Xóa bỏ thuế khoán: Hết thời 'cào bằng' thuế
Việc xóa bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh được kỳ vọng sẽ vá lỗ hổng thất thu thuế, không còn mảnh đất để 'lách luật', 'cào bằng' giữa các hộ kinh doanh
Trước thông tin sắp tới sẽ xóa bỏ thuế khoán, chị Nguyễn Thị Miền, kinh doanh tạp hóa tại phố Ngọc Khánh (Hà Nội), cho biết tiệm tạp hóa kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ có hai vợ chồng chị quản lý nên chị không sử dụng máy tính tiền, không in hóa đơn.
Hộ kinh doanh lo ngại phát sinh chi phí
Hàng năm, chị nộp thuế khoán với số tiền gần 800 nghìn đồng/tháng. Thời gian gần đây, chị nghe thông tin sắp xóa bỏ thuế khoán nên khá lo lắng. “Tôi bán hàng nhỏ lẻ cho dân cư xung quanh nên không thuê người, không đầu tư máy móc. Nếu bỏ thuế khoán sẽ đầu tư chi phí lớn cho máy móc, công nghệ, rồi phải nhập hóa đơn đầu vào, đầu ra rất phức tạp. Tôi cũng không có chuyên môn kế toán, công nghệ”, chị Miền lo lắng.

Nhiều hộ kinh doanh lo lắng việc xóa bỏ thuế khoán sẽ khiến việc kinh doanh phát sinh thêm chi phí. Ảnh: MINH TRÚC
Tương tự, chị Nguyễn Kim Oanh, chủ một tiệm spa tại Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), cũng cho biết cơ sở của chị chưa bao giờ xuất hóa đơn cho khách hàng, cũng không có nhân sự về kế toán.
"Tiệm tôi cung cấp dịch vụ, nhập hàng hay có khách đến sử dụng dịch vụ đều không có hóa đơn, chỉ ghi chép bằng sổ sách thủ công. Sắp tới, nếu xóa bỏ thuế khoán thì không biết phải chuyển đổi ra sao", chị Oanh nói.
Theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3-2025, số hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán chiếm tới 76% tổng số hộ kinh doanh hiện nay. Về mức nộp thuế khoán hiện nay là rất thấp.
Cơ quan thuế cho biết mức thuế khoán bình quân 3 tháng đầu năm chỉ hơn 670 nghìn đồng/tháng/hộ, cá nhân. Trong khi đó, với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, bình quân mức thuế nộp là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân.
Xóa bỏ thuế khoán là lẽ tất yếu, tránh "cào bằng"
Theo nhiều chuyên gia, việc nộp thuế khoán dễ dàng dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh doanh số phát triển mạnh mẽ, rất nhiều hộ kinh doanh, cá nhân có doanh thu rất lớn nhưng vẫn nộp thuế khoán với số thuế ít ỏi.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết bản thân bà đã thấy những cửa hàng, cơ sở khám chữa bệnh, bán thuốc hay spa có doanh thu rất lớn, nhưng vẫn nộp thuế khoán. “Tôi hỏi thì họ bảo áp dụng thuế khoán và thuế chỉ vài triệu đồng/tháng. Trong khi một người làm dịch vụ như họ cũng có doanh thu lên tới cả trăm triệu đồng” - bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Chuyên gia cho rằng việc trước đây chúng ta áp dụng chính sách thuế khoán là phù hợp, bởi đã đạt được mục đích nhân văn của Nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp khoán cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, như không minh bạch trong kê khai doanh thu, hộ kinh doanh có thể khai báo thấp hơn doanh thu thực tế nhằm giảm mức thuế phải nộp; gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý và giám sát doanh thu thực tế.
Thậm chí còn dẫn đến tình trạng hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế để giảm số tiền thuế phải nộp, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước, thiếu công bằng giữa các hộ kinh doanh.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho biết thuế khoán có ưu điểm là đơn giản, dễ thu, dễ thực hiện. Nhưng doanh thu khoán không thể hiện tính thực tế, mang nặng tính chủ quan và không đồng đều giữa nhiều đối tượng.
