân Anh, đã có DN phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô, thay đổi cấu trúc để thích ứng với điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc đánh thuế lên tới 100% đến năm 2030 là một mức thuế suất rất lớn, DN rất bất ngờ và chưa đánh giá hết tác động của đề xuất này.
“Hiệp hội và DN rất mong muốn có lộ trình và mức tăng phù hợp, hài hòa, tránh tăng sốc mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu cũng như việc thực thi chính sách” - bà Vân Anh kiến nghị và đề xuất thời điểm hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) từ năm 2027, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng (tăng 2 năm một lần, mỗi lần 5% và tăng tối đa lên 80% vào năm 2030).
Khó nhưng vẫn lãi
VBA cho rằng, những năm gần đây ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng cửa. Cụ thể, Heineken Việt Nam, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng tại Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm hai con số trong năm 2023; Sabeco có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của DN tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số; Habeco phản ánh năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động; Halico liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, nên đến cuối năm 2023, Halico đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, lũy kế lên đến 457,7 tỉ đồng.
Đáng chú ý, những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các DNp ngành rượu, bia giảm sút sản lượng, doanh thu, ngân sách... Tuy nhiên, thực tế lại khác, theo Báo cáo tài chính quý II/2024 của Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát (Habeco, mã BHN) lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Habeco Trading lần lượt đạt 646 tỉ đồng (+13,1% YoY) và 12,7 tỉ đồng (+6,7% YoY). Như vậy, công ty đã hoàn thành gần 48% kế hoạch doanh thu (1.351 tỉ đồng) và 68% mục tiêu lợi nhuận (18,7 tỉ đồng).
Trong nửa đầu năm nay, Sabeco đạt doanh thu 15.378 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập DN 2.342 tỉ đồng, lần lượt tăng 5% và 6% so với cùng kỳ năm trước.
Quý II vừa qua cũng là quý tăng trưởng doanh thu thứ 9 liên tiếp của công ty này. Bất chấp yêu cầu thực thi nghiêm ngặt của Nghị định 100 và sự cạnh tranh gay gắt, Sabeco đã tìm cách tăng doanh thu thông qua việc tăng giá bán sản phẩm.
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán FPTS ước tính giá bán bia bình quân của Sabeco năm 2022 tăng 11,3% theo năm và năm ngoái tiếp tục tăng giá bán thêm 1,1%. Về triển vọng tăng trưởng, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Vietcap dự báo mức tiêu thụ bia sẽ phục hồi trong năm 2024 từ mức thấp trong năm 2023, được dẫn dắt bởi đà phục hồi của nền kinh tế bất chấp việc thực thi Nghị định 100 và cạnh tranh gay gắt vẫn đang diễn ra.
Các nhà phân tích cho rằng đà tăng trưởng sản lượng bia và biên lợi nhuận có thể chậm lại trong 2 hoặc 3 năm đầu sau khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng sau đó phục hồi mạnh mẽ nhờ chuyển phần thuế tăng cho người tiêu dùng. Theo đó, tác động của luật thuế mới tới các “ông lớn” ngành bia là không đáng kể và Sabeco sẽ tiếp tục giành thêm thị phần trong những năm tới và duy trì vị thế thống trị về mặt sản lượng bán hàng cùng Heineken.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) ủng hộ việc điều chỉnh tăng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia như cách tính hiện tại theo theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội.
Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp DN, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột.