Xóa bỏ hủ tục ở Mèo Vạc: Gắn kết 'ý Đảng - lòng dân' - Bài 1: Hệ lụy từ hủ tục

LTS: Nằm ở rẻo cao nơi cực Bắc của Tổ quốc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) còn nhiều hủ tục 'bám rễ', kéo theo nhiều hệ lụy. Trước thực trạng đó, ngày 1-5-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TU, ban chỉ đạo xóa bỏ hủ tục các cấp đã được thành lập, hoạt động với phương châm 'việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm', phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, từ đó thu được nhiều kết quả tích cực.

Bài 1: Hệ lụy từ hủ tục

Những ngày khảo sát tại huyện Mèo Vạc, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện buồn về các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu-phần nhiều xảy ra những năm trước đây, như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không cho người chết vào áo quan, tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc; nghi lễ cúng bái rườm rà, tốn kém... Hệ lụy là đói nghèo dai dẳng, trẻ em không được đi học đầy đủ; ô nhiễm, dịch bệnh...

Những người mẹ... trẻ con

Thay vì cùng bạn bè đồng trang lứa theo đuổi con đường học tập, được vui chơi, được ra ngoài tìm hiểu cuộc sống thì Thào Mí Sánh (ở thôn Sủng Trà, xã Sủng Trà) đã là mẹ của hai con nhỏ, bó cuộc đời mình vào cuộc sống đói nghèo. Nét khắc khổ trên khuôn mặt Sánh khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi biết Sánh mới 16 tuổi. Những quan niệm, nhận thức cổ hủ trong hôn nhân của đồng bào đã khiến xuất hiện không ít những người mẹ... trẻ con như Sánh. Thào Mí Sánh thật thà kể: “Bố mẹ bảo tôi lấy chồng thì tôi lấy. Vợ chồng về ở với nhau rồi sinh con, không biết làm gì để kiếm ra tiền. Ông bà nội, ngoại vẫn phải nuôi ăn cả nhà”.

Không chỉ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mà việc trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, dẫn đến tình trạng sinh quá nhiều con. Vừa đến cổng căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm nép mình dưới chân núi ở thôn Sủng Pờ B, xã Sủng Trà, chúng tôi đã nghe thấy tiếng chửi đổng của Vàng Mí Sì (sinh năm 1993). Trong nhà, chị Vàng Thị Cái (sinh năm 1994), vợ của Sì vừa địu đứa con út trên lưng, vừa nấu cơm trong tiếng mắng chửi của người chồng say rượu. Đứa con gái áp út mới chập chững tập đi đang bám lấy váy mẹ. Năm nay, mới 31 tuổi, nhưng chị Cái đã là mẹ của 5 đứa con. Con cái nheo nhóc, hằng ngày chị Cái phải bám đá trồng ngô nhưng bao năm nay gia đình vẫn phải sống trong túng quẫn. Hai đứa con đầu của chị không được đi học, 3 đứa sau chắc rồi cũng thế. Khi hỏi về lý do sinh đông con, chị Cái cho biết: “Nhiều phụ nữ dân tộc Mông lấy chồng sớm và coi việc đẻ con trai gần như là nghĩa vụ bắt buộc. Tôi đẻ đến đứa thứ 5 mới có con trai. Biết đẻ nhiều sẽ khổ nhưng việc phải có con trai để nối dõi đã đè nặng lên cuộc sống bao thế hệ người dân nơi đây”.

 Các thành viên Ban chỉ đạo xóa bỏ hủ tục xã Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) tuyên truyền cho người dân. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Các thành viên Ban chỉ đạo xóa bỏ hủ tục xã Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) tuyên truyền cho người dân. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Những hủ tục còn có thể lấy đi mạng sống của một số người. Đó là câu chuyện buồn của gia đình anh Thào Mí Tủa, sinh năm 1995, ở thôn Khai Hoang 3, xã Xín Cái. Sau khi lập gia đình, vợ Tủa sinh liên tiếp 4 đứa con gái. Áp lực của dòng họ phải sinh con trai và cái đói nghèo bám chặt đã khiến Tủa nghĩ quẩn, ăn lá ngón để kết thúc cuộc đời... Quả thật, những hủ tục như “liều thuốc độc” khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh éo le, không lường trước được...

