Xóa lợi ích nhóm, bỏ cơ chế xin - cho

Chia sẻ với PV Tiền Phong, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất chính là doanh nghiệp tư nhân không được đối xử công bằng với các doanh nghiệp Nhà nước và cả các doanh nghiệp FDI.

Tình trạng lợi ích nhóm, thiếu cơ chế hỗ trợ lãi suất đang bào mòn sức khỏe, khiến doanh nghiệp tư nhân chậm lớn.

Cần mạnh tay xóa bỏ tình trạng xin - cho, tình trạng ‘không quản được thì cấm’, bất bình đẳng trong kinh doanh… là những vấn đề được các doanh nghiệp đồng tình khi được hỏi về việc cần làm gì để phát triển doanh nghiệp khi chia sẻ với PV Tiền Phong.

Tại tọa đàm về phát triển kinh tế tư nhân cách đây ít ngày, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, sự bất bình đẳng trong kinh doanh với doanh nghiệp tư nhân hiện nay rất trầm trọng. Có nghịch lý, doanh nghiệp làm tốt, làm chân chính không được quan tâm. Những doanh nghiệp “chạy cửa sau” thì lại có được dự án. Không ít doanh nghiệp thân hữu, sân sau bị phát hiện trong các vụ án gần đây đã cho thấy rõ việc này.

Một biến tướng liên quan đến tình trạng bất bình đẳng xuất phát từ lợi ích nhóm với việc tiếp tay của cán bộ, công chức trong việc xây dựng, thiết kế các quy định, chính sách có lợi cho một nhóm doanh nghiệp “sân sau”.

Những quy định, chính sách này khi triển khai sẽ tạo thuận lợi cho một nhóm doanh nghiệp lớn nhưng lại tạo khó khăn, khiến các doanh nghiệp nhỏ hơn bị chèn ép, thua thiệt khi cạnh tranh cùng lĩnh vực. Những quy định này cũng hướng tới việc tạo cơ chế xin - cho, cơ chế chạy vạy nổi lên. Những việc này thể hiện khá rõ ở các thông tư, nghị định mà có thể hiểu A cũng được, hiểu B cũng được hoặc tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Việc tạo, cài cắm các lợi ích nhóm thông qua các “quy định” trong các thông tư, nghị định dẫn đến hạn chế việc cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đồng thời khiến doanh nghiệp bị yếu thế trước các doanh nghiệp thuộc lợi ích nhóm lớn. “Trong khi kinh doanh, sản xuất, khi anh đã bị yếu thế hơn vì môi trường kinh doanh không thuận lợi thì sẽ không phát triển được”, ông Nam nói.

Về tình trạng cài cắm lợi ích nhóm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chúng ta không thể nhìn thấy bất cứ dấu hiệu “lợi ích” nào trong các nội dung được ban hành. Nhưng khi đưa vào thực thi thì mới bộc lộ vấn đề và khá phổ biến. Điển hình trong thanh, kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân bị kiểm tra nhiều hơn.

Doanh nghiệp tư nhân không được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp FDI. “Doanh nghiệp FDI được săn đón, chào mời còn doanh nghiệp tư nhân không được như vậy. Nếu khi gặp một việc gì đó, doanh nghiệp tư nhân phản ánh, thì qua nhiều tầng nấc xem nhưng không được giải quyết ngay.

Nhưng khi các doanh nghiệp FDI phản ánh là lập tức được xử lý ngay. Điều này thể hiện rất rõ ở các địa phương. Việc tiếp cận nguồn lực vốn trung, dài hạn, đất đai cũng vậy. Các doanh nghiệp tư nhân hầu như không được tiếp cận và được hưởng ưu đãi. Ngay cả các khu công nghiệp, chúng ta phát triển nhưng là dành cho các doanh nghiệp FDI còn khu vực tư nhân không tiếp cận được”, ông Cung phân tích.

 Doanh nghiệp tư nhân muốn được đối xử công bằng để phát triển. Ảnh: Nguyễn Bằng

Doanh nghiệp tư nhân muốn được đối xử công bằng để phát triển. Ảnh: Nguyễn Bằng

Cũng theo ông Cung, sự bất cập còn thể hiện ở việc doanh nghiệp Nhà nước có quá nhiều đất đai và nhiều trường hợp không sử dụng được hết trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ biết nhìn mà ước. Chính vì những bất cập này mới có tình trạng “doanh nghiệp không muốn lớn” và cũng có doanh nghiệp muốn lớn nhưng không lớn được.

