Xóa dần ranh giới ngân hàng tư nhân và ngân hàng có vốn Nhà nước

Nếu trước đây, nhóm ngân hàng triệu tỷ chỉ giới hạn trong các ngân hàng có vốn Nhà nước, thì nay, nhóm này đã mở rộng sang khối các ngân hàng tư nhân.

Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 được đánh giá là thời kỳ tăng trưởng cao của nhóm các ngân hàng. Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng đã công bố (ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank), tổng tài sản toàn ngành Ngân hàng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với cuối năm 2024.

BIDV là một trong những ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

BIDV là một trong những ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Cụ thể, nhóm “Big4” với các ngân hàng có vốn Nhà nước gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục là những ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong hệ thống các ngân hàng ở Việt Nam.

Tổng tài sản hợp nhất của cả 3 ngân hàng này vượt 7,42 triệu tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu là BIDV, với quy mô tổng tài sản hơn 2,85 triệu tỷ đồng, tăng 3,45% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay của ngân hàng này hơn 2,1 triệu tỷ đồng (tăng 2,5%), tiền gửi khách hàng gần 1,98 triệu tỷ đồng (tăng 1,2%), chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm gần 1,6%.

Đứng sau BIDV là VietinBank với tổng tài sản hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với cuối năm 2024. Dư nợ cho vay của ngân hàng này cũng tăng trưởng ấn tượng gần 4%, lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng xấp xỉ 1,4 triệu tỷ đồng.

Vietcombank đạt tổng tài sản đạt hơn 1,97 triệu tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm. Riêng quý I, VietinBank đạt tăng trưởng tín dụng 2,8%, tiền gửi khách hàng đạt gần 1,56 triệu tỷ đồng.

Nếu trước đây, nhóm ngân hàng triệu tỷ chỉ giới hạn trong các ngân hàng có vốn Nhà nước, thì nay, nhóm này đã mở rộng sang khối các ngân hàng tư nhân.

Với tài sản tiến dần đến ngưỡng 1 triệu tỷ đồng, thậm chí có khả năng vượt ngưỡng này trong thời gian tới, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) là những ngân hàng thương mại cổ phần khiến khoảng cách giữa các ngân hàng có vốn nhà nước và tư nhân dần bị xóa bỏ.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, tính đến hết tháng 3-2025, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đã đạt hơn 994.000 tỷ đồng. Dự kiến, tổng tài sản của VPBank sẽ vượt mốc 1 triệu tỷ đồng trong tháng này.

Như vậy, VPBank là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần. Được biết, năm 2010, quy mô tài sản của VPBank mới đạt gần 60.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhóm ngân hàng tư nhân dẫn đầu (trên 100.000 tỷ đồng) hay nhóm ngân hàng quốc doanh (300.000-500.000 tỷ đồng).

Nhưng, từ năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng này tiến sát 400.000 tỷ đồng, tăng gần 7 lần sau 10 năm. Đáng chú ý, kể từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của VPBank được đánh giá như kỳ tích. Năm 2021, tài sản ngân hàng đạt 547.000 tỷ đồng, tiến tới 817.000 tỷ đồng vào năm 2023. VPBank có kế hoạch tăng tổng tài sản lên khoảng 1,13 triệu tỷ đồng vào cuối 2025, tức gấp 2 lần năm 2021 và tăng gần 40% so với 2023.

Không chỉ đặt mục tiêu về tổng tài sản, năm 2025 cũng được VPBank đặt mục tiêu khá cao, với các chỉ tiêu khác như lợi nhuận trước thuế dự kiến là 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay.

Với Techcombank, theo báo cáo mới nhất tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Techcombank đã đạt 989.200 tỷ đồng. Như vậy, con số 1 triệu tỷ đồng cũng không còn xa với ngân hàng tư nhân này.

Cùng với kế hoạch sớm đạt tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng, năm 2025, ngân hàng này cũng dự kiến đạt dư nợ tín dụng 745.738 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% so với cuối năm 2024.

Trước VPBank và Techcombank, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc tài sản triệu tỷ đồng. Tại ngày 30-9-2024, tổng tài sản hợp nhất của MB đã đạt 1,028 triệu tỷ đồng và báo cáo mới nhất kết thúc quý I, tài sản của ngân hàng này đã nhích lên 1,16 triệu tỷ đồng.

Nhóm có tổng tài sản lớn tiếp theo trong hệ thống ngân hàng phải kể đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) vượt ngưỡng 700.000 tỷ đồng tài sản sau 3 tháng đầu năm. Trong đó, ACB đạt gần 789.000 tỷ đồng, SHB 788.000 tỷ đồng, Sacombank 766.000 tỷ đồng, HDBank 732.000 tỷ đồng.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xoa-dan-ranh-gioi-ngan-hang-tu-nhan-va-ngan-hang-co-von-nha-nuoc-701216.html