Túng quẫn vì đám tang

"Kéo vợ” vốn là nét đẹp văn hóa, thể hiện sự mưu cầu hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ngăn cản, ràng buộc bởi sính lễ. Tuy nhiên, lợi dụng tục “kéo vợ”, G.M.C, sinh năm 2006, trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn, đã cố tình "kéo" V.T.S, sinh năm 2008 ở thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng về làm vợ. Mặc cho cô gái gào khóc, van xin, G.M.C vẫn quyết bắt về nhà. Chỉ đến khi công an xã Pả Vi có mặt tại hiện trường, việc làm này mới dừng lại.

Đói nghèo, thiếu hiểu biết, cả tin, bị kẻ xấu lợi dụng nên những năm trước, không ít hộ dân ở huyện Mèo Vạc đã bị lôi kéo theo tà đạo “San sư khẻ tọ”. Ông Vàng Chá Pó là người đầu tiên theo tà đạo “San sư khẻ tọ” ở xã Lũng Chinh. Theo phong tục người Mông, trưởng dòng họ là người có tiếng nói và ra quyết định khi các hộ trong dòng họ có việc. Vừa là trưởng dòng họ, vừa là thầy cúng nên khi thấy ông Pó theo tà đạo, nhiều người trong dòng họ Vàng cũng tham gia theo. Ông Pó nhớ lại: “Lúc đi theo tà đạo, người mình cứ mê muội, cả ngày chỉ ngồi nghe cầu nguyện, lúc ốm đau không đi khám bệnh mà giết mổ gia súc để cúng. Theo lời của kẻ truyền đạo là trước khi đi ngủ để một cân ngô dưới đất và cầu nguyện, sáng mai ngô sẽ đẻ ra ngô, không cần làm cũng có đủ ăn. Thế nhưng cũng từ ngày ấy, cả gia đình tôi chưa có một bữa cơm no”.

Khó thay đổi nhất là hủ tục tang ma trong cộng đồng người Mông: Người chết không đưa vào áo quan, tang ma kéo dài từ 5 đến 7 ngày, giết mổ nhiều gia súc, cúng bái rườm rà... Khi mẹ chết, dù được tuyên truyền, vận động nhưng ông Vừ Mí Chơ ở tổ 1, thị trấn Mèo Vạc vẫn cương quyết tổ chức đám tang theo lối cũ. Ông Vừ Mí Chơ không cho người chết vào áo quan mà đặt trên cáng gỗ treo giữa nhà và bón cơm nhiều ngày. Bên cạnh đó, theo phong tục, anh em họ hàng ngoài số gia súc mang trả lễ còn dắt theo bò để giúp gia chủ. Người Mông quan niệm, gia súc mang đến giúp phải được làm lễ và giết thịt nên đám tang của mẹ ông Vừ Mí Chơ mổ 8 con bò và 18 con lợn. Dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng vì trả món “nợ đồng lần” nên sau đám tang, cuộc sống gia đình ông Chơ rơi vào túng quẫn, chuồng trại nhẵn bóng gia súc. Tương tự ông Chơ, bà Chảo Thị Mẩy (70 tuổi) ở thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái cũng đã từng sống trong cảnh bần hàn suốt nhiều năm vì trả nợ sau đám tang của chồng. "Khi chồng chết, anh em họ hàng dắt bò đến lễ rồi giết thịt. Sau đó, gia đình họ hàng có người chết, tôi đã phải đi vay nợ để mua bò dắt trả, dẫn đến nhiều năm sau vẫn còn nợ nần...", bà Chảo Thị Mẩy cho biết.

(còn nữa)

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/xoa-bo-hu-tuc-o-meo-vac-gan-ket-y-dang-long-dan-bai-1-he-luy-tu-hu-tuc-825000