“Không tiếp cận được vốn, đất đai, công nghệ thì doanh nghiệp làm sao lớn được. Chúng ta cứ xây dựng tổ để đi đón đại bàng nhưng tại sao chúng ta không xây dựng các cánh rừng, cánh đồng đầy hoa để đàn ong lấy mật? Chúng ta phải thay đổi, xóa bỏ những bất cập trong phát triển doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Cần cơ chế cho người dám làm

Chia sẻ với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành khẳng định: Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến hai yếu tố “sống còn” với doanh nghiệp: Có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và loại bỏ các những khoản “phí bôi trơn”, “phí xin cho”.

“Chỉ khi nào chúng ta tạo được môi trường cạnh tranh sòng phẳng giữa các nhóm doanh nghiệp, loại bỏ vấn đề nhức nhối “bôi trơn”, chạy dự án thì doanh nghiệp mới có thể phát triển mạnh mẽ”, ông Thành chia sẻ.

Ông Thành cho rằng, cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính rất quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là phải cải cách tư duy về vấn đề nhân sự. Nếu con người chưa tốt thì bộ máy khó có thể vận hành trơn tru.

Ông Giang Chấn Tây cho rằng, khi hệ thống bán lẻ thuộc doanh nghiệp đầu mối tách thành các công ty độc lập về tài chính, Nhà nước sẽ không thất thoát thuế và lợi nhuận không bị chuyển giá lòng vòng khó kiểm soát. Thị trường sẽ cạnh tranh để phát triển tốt hơn.

“Xóa lợi ích nhóm cài cắm các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật là yếu tố đặc biệt quan trọng trong vận hành xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Phải làm sao để những người được giao viết các thông tư, nghị định không “cài” lợi ích nhóm khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Doanh nghiệp sẽ không thể thoát khỏi cái vòng kim cô khi các văn bản như này được ban hành”, ông Thành nói.

Để thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân, phải có cơ chế hỗ trợ lãi suất đặc thù như gói hỗ trợ lãi suất lên tới 30.000 tỷ đồng cách đây nhiều năm. Cần có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ quản trị, cung cấp thông tin dự báo thị trường… để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

“Với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không doanh nghiệp nào có thể phát triển đột phá được nếu lãi suất cứ duy trì lên tới 10%-14%. Ở các nước, doanh nghiệp vay vốn làm ăn chỉ vài phần trăm đã là cao vậy sao ngành ngân hàng nhiều năm rồi chưa áp dụng được?’, ông Thành chia sẻ.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, sự mất công bằng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ rất bức xúc nhiều năm qua.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành xăng dầu đã bị thua lỗ lớn, thậm chí mất vốn, buộc phải rời bỏ thị do sự yếu kém trong điều hành của cơ quan quản lý là Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng nêu nhiều vấn đề nóng của ngành xăng dầu hơn 2 năm qua và góp ý bằng văn bản nhiều lần cho Bộ Công Thương nhưng những vấn đề này không được được xử lý triệt để.

Để ổn định thị trường, thúc đẩy cạnh tranh đúng nghĩa cần tách các doanh nghiệp nhập khẩu (các doanh nghiệp đầu mối) ra khỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ của họ để các cửa hàng bán lẻ hạch toán độc lập. Giải quyết vấn đề như thế thì toàn bộ các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn quốc mới hoạt động bình đẳng.

“Bộ Công Thương hiện đang thiết kế các quy định có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu (đầu mối) quá nhiều quyền: Đầu mối lại làm cả bán lẻ, rồi lại giao quyền cho đầu mối định đoạt giá bán lẻ thì chẳng khác nào Bộ Công Thương vừa “giao quyền sinh quyền sát vào tay họ. Đây là vấn đề thuộc dạng lỗi hệ thống, vi phạm Luật Cạnh tranh nghiêm trọng. Việc Bộ Công Thương cần làm ngay và đưa vào Nghị định là không cho phép thương nhân đầu mối được bán lẻ”, ông Tây đề xuất.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xoa-loi-ich-nhom-bo-co-che-xin-cho-post1730808.tpo