Ông Phụng cho rằng việc xóa bỏ thuế khoán đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu, tuy nhiên trước đây điều kiện về công nghệ thông tin hiện đại chưa đầy đủ. Còn hiện tại, khi công nghệ đã phát triển, chúng ta có đủ nguồn lực thì việc xóa bỏ thuế khoán là một lẽ tất yếu.
Theo ông Phụng, việc xóa bỏ thuế khoán không chỉ đem lại công bằng cho tất cả những người kinh doanh, mà việc này còn đảm bảo cho cơ quan thuế được thực thi pháp luật một cách nghiêm minh và chuẩn xác, tránh việc tùy tiện, chủ quan duy ý chí.
"Việc xóa bỏ thuế khoán là hợp lý, có doanh thu cao thì nộp thuế nhiều, có doanh thu ít thì nộp thuế ít, tránh việc cào bằng như bao lâu nay. Nhiều năm qua, vì nộp thuế khoán nên có những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trăm tỉ nhưng chỉ phải nộp thuế khoán vài triệu", ông Phụng nói.

Theo chuyên gia, việc xóa bỏ thuế khoán là một lẽ tất yếu, tránh việc cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trăm tỉ nhưng chỉ phải nộp thuế khoán vài triệu. Ảnh: MINH TRÚC
Nói về việc này, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú đánh giá đây là chủ trương đáng hoan nghênh. Hiện toàn quốc có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, chỉ khoảng 100 nghìn hộ kinh doanh áp dụng dạng kê khai thuế.
"Các hộ kinh doanh chịu mức thuế khoán hiện nay nhìn chung khá thấp, hầu như thấp hơn mức thuế thực tế đáng ra phải nộp nếu kê khai đầy đủ. Đây cũng là mảnh đất dễ xảy ra tiêu cực, bắt tay, phân chia quyền lợi", ông Tú nói.
Tuy nhiên, theo ông Tú, để việc xóa bỏ thuế khoán đi vào thực tiễn và được người dân đồng lòng thực thi thì hình thức hóa đơn, chứng từ với hộ kinh doanh phải đơn giản. Bước đầu triển khai nên áp dụng theo quy mô hộ kinh doanh, ngành hàng liên quan an toàn thực phẩm. Cơ quan quản lý phải tính toán làm sao để các hộ kinh doanh có thể tuân thủ quy định một cách dễ dàng.
Mỗi thủ tục chỉ mất 5 phút
Tại Nghị định 70 sửa đổi, bổ sung Nghị định 123 quy định về hóa đơn, chứng từ yêu cầu từ ngày 1-6, các hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền.
Dự kiến, cả nước sẽ có khoảng 37 nghìn hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo Chi cục Thuế khu vực I, để hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi, cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo hỗ trợ giải pháp công nghệ kịp thời đến từng hộ, cá nhân kinh doanh.
Ông Vũ Mạnh Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Khu vực I, cho rằng việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ giúp minh bạch hóa giao dịch, giảm chi phí, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Ngay từ đầu năm 2025, Chi cục Thuế khu vực I đã tích cực vận động, tuyên truyền và hỗ trợ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai thuế đầy đủ, với cao điểm ra quân trên toàn địa bàn vào tháng 4 vừa qua, nhằm chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các quy định tại Nghị định 70.
Chi cục Thuế khu vực I cũng cho biết sẽ đồng hành hỗ trợ người dân. "Cơ quan đăng ký kinh doanh, cán bộ thuế sẽ xuống địa bàn, từng tổ dân phố để hỗ trợ. Đồng thời, trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế sẽ hoạt động liên tục để hỗ trợ người nộp thuế đăng ký thuế, đăng ký kinh doanh nhanh nhất, đơn giản, thuận lợi nhất”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, nếu có ý thức tuân thủ pháp luật, mỗi thủ tục đăng ký như đăng ký kinh doanh, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, người dân chỉ mất 5 phút là xong.
Theo các đơn vị cung cấp dịch vụ, việc chuyển đổi hóa đơn điện tử sẽ không quá khó khăn. Hiện, các nhà cung cấp giải pháp về hóa đơn kế toán đã thiết kế những giải pháp có thể sử dụng trên mọi thiết bị, từ máy tính, máy tính bảng, đến máy Pos, thậm chí cả điện thoại di động cũng có thể sử dụng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xoa-bo-thue-khoan-het-thoi-cao-bang-thue-post849737.html